Monday, August 15, 2016

Những chiếc xe màu đen trong phố cổ

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-08-15  
Phuc.jpg
 Đoàn xe của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong khu vực đi bộ phố cổ Hội An.  Youtube screenshot
Ngày 8 tháng Tám, Trang thông tin chính phủ đưa tin về chuyến viếng thăm phố cổ Hội An của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Sự xuất hiện bất ngờ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tầm chiều muộn 8/8 đã thu hút sự quan tâm, chú ý của rất đông du khách. Nhiều người mạnh dạn tới chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng. Trước sự quan tâm đó, ông nói vui rằng: ‘Tôi quảng bá cho du lịch Hội An đấy nhé’.”
Trang thông tin chính phủ đăng ảnh Thủ tướng Phúc tươi cười hỏi chuyện người dân trong phố cổ, và cả với khách du lịch. Tuy nhiên trang thông tin này không đăng hình đoàn xe đông đúc của Thủ tướng, với nhiều chiếc sang trọng màu đen chạy dọc con phố trung tâm của di sản văn hóa Hội An, vốn chỉ dành cho người đi bộ.
Bức ảnh không biết ai là tác giả đó lập tức lan nhanh trên không gian mạng, gây nên những lời chỉ trích, những lời bênh vực, và cả cãi vã nhau trên không gian mạng xã hội.

Luật và Lệ

Đa số các ý kiến của blogger, mạng xã hội nghiêng về nhóm chỉ trích. Một phụ nữ trẻ người gốc Hội An, thốt lên khi chia sẻ tấm ảnh rằng đoàn xe là cái quái quỉ gì mà xuất hiện nơi phố cổ vốn bình yên của cô.
Một người khác là Huy Phan mô tả buổi chiều ngày 8 tháng tám tại Hội An:
“Choạng tối (ngày 8/8/2016), trong chuyến ghé phố cổ Hội An chơi, Nguyễn Xuân Phúc thủ tướng Việt Nam & các thuộc hạ của Phúc điều nguyên một đoàn xe hơi ngang nhiên phi thẳng giữa đường Trần Phú, là tuyến phố chỉ dành cho người đi bộ. Công an tháp tùng hộ tống đổ ra ngăn chặn, dẹp đường. Tiếng còi kèn, quát tháo inh ỏi, hú loạn cả một phố cổ yên bình.
Công an tháp tùng hộ tống đổ ra ngăn chặn, dẹp đường. Tiếng còi kèn, quát tháo inh ỏi, hú loạn cả một phố cổ yên bình.
- Huy Phan
Dân chúng, du khách nép vội vào lề đường trố mắt, ngơ ngác níu áo hỏi nhau "thèn cha mô mà kinh rứa hè"?!”
Người ta chê trách ông Thủ tướng không tôn trọng luật pháp, hoặc quên luật pháp, mà hơn nữa ông là dân Quảng Nam, thì chắc chắn ông phải biết rằng Hội An là nơi chỉ dành cho người đi bộ.
Luật sư Lê Luân nhắc đến hai vị lãnh đạo cùng trong bộ máy nhà nước của ông Phúc là ông Tô Lâm, người cầm chịch ngành công an, và ông Đinh La Thăng đứng đầu thành phố Sài Gòn. Cả hai vị này đều có những tuyên bố rất cứng rắn về thượng tôn pháp luật:
“Thủ tướng một quốc gia mà không gương mẫu và không nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, thì quốc tế và người dân đánh giá thế nào về việc chấp pháp của quan chức cũng như chính phủ đất nước này?
Trước pháp luật, tất cả đều như nhau. Ông sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp về hành vi vi phạm pháp luật giao thông, nếu có.
Và đây là lúc Cảnh Sát Giao Thông phải "lấy lại uy lực của mình" như lời ông Tô Lâm và ông Đinh La Thăng vừa tuyên bố trên báo chí.
Hoặc ít nhất, hành vi này có dấu hiệu "gây rối trật tự công cộng" vì phá vỡ sự hoạt động bình thường của những sinh hoạt và tại nơi công cộng đang diễn ra, gồm cả du khách trong nước và quốc tế.”
Blogger, nhà báo Kami đặt câu hỏi, tương tự như luật sư Lê Luân, trong một bài viết mà ông tự hỏi rằng trước những nhiễu nhương tương tự như vậy, so với trật tự của xã hội những quốc gia láng giềng, thì liệu ông, nhà báo Kami có còn kiên nhẫn để yêu quê hương hay không.
Một cây bút lấy tên là Kong Kong châm biếm câu nói quảng bá du lịch của ông Phúc, hỏi rằng chẳng lẽ ông quảng bá bằng cách khuyến khích du khách chạy xe vào phố cấm? Còn nếu ông không biết điều đó, thì có phải là ông chỉ về quê như các quan lại ngày xưa áo gấm về làng?
Lời chỉ trích nặng nề nhất có lẽ là của nhà văn Trần Trung Đạo, khi ông so sánh đoàn xe màu đen của ông Phúc như một đoàn xe tang, giống như đoàn xe của quân phát xít Đức tiến vào thủ đô Paris của nước Pháp hơn nửa thế kỷ trước.
Tác giả Lê Dung, tuy cũng phê phán ông Phúc trên trang Việt Nam Thời Báo, nhưng nhẹ nhàng và độ lượng hơn:
h1237-400.jpg
Người dân chụp hình selfie cùng thủ tướng ở Phố cổ Hội An. Courtesy of anhbasam.wordpress.com
“Ai đó có thể cho rằng thủ tướng Phúc - bận trăm công ngàn việc - không thể quán xuyến được từng việc, và có thể không biết về đường cấm ở Phố cổ Hội An. Nhưng lại chính ông Phúc đến Hội An để chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Chẳng lẽ ông không ý thức được con phố dành riêng cho người đi bộ là một đặc trưng văn hóa trong du lịch? Còn nếu ông quên điều sơ đẳng ấy, lẽ nào bộ tham mưu của ông lẫn chính quyền địa phương cũng quên nốt?”
Nhân vật Ai đó mà Lê Dung nhắc tới, cuối cùng đã xuất hiện. Đó là một người được cho là trong giới làm báo, một người đàn ông, nhưng lấy tên phụ nữ là Mượt trên mạng xã hội. Người này chỉ trích gay gắt những người chê bai ông Phúc:
“Ai đã đi thăm quan phố cổ Hội An đều biết các đường giao thông từ đầu khu vực phố đi bộ này đến khu vực ra cách nhau khá xa, nếu là du khách lang thang chắc phải mất vài tiếng. Đòi hỏi Thủ tướng phải đỗ xe đi bộ từ đầu này, xong đoàn xe vòng ra đầu kia đón thì cũng hơi phi lí.
Ai chẳng có ngoại lệ, Thủ tướng thì càng cần ngoại lệ vì mỗi phút giây của nguyên thủ đều là vàng là bạc, là những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, và đây là đoàn công tác chứ không phải Thủ tướng dẫn vợ con đi chơi ngày nghỉ mà đòi hỏi phải tuân thủ quy định đi bộ như dân thường.
Không biết từ bao giờ, chuyện đòi hỏi Thủ tướng phải như dân thường vậy?
Cái gọi là cư dân mạng càng ngày càng hoang đường.”
Một người tên là Nguyễn Dân cho rằng lý lẽ dùng để bênh vực ông Phúc mang tính chất ngụy biện, lấy số đông mà bao biện, hơn nữa ai có đến  Hội An cũng biết rằng những con phố vắng của thị xã này ngắn đến nỗi chi đi dăm mười phút là hết.
Lý lẽ bênh vực cho đoàn xe của ông Phúc cũng xuất hiện trên báo điện tử của tỉnh Quảng Nam quê ông rằng ông và đoàn tùy tùng không có ý định chạy xe vào phố, nhưng vì phố ngắn quá không xoay trở được nên đành chạy ngang qua. Báo này cũng nói là chuyện xảy ra cũng do một phần vì ý định của Thủ tướng là bất ngờ, cho nên không thể làm chu đáo!

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Nhiều người tìm kiếm nguyên nhân vì sau chuyến vi hành của ông Phúc lại chịu nhiều chỉ trích như vậy. Nhà báo Nguyễn Thông viết rằng:
“Dân ta, vốn sẵn ghét nhà cai trị nên cứ gặp chuyện liên quan đến mấy ông to là ném đá ào ào, bất kể nông sâu. Theo tôi như vậy cũng chả nên. Nhưng nhà cai trị cũng cần xem lại mình, tại sao dân chúng lại ghét mình đến thế, ráng mà tu thân, làm điều hay, tránh sự dở để lưu được cái tiếng tốt ở đời.”
Chẳng lẽ ông không ý thức được con phố dành riêng cho người đi bộ là một đặc trưng văn hóa trong du lịch? Còn nếu ông quên điều sơ đẳng ấy, lẽ nào bộ tham mưu của ông lẫn chính quyền địa phương cũng quên nốt?
- Lê Dung
Blogger Kinh Thư thì nói là chuyện hành xử của Thủ tướng như vậy, hay ít nhất là những người tùy tùng của Thủ tướng không phải là điều gì xa lạ trong thái độ hành xử của các quan chức cộng sản.
“Chuyện vốn cũng thường, xưa nay không hiếm với các quan Cộng Sản. Có điều ngày nay dân vốn đã càng ngày càng không ưa mấy ảnh, mà mấy ảnh lại càng ngày càng kệch cỡm lúc nào cũng ưa diễu võ dương oai, nên sự thế càng ngày lại càng ngứa con mắt nhỏ đỏ con mắt lớn, thế nên dân tình ào ào tuôn ra những lời mắng nhiếc bất nhân. “
Một người lấy bút danh là Thạch Đại Lang so sánh cái cách mà dân chúng Việt Nam phê phán những nhà lãnh đạo Việt Nam, nhưng lại nồng nhiệt với một người nước ngoài là Tổng thống Obama của nước Mỹ:
Những người như Nguyễn Xuân Phúc có lẽ không bao giờ tự hỏi Barack Obama có gì hay ho, tài giỏi hơn mình mà tại sao lại được dân Việt Nam thức khuya chờ đợi, hân hoan chào đón nhiệt thành, còn mình sau khi gây ồn ào, náo động với đoàn xe to lớn, bóng loáng, đắt tiền lại bắt gặp những ánh mắt tò mò, khó chịu, bực bội, chen lẫn thái độ thờ ơ của người dân khi biết mình là ai, đồng thời bị ném đá tới tấp trên mạng internet?
Chim phượng hoàng có thể bay thấp như gà nhưng gà không bao giờ có khả năng bay cao như phượng hoàng.”
Blogger Nguyễn Hữu Vinh lại trào phúng so sánh những bài viết tuyên truyền cho gương khiêm tốn của các lãnh tụ cộng sản thời xưa như Lê Nin, Hồ Chí Minh với đoàn xe của ông Phúc ngày nay. Nguyễn Hữu Vinh cho rằng thực ra những gương khiêm tốn nếu có như thế chỉ là những hành động không thật của những kẻ gian hùng.
Nói về những người cộng sản, ông Nguyễn Quang Thạch, người làm chương trình mang sách về nông thôn, nói về cha ông:
“Cha mình 67 năm tuổi đảng, cả cuộc đời ông sống tận tâm với công việc khi tại nhiệm và tử tế với hàng trăm đứa trẻ trong xã ông khi nghỉ hưu. Nhiều đứa học yếu và kém ở cấp 1&2 đã được ông vực dậy nhờ sự kiên trì của ông. Mấy năm gần đây, bọn trẻ chửi cộng sản khắp nơi, nhất là từ khi Formosa bị lộ. Những người cầm thẻ đảng như cha mình nếu đang sống chắc sẽ buồn lắm bởi những năm tháng vất vả ở chiến trường, những nỗi đau khi nhiều ruột thịt của ông đã chết bởi đạn Pháp, bởi đạn cộng sản, bởi bom Mỹ mà ông chịu đựng tạo ra một xã hội cướp bóc ở khắp nơi. Một xã hội mà túi khôn của dân tộc bị tàn giết, bị kìm kẹp, bị tầm thường hóa trong 60-70 năm qua.”
Nhà báo Trung Bảo thì mong muốn là bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra một lời tuyên bố về chuyện đoàn xe của ông ở Hội An, giải thích một cách thành thật.
Điều giải thích thành thật mà nhà báo Trung Bảo đề nghị đó có thể làm dịu đi phần nào ý nghĩ châm biếm lý tưởng cộng sản về một xã hội bình đẳng, mà blogger Nguyễn Hữu Vinh trích lời nhà văn Anh George Orwell, trong tác phẩm Trại súc vật, rằng tất cả các con vật đều bình đẳng nhau nhưng có những con này bình đẳng hơn những con khác.

No comments:

Post a Comment