Anh Nguyên (từ Nghệ An)
NGHỆ AN (NV) – Chiều 14 tháng 8, 2016, hơn một nghìn giáo dân xứ Vĩnh Hòa, thuộc xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, biểu tình từ ngôi làng Vĩnh Hòa lên đến trụ sở UBND xã Hợp Thành, đoạn đường chừng 1km, đòi ông chủ tịch xã minh bạch các khoản thu theo đúng quy định của pháp luật và phải xin lỗi bà con giáo dân về tội vu khống, xúc phạm đến người Công Giáo.
Trước đó, vào năm 2015, người dân làng Vĩnh Hòa cũng từng đòi chủ tịch xã Hợp Thành xin lỗi dân và trả lại tiền lạm thu từ 2008 đến 2014.
Ông Nguyễn Mão, chủ tịch UBND xã Hợp Thành, không nhận lỗi, đồng thời gửi đơn ra bộ Thông Tin-Truyền Thông nói nhà báo viết sai sự thật và dân làng Vĩnh Hòa là làng Công Giáo phản động, bị Việt Tân xúi giục và kích động nên chống đối chính quyền ra mặt.
Vấn nạn lạm thu của nông dân không chỉ xảy ra ở một làng, một xã, hay một huyện mà nó xảy ra từ rất lâu nay ở khắp các hang cùng ngõ hẻm của người dân Việt Nam, gây bao tổn thất nặng nề đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trên ti vi, báo đài, người ta nhắc đến vấn nạn lạm thu như một khối ung bướu cần phải cắt bỏ. Nhưng nói thế thôi, xong xuôi, đâu lại vào đấy. Chỉ tội cho “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.”
Ai dám lên tiếng cho sự thật thì ngay lập tức, bị khoanh vùng đối tượng, bị đưa vào “danh sách đen,” bị mời làm việc, bị đánh bầm giập. Vì thế, người dân quen sống trong im lặng. Im lặng vì quá sợ hãi trước bất công và bạo lực. Và cứ như thế, từng giây, từng phút, từng giờ, cái xấu, cái ác tiếp tục gia tăng. Trật tự đúng-sai bị đảo lộn tùng phèo.
Trở lại chuyện biểu tình của giáo dân giáo xứ Vĩnh Hòa trong lần biểu tình vừa qua. Có hàng trăm công an mặc thường phục trà trộn vào đoàn người biểu tình để theo dõi.
Mặc cho xung quanh, dư luận dè bỉu với những câu hỏi, biểu tình để làm gì, biểu tình thì được gì, người dân làng Vĩnh Hòa vẫn tuần hành rất trật tự trên đường.
Ðiều mà người dân quan tâm ở đây là chuyện đúng-sai phải được phân định rõ ràng.
Trước áp lực của dân làng Vĩnh Hòa, ông chủ tịch xã phải làm việc với dân về những nội dung nêu trên. Không chứng minh được ai là Việt Tân, nhưng hễ mỗi lần có chuyện, ông chủ tịch xã lại báo cáo với cấp trên, là tại Việt Tân xui dân biểu tình, xui dân tìm hiểu pháp luật.
Pháp luật thì kệ pháp luật. Hễ khi nào bí quá, thì cán bộ xài luật rừng, và giải thích luật cho dân theo kiểu “dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà.” Dân có hỏi bao nhiêu nội dung, cũng chỉ cần trả lời lộn vòng như trên là “hạ cánh an toàn.” Thậm chí, khi có tội, bị kỷ luật, lại cũng chính là cơ hội để cán bộ thăng chức.
Cuối cùng, “trăm dâu đổ đầu tằm.”
Nông dân làm ruộng thì phải cõng đủ các loại quỹ “tự nguyện.” Mà các loại “quỹ tha ma bắt” đó mới thật khủng khiếp. Có nhà lên đến dăm bảy triệu chứ chẳng chơi. Mỗi xã, mỗi huyện, mỗi tỉnh lại có một kiểu thu khác nhau. Nói là tự nguyện, nhưng không tự nguyện thì bị ghi nợ, bị nhắc tên trên loa xã, bị “chấn” tiền ngay giữa ban ngày ban mặt khi đi làm khai sinh cho con, nhập học cho con…
Còn khi có con đi học, thì cha mẹ học sinh phải oằn lưng “tự nguyện” đóng tiền xã hội hóa giáo dục, ba trăm, năm trăm, bảy trăm nghìn mỗi em. Rồi tiền học tăng tiết một năm học, tính ra cũng xấp xỉ cả triệu bạc một em mà chất lượng giáo dục thì ngày càng khốn nạn.
Khổ nhất là khi người dân đến bệnh viện, tình trạng xét nghiệm tràn lan, chiếu chụp tràn lan, bệnh nhân phải nạp những khoản tiền vô tội vạ,… Và điều đó không những không được khắc phục mà còn ngày một gia tăng.
Tóm lại, là khi có một trẻ em chào đời, bất kể lành lặn hay tật nguyền, đều phải cõng trên lưng món nợ công truyền kiếp khổng lồ hàng chục triệu đồng và món nợ đó đang không ngừng gia tăng từng ngày.
Ðể có tiền trả nợ, người ta chỉ cần tiến hành một giải phải đơn giản, là rút ruột dân để sống. Và cách để đưa đất nước này đi lên xã hội chủ nghĩa, là người dân phải đóng thuế và phí nhiều hơn, phải “tự nguyện” đóng góp nhiều hơn mỗi ngày. Ðó là kiểu để xây dựng đất nước theo cách “nhà nước và nhân dân cùng làm”
Nếu có xảy ra vấn nạn lam thu, hay bất cứ vấn nạn nào khác đang diễn ra ở Việt Nam, thì cứ áp dụng câu này của Lê Duẫn, là mọi việc dù khó đến mấy cũng giải quyết ổn thỏa: “Chúng ta là nhà nước XHCN, chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê và tự phê bình là đủ.”
No comments:
Post a Comment