Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-08-15
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn trong lễ khai mạc kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa 14 tại Hà Nội vào ngày 20 Tháng 7 năm 2016. AFP PHOTO
Liên tục trong vài tháng gần đây, báo chí Việt Nam đưa tin liên tục những vụ việc có liên quan đến tham nhũng, từ việc bổ nhiệm con cái của ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Công thương, đến việc thanh tra các đơn vị kinh tế lớn như công ty mobile phone, mỏ khoáng sản Núi Pháo tại Thái Nguyên. Các nhân vật được nêu ra trong các vụ việc này có địa vị cao hơn trong các vụ trước đây.
Phải chăng chiến dịch chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam đang đi vào thực chất hơn?
Diễn tiến
Luật sư Trần Quốc Thuận, người từng làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội của Việt Nam nói rằng:
Thực sự nói ra những vụ án này những vụ án nọ, thì cũng chỉ là những con ruồi thôi, chứ còn nói chống thì tôi thấy cuối cùng họ cũng chỉ thí vài con chốt.
- Nhà báo Trương Duy Nhất
“Việc chống tham nhũng đã được đảng đề ra nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ vừa qua có nghị quyết Trung ương bốn, là chống tham nhũng là chống từ trên xuống. Nhưng sau nhiệm kỳ vừa qua thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt được kết quả quan trọng, chưa nhanh và đẩy lùi được tham nhũng. Bây giờ đại hội 12 đặt lại vấn đề, nghiêm trọng hơn, quyết liệt hơn. Tôi nghĩ rằng chuyện khởi động làm cũng chính là thực hiện nghị quyết đại hội đảng và thực hiện ý nguyện của toàn dân mà thôi.”
Theo quan sát của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng tính từ tháng Sáu đến nay, từ những tuyên bố chống tham nhũng của đảng cộng sản, cho đến những hành động nêu lên các vụ tham nhũng trên báo chí diễn ra khá nhanh. Ông Dũng cũng nhắc tới một một văn bản của Ban bí thư trung ương đảng cộng sản được đưa ra hồi đầu tháng sáu về công tác chống tham nhũng, ông thấy văn bản đó được báo chí chính thống của Việt Nam đưa tin ngay, chứ không bị giữ bí mật như thường lệ. Ông Dũng cảm thấy một không khí giống năm 1986, khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lúc đó đưa ra chiến dịch những việc cần làm ngay.
Cựu tù nhân chính trị, nhà báo Trương Duy Nhất nhận xét về những diễn tiến vừa qua:
“Thật tình ai cũng mong điều đó. Tôi thấy những động thái của ông Trọng vừa rồi sau đại hội đảng 12 thì ít người đặt kỳ vọng vào đó. Nhưng mà tôi không tin lắm. Bởi vì thực sự nói ra những vụ án này những vụ án nọ, thì cũng chỉ là những con ruồi thôi, chứ còn nói chống thì tôi thấy cuối cùng họ cũng chỉ thí vài con chốt, chứ còn thực sự tôi chẳng thấy ra môn ra khoai gì cả.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người hoạt động dân sự tại Hà nội cho rằng thực chất của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay vẫn là cuộc tranh giành giữa các phe phái với nhau, sau khi thắng lợi chính trị đã thuộc về nhóm của ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng sau đại hội đảng lần thứ 12 vừa qua:
“Ở đây thật sự chỉ là sự đấu đá của các bè phái. Sau khi đã ngã ngũ, khi ông Nguyễn Phú Trọng đã toàn thắng, thì ông ấy hung hăng trị vây cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng, thế thôi, đơn giản như vậy. Người ta phải nói rằng đây là một cuộc chống tham nhũng, và cái kiểu nói như thế cũng có thể làm an lòng rất nhiều người ở trong nước đang bức xúc vì vấn đề tham nhũng.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng chia sẻ cách đánh giá đó, và ông thêm rằng cuộc tranh giành hiện nay còn khốc liệt hơn trước. Ông giải thích nguyên nhân như sau:
“Có thể nói đây không chỉ là một cuộc chiến được coi là chống tham nhũng, mà còn là cuộc tranh giành thị phần giữa những nhóm lợi ích mới và những nhóm lợi ích cũ. Bởi vì một điều đơn giản là các nhóm lợi ích cũ đã nắm rất nhiều thị phần, rất nhiều ngành, lợi nhuận rất màu mỡ liên quan đến các ngành truyền thông, ngân hàng, khai quặng, khai khoáng… trong bối cảnh khó khăn về kinh tế như thế này, các nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như là cạn kiệt, thì có thể nói đây là cuộc tranh giành lợi ích rất màu mỡ của các nhóm lợi ích mới.”
Chống tham nhũng trong chế độ toàn trị
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì trong một chế độ độc tài, người ta không thể chống tham nhũng được.
Ý kiến này được nhiều người chia sẻ vì trong một chế độ độc quyền cai trị của một đảng, mọi quyền lực đều tập trung vào một mối nên rất dễ tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển. Trong cơ cấu quyền lực của Việt Nam hiện nay, có rất nhiều người vừa là đại biểu Quốc hội, cho ra đời những bộ luật, lại vừa là người giữ trọng trách bên chính phủ chịu trách nhiệm thi hành những bộ luật ấy.
Cũng đã có nhiều ý kiến ngay trong giới chức nhà nước Việt Nam rằng không nên để cho nhiều người làm việc kiêm nhiệm như vậy.
Trong một phiên họp Quốc Hội vào ngày 22 tháng bảy vừa qua, ông Nguyễn Khắc Định, hiện giữ chức Phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ, được bầu làm lãnh đạo Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Trả lời chúng tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rằng theo đúng luật hiện nay thì ông Định sẽ không còn giữ chức phó Chủ hiệm văn phòng chính phủ nữa.
Ở đây thật sự chỉ là sự đấu đá của các bè phái. Sau khi đã ngã ngũ, khi ông Nguyễn Phú Trọng đã toàn thắng, thì ông ấy hung hăng trị vây cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì việc đó là một điều bình thường, nhưng cho dù có tách rời các chức vụ ra thì mọi hoạt động, bố trí nhân sự vẫn là một mối, tức là đảng cộng sản Việt Nam.
Trở lại chuyện chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay, một nhà quan sát, quen thuộc với các nguồn tin nội bộ Việt Nam cho rằng, với hình ảnh được cho là trong sạch của mình ông Trọng có thể đẩy mạnh việc chống tham nhũng, nhưng e rằng sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chuyện đó rất có khả năng xảy ra:
“Ở đây thực chất là chuyện trị nhau. Các phe phái cũng có thế lực của nó, các miếng của nó, thành ra có thể gậy ông lại đập lưng ông, cái đó rất là có khả năng. Cho nên cái nguồn tin nói rằng lợi bất cập hại, đối với những người đang làm như ông Trọng cũng rất là có thể.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng đồng ý và đưa ra dẫn chứng lịch sử từ nội bộ đảng cộng sản:
“Một năm trước, một trong những nhà tư tưởng, trợ lý tư tưởng của ông Nguyễn Phú Trọng, là ông Vũ Ngọc Hoàng, có đặt vấn đề cơ chế kiểm soát quyền lực, nhưng mà ông Hoàng cũng tỏ ra nghi ngại rằng khi đẩy mạnh chuyện chống tham nhũng, thì có thể rơi vào chuyện không kiểm soát được, tức là đảng không kiểm soát được những việc mình làm. Một khi mà đã đẩy sâu vào việc tranh giành lợi ích, thì không ai có thể biết là cuộc chiến chống tham nhũng trong nội bộ sẽ kéo dài sâu sắc như thế nào, tương tàn ra sau, và làm sao có thể kiểm soát được tất cả những hậu quả của nó.”
Cả nhà báo Phạm Chí Dũng và Tiến sĩ Nguyễn Quang A đều cho rằng hình ảnh trong sạch của ông Trọng không phải là điều chắc chắn. Và ông Phạm Chí Dũng thêm rằng nếu như cuộc tranh giành quyền lực là chỉ để củng cố thế lực của nhóm này so với phần còn lại thì may ra có thể kiểm soát được, nhưng sự tham muốn lợi ích của các nhóm lợi ích lại là vô hạn trong cái giới hạn quyền lực mà họ có thể có được.
No comments:
Post a Comment