Tuesday, April 19, 2016

Quy trình nó như thế!

Theo VNTB -18-04-2016

Phương Thảo (VNTB) “Đảng Cộng sản vẫn lãnh đạo theo lựa chọn của nhân dân, của lịch sử,” thế cho nên việc ông Tuấn bị loại đối với nhiều người hâm mộ ông và những người vẫn còn chút hi vọng hão huyền vào cuộc bầu cử quốc hội lần này là một cái tát làm cho họ phải chợt thức tỉnh khỏi cơn mê dân chủ của đảng Cộng sản ở Việt nam. Các ứng viên tự do bị loại không có gì là lạ, các ứng viên tự do bỗng dưng lại trúng cử mới là điều lạ.


Đúng quy trình

Từ khi các ứng viên tự do nộp đơn tự ứng cử, họ đã gặp phải không ít các phiền toái từ phía chính quyền. Sau đó lần lượt tại các vòng hiệp thương 1 và 2 các ứng viên lại bị loại vì không đạt được đủ số phiếu tín nhiệm. Những người nổi tiếng về tư tưởng có hơi hướng dân chủ, bất đồng với chính quyền là những người phải hứng chịu cuộc đấu tố hay những lời cáo buộc lố bịch nhất.

Các lý do mà các ứng viên bị loại là không gần gũi quần chúng, không chịu công tác ở địa phương tuy học vị rất cao nhưng chưa có thành tích gì cho đất nước, không có tinh thần xây dựng phong trào dân cư ( tiến sỹ Nguyễn Quang A); không tham gia sinh hoạt bất kỳ các tổ chức chính trị xã hội nào của xã ( ông Nguyễn Tường Thụy); hay do các tổ chức nước ngoài chống lưng ( ông Nguyễn Xuân Diện); vi phạm pháp luật, tụ tập đông người gây mất trật tự ( bà Đặng Bích Phương); hay thành tích chống phá và xuyên tạc chống đảng và nhà nước ( bà Nguyễn Thúy Hạnh).

Người nhận được 100% phiếu bầu qua hai vòng hiệp thương là ông Trần Đăng Tuấn, một người có lý lịch trong sáng và có vẻ “ngoan ngoãn ” không vướng vào bất cứ các hoạt động dân chủ, dân oan hay thuộc giới bất đồng chính kiến đồng thời nổi tiếng với chương trình “Cơm có thịt” cho trẻ vùng cao. Nhiều người hồ hởi, kỳ vọng ông Tuấn sẽ được lọt qua lỗ kim vòng hiệp thương 3 của Mặt trận Tổ quốc nhưng cuối cùng thì ông cũng bị loại.

Ông Tuấn hay bất kỳ một ứng viên tự do nào bị loại là kết quả có thể nhận biết được một cách dễ dàng bởi một chế độ độc đảng cầm quyền sẽ không thể nào để cho các ứng viên ngoài đảng lọt vào quốc hội. Chiêu bài mà họ đưa ra để biện minh cho việc loại bỏ các ứng viên độc lập là do phụ thuộc vào cơ cấu nên phải “so bó đũa chọn cột cờ”. Vậy thì việc loại bỏ 95% các ứng độc lập so với 38 ứng viên do cơ quan, tổ chức giới thiệu là một việc làm hoàn toàn theo “đúng quy trình”.

Chẳng có gì lạ

Có không ít người cho rằng việc loại bỏ các ứng viên độc lập đã làm lộ rõ bộ mặt xảo trá của nhà cầm quyền Việt nam hơn bao giờ hết, ngoài ra những ứng viên này cũng đã góp phần tác động mạnh mẽ ý thức dân chủ cho người trong nước. 

Bộ mặt xảo trá không phải chỉ đến giờ mới lộ rõ dù đã được che đậy kỹ bằng tấm màn bảo vệ an ninh quốc gia. Nếu không xảo trá, là dân chủ thật sự thì đã không có điều luật 88, 258, đã không có vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo, không có đàn áp những người bất đồng chính kiến hay việc giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm từ bao năm nay cũng như hàng loạt các cáo buộc khác đã được liệt kê trong báo cáo nhân quyền hàng năm của chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền trên thế giới. 

Người dân Việt nam phần lớn vẫn thờ ơ với chính trị và không màng tới dân chủ. Lỗi không phải tại họ, bởi họ đã bị tẩy não, được giáo dục rằng mọi việc đã có nhà nước lo; dân chủ là phản động, là bất an, là mất Đảng và mất nước. Vì thế toàn dân đi bầu cũng chỉ cho vui và tiêu cho hết 3600 tỷ, đi bầu cho đủ chỉ tiêu 100% cử tri tham gia bầu cử. Nếu có đi bầu cử thì cứ ai có tên dưới cùng là gạch. Gạch cho có vì có gạch hay không, các đại biểu quốc hội cũng đã được “cơ cấu”, bốn mươi năm đã như vậy thì bây giờ cũng không có gì khác biệt.


“Đảng Cộng sản vẫn lãnh đạo theo lựa chọn của nhân dân, của lịch sử, ” thế cho nên việc ông Tuấn bị loại đối với nhiều người hâm mộ ông và những người vẫn còn chút hi vọng hão huyền vào cuộc bầu cử quốc hội lần này là một cái tát làm cho họ phải chợt thức tỉnh khỏi cơn mê dân chủ của đảng Cộng sản ở Việt nam. Các ứng viên tự do bị loại không có gì là lạ, các ứng viên tự do bỗng dưng lại trúng cử mới là điều lạ.

No comments:

Post a Comment