Wednesday, August 24, 2016

Có hay không thực phẩm sạch ở Sài Gòn?

Với các loại rau mọc hoang như cây bồn bồn này người tiêu dùng còn tin là rau sạch. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Với các loại rau mọc hoang như cây bồn bồn này người tiêu dùng còn tin là rau sạch. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Trần Tiến Dũng/Người Việt
SÀI GÒN (NV) – Ở Sài Gòn hiện nay hệ thống cầm quyền đang khuấy động hai phong trào: Một là khởi nghiệp ngành thực phẩm sạch, hai là trồng và mua bán thực phẩm hữu cơ, nhất là món rau sạch.
Nhìn vào thực chất các phong trào này, người lạc quan thì cho rằng đó là dấu hiệu thức tỉnh sau hàng chục năm chính quyền bỏ mặc cho dân bị đầu độc, người bi quan thì cho rằng chỉ là trò mị dân chớ làm sao có thể chấm dứt được tệ nạn thực phẩm bẩn.
Ðiều thú vị là sau hàng trăm năm, người Sài Gòn lại thấy lù lù từ quá khứ xa xôi hiện ra các tụ điểm chợ phiên. Chợ phiên Sài Gòn hôm nay thường họp vào hai ngày cuối tuần và chủ yếu phục vụ nhu cầu bán và mua của thị trường mới nổi là phong trào nhà nhà, người người làm, chế biến và sử dụng thực phẩm sạch.
Các phiên chợ dành cho giới trung lưu này là một hình thức kết nối các cửa hàng thực phẩm trên thế giới ảo xuống đời thật và ngược lại. Bàn về chuyện xôm tụ hay lèo tèo của các phiên chợ thì ai cũng thấy có nhu cầu đến mua, bán thử cho biết để trấn an mình là chính.
Hầu hết người bán, người mua các loại thực phẩm sạch ở đây cũng chỉ biết dùng cụm từ, hàng bảo đảm uy tín mà làm bằng. Tuy ai cũng mở miệng cầu chứng hai từ: uy tín, trong khi họ cũng biết ở Việt Nam hiện nay, chữ tín đích thị là thứ đã phá sản banh chành.
Chợ phiên thực phẩm sạch, trào lưu mới ở Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Chợ phiên thực phẩm sạch, trào lưu mới ở Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Nhưng rốt cuộc người Sài Gòn cũng phải đặt ra vấn đề: Ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, hiện nay có thực phẩm sạch thật không?
Ông D, một doanh nhân tầm trung, đang nuôi tham vọng về quê ở Chợ Gạo trồng gạo hữu cơ, rau sạch để đáp ứng thị dân. Ông tâm sự: “Về chuyện rau, tôi nói thiệt, lúc mới trồng, tôi nghĩ đơn giản là mình không dùng phân hóa học, thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu là có cọng rau sạch, nhưng làm qua một vài vụ tôi mới biết nước mưa, nước tưới cũng bị ô nhiễm kim loại nặng, đó là chưa kể đất trồng.” Khi được hỏi do đâu mà ông anh biết: Ông D chỉ về hướng có khu công nghiệp gần đó nói, “Mấy người nông dân thổ địa ở đây nói với tôi. Không có phân, không có thuốc, đố có cây rau cây lúa nào sống nổi với ô nhiễm. Ông có tiền thì xây nhà kính may ra có rau sạch.”
Vậy thì ở đâu có đất, có nước, có không khí để làm nông nghiệp sạch như thời trước. Ở Việt Nam hiện nay, hầu như huyện nào cũng có khu công nghiệp, các số liệu cho thấy hiện có 463 khu công nghiệp trên tổng số 545 huyện quận; và do tham nhũng đỉnh cao mà chính quyền không hề quan tâm đến các chất độc hại thải ra.
Sự kiện chế độ Hà Nội vô trách nhiệm để cho cả khu vực biển miền Trung bị Fromosa đầu độc; từ tháng 4 năm 2016 đến nay nguồn cá thực phẩm hầu như biến mất khỏi các phiên chợ ở Bắc Trung phần. Nhưng trước đó cả chục năm, các món rau trong bữa ăn hàng ngày ở cả Việt Nam cũng đã bị nhiễm độc.
Chợ rau miền quê, không cách gì để biết rau đâu là rau sạch. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Chợ rau miền quê, không cách gì để biết rau đâu là rau sạch. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Trở lại với sự cố gắng của nhiều doanh nhân và người tiêu dùng muốn cùng nhau làm cuộc phục sinh thực phẩm sạch. Không ai cho rằng họ ảo tưởng, nhưng người ta dự đoán rằng những nỗ lực của họ cuối cùng cũng bị vấn nạn xã hội lớn nhất hiện nay là: Người Việt đang giết người Việt dìm vào vũng lầy.
Một người trẻ, cô U., gặp mời chúng tôi mua rau sạch ở chợ phiên trên đường Cao Thắng kể với giọng tự hào: “Tụi này người Việt không giết người Việt như người ta đâu. Rau tụi này lấy từ công ty có uy tín bảo đảm, nhưng bảo đảm hơn là nếu bán hết số rau này, tụi này không ra chợ gom rau bậy bạ về vô bao, dán mác nói là rau sạch như các siêu thị đã làm.”
Ở một quầy hàng chợ phiên khác trên đường Võ Thị Sáu, trước một quầy thực phẩm chế biến các món bánh dân gian cả bánh mặn lẫn bánh ngọt quen thuộc được đóng gói sơ sài. Có người mua thắc mắc về giấy phép kiểm tra an toàn thực phẩm, người bán, một chàng trai còn trẻ tên là T, nói: “Cá Formosa mà quan chức cao cấp còn dụ dân ăn cho chết, còn giấy tờ chú muốn giấy gì cũng mua được tất. Nhưng tụi này nghỉ chơi với nhà nước rồi. Chú còn tin vào ba cái giấy tờ đó là chú còn bị lừa, bị hại.”

Thực trạng thực phẩm bẩn ở Việt Nam hiện nay được đổ thừa là do người nông dân tham lợi sử dụng các chất cấm để tăng năng suất, nhưng nên nhớ là chế độ Hà Nội có cả một hệ thống kiểm tra vệ sinh-an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, thú y… đang tham nhũng thủ lợi từ thị trường thực phẩm bẩn giết dân.

No comments:

Post a Comment