Wednesday, June 22, 2016

Mỹ: Các nước tranh chấp Biển Đông nên 'bình tĩnh'

WASHINGTON (NV) - Một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Mỹ dấu tên khuyến cáo các nước liên quan tranh chấp Biển Đông nên bình tĩnh để đàm phán ngoại giao tiếp theo phán quyết của tòa quốc tế.

Hai hàng không mẫu hạm Mỹ USS Stennis và USS Reagan cùng các chiến hạm hộ tống tập trận trên Biển Đông ngày 18 tháng 6, 2016. (Hình: Getty Images)

Trong một cuộc điện đàm viễn liên cùng một lúc với nhiều ký giả báo chí Á Châu, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Mỹ dấu tên nói phán quyết sắp được tòa án trọng tài quốc tế tại The Hague đưa ra trong một vài tuần lễ tới đây có thể “làm rõ phần lớn” về cuộc tranh chấp chủ quyền. Bà cho rằng các nước nên dàn xếp với nhau để tránh xung đột.

Theo ý kiến của bà, phán quyết mở đường cho các đàm phán ngoại giao.

“Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia nên kềm chế và dùng giai đoạn hậu phán quyết như một cơ hội để tái khởi động các cuộc đàm phán ngoại giao.” Nữ viên chức ngoại giao cao cấp Mỹ dấu tên nói.

Nhìn thấy tình thế bất lợi, mới đây, Bắc Kinh lập lại lời đe dọa là sẽ không tôn trọng phán quyết cũng như không công nhận tính pháp lý của tòa trên. Một số nhà phân tích còn cho rằng Bắc Kinh còn có thể có những hành động khiêu khích cứng rắn hơn trên Biển Đông khi bị áp lực từ bên ngoài, nhất là từ phía Hoa Kỳ thúc giục tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong một bài bình luận đả kích chính sách của Mỹ đối với Á Châu, tờ báo Nhân Dân hôm Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016 đả kích Mỹ là muốn biến Biển Đông thành “thùng thuốc súng” đồng thời cảnh cáo đừng coi thường quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (đã ăn cướp được) của Bắc Kinh.

Tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc nêu sự kiện hai hàng không mẫu hạm Mỹ USS Stennis và USS Reagan cùng đoàn chiến hạm hộ tống đã tập trận tại vùng biển Philippines cuối tuần qua là 'bằng chứng của chủ trương bá quyền của Washington.

Không những vậy, báo này cho rằng Mỹ đã lầm khi muốn đe dọa Trung Quốc.

Theo báo tuyên truyền chính thức của đảng Cộng Sản Trung quốc, khi Mỹ phô bày sức mạnh quân sự nhằm cho Trung quốc nhìn thấy, Mỹ đã “chọn sai đối tượng.” Những bài bình luận quan trọng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh thường do một cán bộ đảng viên cấp cao viết theo lệnh của Trung Nam Hải.

Nhiều hơn một lần, Bắc Kinh đã tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế The Hague cho dù kết luận ra sao. Gần đây, trong cuộc họp với các nước ASEAN, Bắc Kinh cũng đã đe dọa lần nữa rằng Trung Quốc tính tới việc rút ra khỏi Công Ước về luật biển (UNCLOS) mà họ đã ký tên tham dự từ năm 1996.

Biết là yếu thế pháp lý nhưng lại quá trên cơ về sức mạnh quân sự, Bắc Kinh lập đi lập lại lời kêu gọi đàm phán song phương với các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông hầu dễ lợi dụng ưu thế nước lớn để chèn ép. Hoa Kỳ hậu thuẫn cho các nước ASEAN như một khối tập thể đàm phán với Bắc Kinh.

Năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông nằm trong phạm vi 9 vạch nối lại giống như hình “lưỡi bò” hay khoảng hơn 80%. Nhiều chỗ lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác trong khu vực, nhất là Việt Nam và Philippines.

Trung Quốc đã cướp của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa năm 1988 rồi lu loa rằng “chủ quyền” của họ đã có từ cổ xưa.

Tuy Hoa Kỳ tuyên bố không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp biên giới lãnh thổ và lãnh hải nhưng luôn luôn nhấn mạnh bảo vệ quyền lợi quốc gia những nơi có lợi ích của Mỹ. (TN)

22-06-2016 4:51:06 PM 

No comments:

Post a Comment