QUẢNG BÌNH (NV) - Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam cho lập “Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia” để phân tích nguyên nhân hải sản chết bất thường tại miền Trung thì truyền thông loan tin một dải nước màu đỏ dài 1.5km xuất hiện ở tỉnh Quảng Bình.
Dòng nước biển đỏ au xuất hiện tại vùng biển xã Nhân Trạch. (Ảnh: Dân Việt)
Theo tin nhiều báo tại Việt Nam, sáng ngày 4 tháng 5, 2016, người dân tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, thấy xuất hiện một cách bất thường “vệt nước màu đỏ gạch dài khoảng 1.5 km chạy qua bờ biển 5 thôn, rộng 10 mét sát mép nước.”
Báo VnExpress thuật tin theo lời ông Phan Thanh Hiền, chủ tịch xã Nhân Trạch, cho biết vệt nước xuất hiện khoảng 8 giờ sáng. Tuy đến gần tối vẫn còn nhưng đã nhạt màu hơn. Theo lời ông này
Ông Hiền cho hay, cùng với vệt nước màu đỏ bất thường, tại bờ biển xuất hiện một số cá biển mới chết dạt vào.
“Chúng tôi đang kiểm tra để xem cá biển có tiếp tục chết dạt vào buổi chiều hay không,” ông Hiền nói trên VnExpress.
Theo nguồn tin vừa kể, nhận tin báo, Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường (Sở Tài Nguyên và Môi Trường Quảng Bình) đã cử người lấy nhiều mẫu nước để gửi Tổng Cục Môi Trường xét nghiệm. Sở Tài Nguyên Quảng Bình cũng khuyến cáo người dân không tắm biển hoặc sử dụng nước biển cho các hoạt động khác cho đến khi xác định được nguyên nhân và có thông báo kết quả chính thức.
Đồng thời, “Chuyên gia trong và ngoài nước của Tổng Cục Môi Trường từ Hà Tĩnh đã tới khu vực xuất hiện vệt nước khác thường trên để kiểm tra. Ảnh chụp dải nước bất thường ở Quảng Bình đã được gửi vào Viện Hải Dương Học Nha Trang. Ngay trong ngày, Viện Hải Dương Học đã cử cán bộ trực tiếp tới Quảng Bình thu mẫu để tìm nguyên nhân.”
VnExpress kể tiếp rằng: “Xem những hình ảnh từ Quảng Bình gửi vào, GS.TS Nguyễn Ngọc Lâm (Viện Hải Dương Học Nha Trang có 20 năm nghiên cứu về tảo độc) nhận định: “Dù chưa nhận được mẫu nước nhưng đây có thể là hiện tượng tảo nở hoa, hay còn gọi là thủy triều đỏ. Loại tảo gì thì phải chờ kết quả phân tích mẫu nước biển.”
Tấm hình này chụp ngày 20 tháng 4, 2016 khi một chú bé ngồi nhìn con cá chết dạt vào bãi biển huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Trong khi đó, cá chết trắng suốt 4 tỉnh miền Trung dài hàng trăm cây số đã một tháng qua dân địa phương và nhiều tỉnh thị biểu tình lên án nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh thải chất độc hại ra biển, đến nay nhà cầm quyền Hà Nội mới cho thành lập “Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia” để “phân tích nguyên nhân hải sản chết bất thường tại miền Trung.”
Thuật theo tin từ Bộ Khoa Học và Công Nghệ, VnExpress nói “gần 100 chuyên gia từ hơn 30 Viện Nghiên Cứu, trường đại học trong nước ở nhiều lĩnh vực như: Nuôi trồng thủy sản, địa chất, hóa, công nghệ vũ trụ... vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.”
Họ sẽ “lấy hàng trăm mẫu cá chết trên biển và trong lồng, mẫu nước, trầm tích, sinh vật phù du từ ngày 7 tháng 4 để phân tích độc tố, dịch bệnh thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số môi trường. Họ cũng lấy số liệu về động đất để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt, ảnh hưởng của hiện tượng này; số liệu về viễn thám để tìm hiểu dòng chảy, dầu loang.”
Nguồn tin nói rằng các mẫu được phân tích tại phòng thí nghiệm “với hệ thống máy móc hiện đại của Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ đã loại trừ nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra.”
“Giới chuyên gia đang tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá nguyên nhân sinh học và hóa học,” thông báo của Bộ Khoa Học nói. Một số chuyên viên ngoại quốc từ Mỹ, Đức, Israel cũng đến tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở miền Trung Việt Nam.
Mặt khác, theo báo Người Lao Động, “Mặc dù không phải là địa phương bị cá chết trôi vào bờ, nhưng liên tiếp mấy ngày qua, hàng trăm ngư dân Quảng Ngãi rơi vào cảnh khóc ròng, vì cá đánh bắt về không có người thu mua hoặc thu mua giá rất thấp. Đã có những chủ tàu quyết định dừng đánh bắt để chờ kết luận chính thức vụ cá chết dọc biển miền Trung đang gây tâm lý sợ nhiễm độc khi ăn cá biển của người dân.”
Còn giới tiểu thương ở tỉnh Quảng Trị, tỉnh bị cá chết dạt vào bờ biển, cho hay dù cá họ bán được cấp “giấy chứng nhận an toàn” nhưng vẫn rất khó bán vì tâm lý sợ hãi cá nhiễm độc ăn có thể nguy đến tính mạng.
“Ngư dân họ chán nản không muốn bán cá, họ nói tiểu thương ép giá. Nhưng chúng tôi cũng có bán được cá đâu, nói khản cả cổ cá ngoài khơi không ảnh hưởng chất độc mà người dân không ai mua cá hết,” tiểu thương Lê Thị Thuộc ở cảng cá Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) nói trên tờ VnEXpress.
Theo chuyên viên người Pháp Jean Hetzel được đài RFI phỏng vấn, hệ lụy thảm họa các chết vì môi trường biển nhiễm độc tại Việt Nam có thể kéo dài đến 50 năm.
Cho đến nay, nhà cầm quyền CSVN và “các nhà khoa học học” tại Việt Nam với hàng ngàn ông bà tiến sĩ vẫn còn nợ người dân câu trả lời lương thiện là tại sao cá và các loại hải sản khác lại chết hàng triệu con như vậy. Xuống biển tắm khi thủy lưu vừa đẩy đi xa vừa làm loãng dần nước ở khu vực xả chất thải độc hại, ăn cá đánh bắt từ rất xa tức những nơi không bị ảnh hưởng, để tuyên truyền bị dư luận coi là các cách trấn an không thuyết phục. (TN)
05-04-2016 3:30:31 PM
No comments:
Post a Comment