Sunday, March 13, 2016

Khi phát ngôn gây....sửng sốt


(PL+) - Tuần qua, câu chuyện hiệu trưởng một trường đại học (ĐH) có những ứng xử ngạo mạn, thách thức báo chí đã thực sự gây sốc dư luận.

Nhiều người có học vị cao nhưng lại thiếu văn hóa ứng xử. Minh họa: Ngọc Diệp
Nhiều người có học vị cao nhưng lại thiếu văn hóa ứng xử. Minh họa: Ngọc Diệp
Không những lôi đích danh một vị lãnh đạo cấp cao ra gọi là ... “thằng” để lên giọng với phóng viên, ông tiến sĩ - hiệu trưởng còn tuôn ra một tràng thoá mạ và đe dọa báo chí: “Các ông muốn tồn tại thì các ông hãy tránh xa ra... Ông muốn vào thì tôi cũng thẳng tay chơi với các ông luôn. Bố mấy thằng ranh con, biến đi, nhá!”.
Hiệu trưởng phát ngôn kiểu... “xã hội đen”
Đó là câu trả lời của TS Đinh Ngọc Hiện, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây, có trụ sở ở Hà Nội, khi trả lời qua điện thoại với phóng viên một tờ báo. Và không chỉ với một báo.
Những câu hội thoại cho thấy, ông hiệu trưởng này không chỉ ngạo nghễ, coi thường báo chí, nhưng không khiến báo chí lo ngại, mà dễ buộc công luận phải đặt những câu hỏi, tại sao ông phải trút “cơn mưa” thóa mạ vô lý tới vậy?
“Ông Hiện: Tôi nói với các ông nhá, ông nghe đây này. Rất nhiều báo đến đây, tôi cảnh báo các ông là các ông đừng chọc ngoáy, hiểu chưa?
Chúng tôi làm là có pháp luật, không có thanh tra nó đi đến, xây dựng nó đi đến nó chém đầu chúng tôi, việc gì các ông phải chọc ngoáy, nhá? Mà tôi là thương binh đây này.
Tôi nói cho ông biết, nhá, đã mấy báo đến đây định chọc rồi, trước Tết, sau Tết, đừng kiểu nói đểu nhá, rõ chưa?
Ông có tin tôi bảo thằng… (ông Hiện gọi tên một vị lãnh đạo cấp cao) nó chỉ xuống Tổng Biên tập nhà ông đấy, rồi sẽ báo lên với tôi. Thôi…”.
Thực ra câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu Ban Giám hiệu Trường này trao đổi thẳng thắn với phóng viên những cơ sở pháp lý việc có nhiều máy trộn bê tông trong khuôn viên của trường mình.
Từ đơn thư gửi đến báo thì việc phóng viên phải tìm hiểu thông tin thêm ở trường nhằm đảm bảo thông tin hai chiều là rất cần thiết, nếu như không muốn nói, đó thường là yêu cầu bắt buộc về nghiệp vụ báo chí. Việc đó chỉ làm thông tin được minh bạch và khách quan hơn khi đến với bạn đọc.
Thế nhưng, khi phóng viên hỏi “Vâng, bà con thì cũng thắc mắc về cái trạm trộn nằm trong…” chưa kịp dứt câu hỏi, ông Hiện xối xả luôn: “Tôi nói với các ông nhá, ông nghe đây này.
Rất nhiều báo đến đây, tôi cảnh báo các ông là các ông đừng chọc ngoáy, hiểu chưa?” (bài “Hiệu trưởng ĐH Thành Tây, Tiến sĩ Đinh Ngọc Hiện: “Tôi bảo thằng… chỉ xuống Tổng Biên tập báo ông đấy” - Báo điện tử Người Đưa Tin ngày 8/3).
Vậy đâu là lý do khiến TS Hiện lại phải “cảnh báo” với tính chất hăm dọa như vậy, dù phóng viên đề nghị lịch sự, nhẹ nhàng?
Thậm chí, với phóng viên Báo Lao Động Thủ Đô ông Hiện còn hăm dọa: “Không có lằng nhằng đâu, cần tôi sẽ đưa cảnh sát vào đấy...” (bài “Hiệu trưởng Đại học Thành Tây: Tôi sẵn sàng đánh sập tờ báo của anh!” trên Lao Động Thủ Đô ngày 6/3).
Phải chăng, vì Báo này đã “toạc móng heo” việc trong khuôn viên Trường ĐH Thành Tây: “Bỗng mọc lên một nhà máy trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân xung quanh và việc học tập, giảng dạy của trường. Đặc biệt, mới đây một nhà máy trộn bê tông khác tiếp tục được xây dựng và sắp đi vào hoạt động với dấu hiệu kinh doanh”.
Thật khó tin khi đây là ngôn từ văng ra từ miệng ông tiến sĩ - một người không những có học vị cao, đang công tác trong ngành giáo dục mà còn giữ trọng trách đứng đầu một cơ sở đào tạo ĐH có hàng ngàn sinh viên.
Còn đó những sự... vô văn hóa
Trước câu chuyện thật tới khó tin này, nhiều người cho rằng việc giáo viên thiếu văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử là một trong những căn nguyên làm cho nền đạo đức xã hội đi xuống, tình trạng xuống dốc về đạo đức và vi phạm pháp luật tăng cao, bắt nguồn từ việc đào tạo trong nhà trường.
Đó là chưa kể tới vị tiến sĩ - hiệu trưởng này có thể bị truy tố hình sự về việc thóa mạ và cản trở báo chí, người thi hành công vụ.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, với tư cách là hiệu trưởng của một trường, bất kể là trường nào từ phổ thông đến ĐH thì vị trí của người đứng đầu đều rất quan trọng. Bởi vì, sản phẩm của giáo dục không chỉ là tri thức mà còn là nhân cách mỗi con người.
Theo TS Tùng Lâm, công việc của người hiệu trưởng không những phải bồi dưỡng nhân cách cho người học mà cho cả những người thầy để họ dạy dỗ học sinh.
Trong giáo dục, công cụ để rèn luyện nhân cách không chỉ bằng tri thức mà còn bằng chính nhân cách của những người thầy.
Người lãnh đạo trong nhà trường phải gương mẫu cả ba mặt: Đạo đức, phẩm hạnh và đặc biệt phải tôn trọng con người.
Còn PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Viện Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng cách hành xử của TS Đinh Ngọc Hiện là lệch chuẩn và vô văn hóa.
Bởi theo ông, văn hóa trong giao tiếp là rất quan trọng bởi vì nó thể hiện văn minh của một đất nước hoặc tư cách con người. Với người thầy thì điều này càng quan trọng và phải được đặt lên hàng đầu.
Có thể, vị hiệu trưởng này phát ngôn trong lúc ông đang nóng giận. Tuy nhiên, không thể vì lý do này để biện minh cho lối hành xử thật sự... vô văn hóa tới vậy...
Đành rằng, đây không phải là việc chưa có tiền lệ, mà trước đó, dư luận bất bình về những vụ việc công chức, viên chức có thái độ, hành vi ứng xử không đúng mực, cãi lộn, hành hung và thậm chí đánh nhau gây thương tích ở nơi đông người, trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân.
Đó là vụ phát tán video clip về một giáo viên Trường Xiếc Việt Nam thiếu kiềm chế, ném chiếc cốc thủy tinh vào vai thầy hiệu trưởng trong một cuộc họp của trường, gây thương tích để rồi phải ra tòa phân xử, sự vụ chưa kịp lắng xuống thì rộ lên vụ hai phó giám đốc ở tỉnh Bình Phước giáng ly bia vào mặt nhau trong một cuộc liên hoan tiếp khách, buộc lãnh đạo tỉnh phải ra quyết định đình chỉ công việc.
Chưa dừng lại ở đó, một hạt trưởng quản lý đường bộ ở Cần Thơ bị một giám đốc công ty cầu đường ở Bạc Liêu đánh bằng ly bia trong quán nhậu và phải nằm viện.
Ðó là chưa kể đến những ì xèo quanh chuyện một phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng có mặt trong vụ tranh cãi, đánh người gây thương tích ở khách sạn lúc nửa đêm; và vừa qua là việc Giám đốc Bệnh viện huyện Lương Tài ở Bắc Ninh uống rượu say, cản trở, đồng thời có thái độ, lời nói xúc phạm phóng viên đến tác nghiệp...
Nếu những vụ việc và hành vi phần nào mang tính côn đồ nêu trên xuất phát từ các thành phần bất hảo trong xã hội thì có thể hiểu được, nhưng thật trớ trêu, nó lại xuất phát từ các công chức, viên chức, những người được hiểu là có học thức, có hiểu biết về pháp luật.
Không chỉ thế, khi các vụ việc đã xảy ra với những bằng chứng hiển nhiên như vậy, song những người “gây chuyện” vẫn thản nhiên chối bỏ, đưa ra các lý do giải thích “bi hài” càng... không thể tin nổi.
4:10 - 13/03/2016 
Nguyễn Mỹ
  

No comments:

Post a Comment