Wednesday, May 4, 2016

Bao giờ hết nắng hạn?

Theo Thanh Niên-08:56 AM - 04/05/2016 

Khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long  /// Ảnh: Công Hân
Khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long Ảnh: Công Hân

Đó là câu hỏi của rất nhiều người dân khu vực Nam bộ những ngày này khi nắng nóng, khô hạn đã kéo dài nhiều tháng trời.

Nhưng theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, mùa mưa năm nay tới muộn từ 15 - 20 ngày so với trung bình nhiều năm. Tới cuối tháng 5, đầu tháng 6 Nam bộ mới vào mùa mưa. Từ nay đến thời điểm mùa mưa bắt đầu, người dân vẫn phải chịu nắng nóng gay gắt 37 - 390C.

Nắng gay gắt trên diện rộng
Chiều 3.5, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư phát đi thông báo cho biết: từ ngày 5.5, nắng nóng ở Nam bộ và Tây nguyên có dấu hiệu giảm dần. Các khu vực khác như trung Trung bộ nắng nóng chấm dứt vào hôm nay (4.5). Ở Bắc bộ và bắc Trung bộ có mưa rào và giông diện rộng, một số nơi có mưa vừa, mưa to và giông mạnh. Trong cơn giông có khả năng cao xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
Bao giờ hết nắng hạn? - ảnh 2
Người dân TP.HCM đang chịu đựng đợt nắng nóng kéo dài Ảnh: Khả Hòa

Dù vậy theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tháng 5 nắng nóng vẫn diễn ra trên diện rộng ở Nam bộ. Trong đó các tỉnh miền Đông và TP.HCM có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ở khoảng 37- 390C, có nơi trên 390C. Miền Tây nhiệt độ cao nhất khoảng 35 - 370C, biên giới phía tây có nơi trên 370C. 
Bao giờ hết nắng hạn? - ảnh 3
Lượng mưa trong tháng 6 vẫn hụt so với trung bình nhiều năm vì mới bắt đầu vào mùa mưa thì giữa tháng lại xảy ra đợt hạn bà chằng đầu tiên. Sang tháng 7 tình hình mưa sẽ xuất hiện thường xuyên và ổn định với lượng mưa tăng mạnh.
Đến tháng 8 sẽ có đợt hạn bà chằn đợt 2
Bao giờ hết nắng hạn? - ảnh 4
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan

Theo chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, năm nào cũng có một giai đoạn nắng nóng dữ dội vào thời kỳ chuyển mùa. Sau giai đoạn này mới vào mùa mưa. Năm nay từ tháng 3 đã xuất hiện nắng nóng, có ngày tại TP.HCM nắng nóng đến 37 - 380C nhưng không oi bức như hiện nay nên không gây ra cảm giác khó chịu, ít ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của mọi người. Tuy nhiên sang tháng 4 không khí bắt đầu oi, tạo cảm giác ngột ngạt. Thời gian nắng nóng kéo dài từ 8 giờ sáng đến 18 - 19 giờ tối, có hôm đến 20 giờ vẫn nóng. Ngay cả ban đêm nhiệt độ vẫn ở mức cao, chỉ khi gần sáng mới giảm xuống còn 28 - 290C nên gây ra cảm giác nóng hầm hập suốt cả ngày. "Nhiệt độ trên mức 320C là bắt đầu ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sức khỏe của con người", bà Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, nền nhiệt trung bình năm nay so với trung bình nhiều năm tăng từ 1 - 1,50C. Sự bất thường của thời tiết năm nay là nền nhiệt độ trung bình cao hơn và nắng nóng rất gay gắt. Trước đây nắng nóng gay gắt chủ yếu chỉ xuất hiện ở miền Đông thì nay lan sang cả các tỉnh miền Tây. Cụ thể như tại Mộc Hóa (Long An) nhiệt độ lên tới 37,50C, Sóc Trăng cũng trên 370C. Nghĩa là diện xảy ra nắng nóng rộng hơn trước và thời gian cũng kéo dài hơn.
Mùa mưa bắt đầu từ Phú Quốc
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định: Tháng 5 khô hạn vẫn duy trì ở khu vực Nam bộ, bởi đến cuối tháng mới có mưa chuyển mùa. Hiện nay tình trạng thiếu nước vẫn tiếp tục diễn ra tại một số tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan dự báo: cuối tuần này, từ thứ sáu đến chủ nhật, Nam bộ có gió tây nam xuất hiện nên vào các ngày cuối tuần có thể xuất hiện mưa rào và giông ở TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước ở miền Đông. Các tỉnh ven biển tây nam như: Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp là những nơi nhiều khả năng sẽ xuất hiện mưa rào và giông.
Tuy nhiên mùa mưa chỉ bắt đầu khi gió mùa tây nam hoạt động ổn định. Nơi đón mùa mưa đầu tiên là đảo Phú Quốc, Thổ Chu của tỉnh Kiên Giang rồi đến đất liền của tỉnh Kiên Giang và sau đó là tỉnh Cà Mau, khu vực Đông Nam bộ là tỉnh Bình Phước và phía bắc của tỉnh Đồng Nai. Những nơi này xuất hiện mưa sớm nhất vào 5 ngày cuối tháng 5. Những nơi khác còn lại sẽ xuất hiện vào 29 - 30.5 và 5 ngày đầu của tháng 6. Riêng một số nơi như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang và Châu Đốc (An Giang) sẽ xuất hiện mưa muộn hơn, kéo dài đến sau 10 ngày đầu tháng 6.
“Lượng mưa trong tháng 6 vẫn hụt so với trung bình nhiều năm vì mới bắt đầu vào mùa mưa thì giữa tháng lại xảy ra đợt hạn bà chằng đầu tiên. Sang tháng 7 mưa sẽ xuất hiện thường xuyên và ổn định với lượng mưa tăng mạnh. Đến tháng 8 sẽ có hạn bà chằng đợt 2. Đến tháng 9 và tháng 11 - 12 có khả năng bị ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên mưa nhiều kèm theo các cơn bão, các đợt rét mạnh. TP.HCM sẽ có những đợt mưa to gây ngập úng trong thời gian từ tháng 9 - 11, kết hợp với mưa là triều cường”, bà Lan cảnh báo.
Mưa vàng ở nhiều tỉnh, thành
Chiều 3.5, thêm một cơn mưa đổ xuống TP.Cần Thơ, bắt đầu từ 14 giờ 15, kéo dài khoảng 30 phút với lượng mưa khá lớn. Đây là cơn mưa thứ 2 trong vòng 3 ngày vừa qua. Tuy thời gian mưa không nhiều nhưng đã giúp Cần Thơ và một số tỉnh ở ĐBSCL hạ nhiệt đáng kể, đồng thời có ý nghĩa rất lớn bởi tình trạng hạn mặn gay gắt, dai dẳng đã gây nhiều thiệt hại cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt.
Bao giờ hết nắng hạn? - ảnh 7
Cần Thơ đã có mưa Ảnh: Đình Tuyển

Tại Cà Mau, những ngày qua có mưa cục bộ ở các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và TP.Cà Mau nhưng tình hình nắng nóng vẫn đang tiếp diễn.
Tại Lâm Đồng, những ngày vừa qua tất cả các huyện đều có mưa. Nhiều địa bàn sản xuất rau, hoa, cà phê... người dân không còn phải thức đêm để lấy nước tưới từ các ao hồ và giếng.
Còn ở bắc Tây nguyên, một số địa phương vùng đông và đông nam Gia Lai liên tục trong những ngày qua đã có mưa trên diện rộng. Những cơn “mưa vàng” này đã giải cơn khô khát khốc liệt từ nhiều tháng nay. Hàng chục ngàn héc ta cây trồng, đặc biệt là các loại cà phê, hồ tiêu, lúa đã được cứu.
Tại tỉnh Kon Tum, từ đầu tháng 4 đến nay một số địa bàn trong tỉnh cũng đã có mưa, giúp cho hàng chục ngàn héc ta cây trồng thoát khỏi cơn khô hạn. Hiện nhiều sông suối, giếng ở khu vực này đã có nước.
Thanh Niên

Chí Nhân

No comments:

Post a Comment