HÀ NỘI (NV) – Nhiều mẫu cá biển gửi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để xét nghiệm cho thấy, còn có chất kịch độc cyanua của 5 trong số 9 mẫu cá, cùng một số chất độc khác, chưa biết bao giờ ăn được.
Bản tin của tờ Người Lao Động hôm 24 tháng 8 thuật tin từ “Viện Kiểm Nghiệm An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm (ATVSTP) Quốc Gia cho biết vừa thực hiện xét nghiệm 9 mẫu cá do Chi Cục ATVSTP Hà Tĩnh gửi ra. Đây là các mẫu cá được lấy tại Gò Cá xã Cẩm Nhượng, biển Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh (3 mẫu gồm: cá mu, cá đuối); chợ Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên (6 mẫu gồm: ghẹ 3 mắt, cá nhồng, cá man, cá trạng buồn, cá mỏ neo, cá triềng).”
Theo kết quả kiểm nghiệm ngày 22 tháng 8 của cơ quan nói trên được tờ Người Lao Động thuật lại cho thấy “hàm lượng các kim loại nặng như: thủy ngân, crôm, asen, chì, sắt trong các mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng trong mẫu cá trạng buồn có hàm lượng cadimi là 0.079mg/kg, vượt quá giới hạn cho phép. Ngoài ra, xét nghiệm cũng phát hiện tồn dư cyanua trong 5 mẫu cá: cá đuối (0.8 mg/kg); ghẹ 3 mắt (0.8 mg/kg); cá nhồng (0.6 mg/kg); cá man (0.5 mg/kg) và cá mỏ neo (3.9 mg/kg).”
Cùng ngày 24 tháng 8, Cục An Toàn Thực Phẩm, Bộ Y Tế được tờ Người Lao Động thuật lại, công bố “từ đầu tháng đến ngày 19 tháng 8, trong 18 mẫu hải sản được lấy từ tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) được kiểm nghiệm chỉ phát hiện một mẫu có lượng cadimi vượt ngưỡng.”
Cadimi là một kim loại thuộc dạng mềm có thể dẫn đến bệnh ung thư. Chúng tồn tại trong các quặng kẽm và được sử dụng phần lớn trong các loại pin, đồng thời được sử dụng trong các chất màu, lớp sơn phủ, các tấm mạ kim và làm chất ổn định cho plastic và một số ứng dụng khác.
Tờ Người Lao Động viện dẫn ý kiến của chuyên gia hoá học nói, “Cyanua là một chất kịch độc, có thể gây chết người chỉ với liều lượng thấp. Người ăn phải cá hay thực phẩm nhiễm độc cyanua có triệu chứng nóng lưỡi, họng, đau đầu, chóng mặt, kích thích, đau bụng, buồn nôn, thở nhanh, thậm chí hôn mê, ngừng thở, hạ huyết áp…”
Người ta biết phần lớn chất độ cyanua có trong nước đều xuất phát từ quá trình công nghiệp. Nguồn thải chính của cyanua vào trong nước là nguồn thải từ quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất hữu cơ, những công việc liên quan sắt và thép.
Hôm 22 tháng 8, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường CSVN mở một cuộc họp ở thị trấn Đông Hà, tỉnh Quảng Trị tuyên bố rằng nước biển miền Trung đã “sạch, đẹp, an toàn” và dân lại còn “có cả thép” nữa.
Nhưng đại diện của Bộ Y Tế Hà Nội có mặt trong cuộc họp không khẳng định mức độ an toàn của hải sản tại khu vực. Người ta dọc thấy báo cáo viết khá mơ hồ là “hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản giảm dần theo thời gian…”
Tức là các hóa chất độc hại vẫn còn đó, ăn chưa được, chỉ không nói thẳng. Đời sống hàng triệu người dân miền Trung bị ảnh hưởng vì biển bị đầu độc đang đối diện với một tương lai bất định. (TN)
No comments:
Post a Comment