Sunday, March 13, 2016

Giấc mơ “đổi đời” mang tên học ngoại ngữ

Hạ Vũ, thông tín viên RFA 2016-03-13 
000_Hkg10208335.jpg
Poster quảng cáo cho một trung tâm giảng dạy tiếng Anh địa phương tại một trường đại học ở trung tâm Hà Nội ngày 10 tháng 9 năm 2015.  AFP PHOTO
39% bố mẹ Việt đầu tư tiền bạc cho việc học ngoại ngữ của con. Con số này đứng thứ hai khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Hàn Quốc (46%). Đó là kết quả từ cuộc khảo sát của một hãng thẻ quốc tế về “Những ưu tiên trong chi tiêu cho giáo dục của người tiêu dùng” vừa được công bố tại Singapore vào cuối tháng 6 năm 2014. Cuộc khảo sát có sự tham gia của 7.932 người trong độ tuổi 18-64 tại 16 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ sẵn sàng đầu tư cho con học các bộ môn khác như năng khiếu, thể thao...
Các bà mẹ Việt Nam đang thực sự trông chờ điều gì khi quyết định đầu tư cho con học tiếng Anh? Và họ đã phải hy sinh bao nhiêu cho giấc mơ đó?
Đương nhiên là bà mẹ nào bây giờ cũng muốn cho con học tiếng anh rồi bởi vì tiếng anh bây giờ là tiếng nói của toàn cầu. Biết được tiếng anh bây giờ sẽ có rất là nhiều cơ hội để học tập, nghiên cứu... cho trẻ nó được hội nhập với thế giới.
- Chị Tâm, một bà mẹ đơn thân
Tiếng Anh luôn là một công cụ cần thiết, góp phần không nhỏ tạo nên thành công của các Doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu như ngày nay, việc sử dụng thành thạo tiếng Anh đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên trong nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, thành thạo tiếng anh còn là điều kiện cần đầu tiên để chắp cánh cho những “giấc mơ” du học và “đổi đời” bằng cách ở lại làm việc tại các quốc gia phát triển.
Ở tầng lớp thấp hơn, các bác nông dân biết tiếng Anh, thạo việc nhà có thể kiếm được bộn tiền từ việc làm giúp việc cho các chuyên gia nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Hơn nữa, họ còn được đối xử tử tế hơn khi làm công trong những gia đình này.
Để tăng thêm thu nhập, nhiều người giúp việc dù đã ngoại ngũ tuần vẫn cố “vác” sách đi học tiếng Anh, sinh viên cặm cụi rủ nhau ra bờ hồ nói chuyện với Tây, tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí để đổi lấy cơ hội thực hành giao tiếp và tội nghiệp nhất là những em nhỏ, mỗi ngày, bất kể mưa nắng, sau hơn 9 tiếng “mài đũng quần” ở trường công lập, các em lại tiếp tục cùng bố mẹ đội mưa, đội nắng tới các trung tâm tiếng anh để thực hiện giấc mơ của cha mẹ.
Chị Tâm, một bà mẹ đơn thân đang cố gắng hết sức để có đủ tiền gửi con theo học ở Trung tâm anh ngữ gần nhà tâm sự:
“Đương nhiên là bà mẹ nào bây giờ cũng muốn cho con học tiếng anh rồi bởi vì tiếng anh bây giờ là tiếng nói của toàn cầu. Biết được tiếng anh bây giờ sẽ có rất là nhiều cơ hội để học tập, nghiên cứu... cho trẻ nó được hội nhập với thế giới. Đấy là điều em mong muốn.”
Tiếng Anh đã được phổ cập hầu như 90% các nước trên thế giới. Ngôn ngữ quốc tế này, đã giúp cho nhu cầu giao thương, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị... của mỗi cá nhân đều trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt trong “thế giới phẳng” ngày nay.
Ở Việt Nam, ngoài việc hầu khắp các trường công lập đã phổ cập tiếng anh từ lớp 1 tới lớp 12 và trong một thời gian dài, tiếng anh đã là môn thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học bắt buộc cũng như môn thi tốt nghiệp bắt buộc ở hầu khắp các trường đại học. Các trường Anh ngữ thi nhau đua nở với đủ loại sách, phương pháp đào tạo, hoạt động ngoại khóa... cho học viên. Thế nhưng, khả năng sử dụng ngôn ngữ này của người Việt vẫn xếp ở cuối bảng xếp hạng các nước nói tiếng Anh tốt trong khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Thị Doan được các báo dẫn lời cho biết:
000_HKG2005071658618.jpg
Một học sinh đang đọc phiên bản tiếng Anh của cuốn sách "Harry Potter and the Half-Blood Prince"
“Học ngoại ngữ đòi hỏi tính ứng dụng rất cao. Nếu học xong lại không giao tiếp được, không chủ động được trong hoạt động đối ngoại thì là thất bại trong đào tạo. Hiện nay ở một số trường tồn tại tình trạng sinh viên học ngoại ngữ nhưng không giao tiếp được với người nước ngoài, và ngay cả thầy dạy cũng không tự tin giao tiếp. Thật đau lòng. Như vậy, có thể nói ở nơi đó, nhà trường đã thất bại trong việc dạy ngoại ngữ cho học sinh. Hiện có những nơi chỉ chú ý dạy ngữ pháp cho học sinh mà không luyện các kỹ năng cần thiết."
Theo bà, ngôn ngữ là cầu nối con người với con người, đồng thời cũng là cầu nối các quốc gia, dân tộc với nhau. Vì thế, để phát triển thì ngoại ngữ phải đi trước một bước và đi đúng hướng, nó được ví như chìa khoá hội nhập.
Có thể nói, bà Doan, đại diện cho tầng lớp lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước Cộng sản, đã nhận định rõ những yếu kém trong việc giảng dạy bộ môn được nhà nước đặc biệt “ưu tiên” phổ cập ở mọi cấp học này. Tuy nhiên, cũng giống như mọi vấn đề khác của đất nước mà các lãnh đạo đã lên tiếng “cảnh báo”, nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng ví dụ như nạn tham nhũng, tệ mua quan bán chức, bạo lực học đường hay vô vàn các vấn đề khác của xã hội Việt Nam hiện đại, bất chấp việc được nhà nước hết sức ưu tiên, việc “phổ cập” vẫn không khiến trình độ sử dụng tiếng Anh này của người Việt tốt hơn, đặc biệt là ở các học sinh giỏi trong trường công lập.
Nguyên nhân vì sao?
Làm quen với một ngôn ngữ mới tức là tìm hiểu một nền văn hóa mới. Từ đó, người học sẽ có thêm vốn hiểu biết về những quốc gia, dân tộc khác, hiểu hơn những nét đặc trưng của từng vùng đất, con người, văn hóa, chính trị ở các đất nước đó. Để có thể thành thạo một ngoại ngữ, người học cần có đam mê tìm tòi, khám phá, hiểu biết về các vấn đề của đất nước sử dụng ngôn ngữ đó, bằng ngôn ngữ của họ.
Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, để có thể sử dụng tốt ngôn ngữ này, người học cần hiểu về các giá trị toàn cầu được mọi người dân trên thế giới chia sẻ thông qua các trang tin toàn cầu được đánh giá, xếp hạng như BBC, CNN... vốn bị cấm ở Việt Nam và tiếp xúc với sách báo cũng như trực tiếp người sử dụng tiếng Anh ở các nước. Thật khó để tin rằng Việt Nam đang bị đóng chặt cửa với thế giới. Công dân không được tự tiện tiếp xúc chuyện trò với người nước ngoài. Người dân Việt Nam không có quyền tự do thông tin và các phương tiện, các loại hình dạy ngoại ngữ hết sức hiếm hoi, việc chọn học thứ tiếng nào chủ yếu là theo nhu cầu chính trị... bởi xã hội Việt Nam, nhìn bề ngoài đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về mọi mặt. Tuy nhiên, thông qua việc giảng dạy sinh ngữ bằng phương pháp “nghiên cứu khoa học” (nghĩa là bắt đầu bằng việc phân tích câu, từ, ngữ pháp thay vì thực hành nghe – nói rồi mới đến đọc – viết) và việc lựa chọn những giáo viên ngoại ngữ “không đủ tự tin giao tiếp với người nước ngoài”; cộng với khả năng “tiêu diệt” mọi nghi ngờ, phản biện cũng như nhu cầu tìm tòi, khám phá sự thật phía sau mọi thứ xung quanh của mỗi học sinh, chính là cách tốt nhất để chính quyền có thể ngăn chặn mỗi người dân đến với việc tự do học thuật, tự do tìm hiểu mọi thông tin về lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội của mọi nước trên thế giới, trực tiếp bằng tiếng Anh.
Linh, một học sinh giỏi ngoại ngữ nhiều năm liền, tốt nghiệp loại ưu đại học ngoại ngữ đành thực hiện giấc mơ trở thành giáo viên ngoại ngữ bằng cách đi dạy gia sư vì không có đủ tiền để chi cho việc “mua” một chân giáo viên chia sẻ:
Thật ra rất đơn giản, em muốn làm giáo viên dạy tiếng Anh bởi vì em rất thích việc dạy học và rất thích trẻ con. Em cảm thấy đấy là một công việc rất có ý nghĩa, nhất là khi mà em đã giúp một em bé hay là một bạn học sinh đang từ tình trạng mất gốc và hoàn toàn bơ vơ không biết phải tiếp tục học tiếng Anh thế nào thì em đã vực bạn ấy dậy, làm cho bạn thích việc học tiếng Anh và đưa bạn ấy trở thành những bạn mà trong top 10 hay top 5 trong lớp thì bản thân bạn ấy rất quý cô giáo và khi mà em phát hiện ra là các bạn ấy thành công thì em cũng rất vui và hãnh diện.”
Nhu cầu sử dụng gia sư kèm tiếng Anh cũng như các bộ môn khác, từ lâu đã là một nhu cầu vô cùng lớn của phụ huynh Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn bởi mỗi phụ huynh đều hoang mang về kết quả học tập cũng như khả năng của con.
Linh chia sẻ về việc học sinh Việt Nam, mặc dù đã được học tiếng anh 12 năm phổ thông nhưng lại không sử dụng được:
Học ngoại ngữ đòi hỏi tính ứng dụng rất cao. Nếu học xong lại không giao tiếp được, không chủ động được trong hoạt động đối ngoại thì là thất bại trong đào tạo.
- Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Thị Doan
“Đó là do phương pháp thôi. Bình thường, em cũng thế, em học từ lớp 1 cho đến lớp 12 – cũng may mắn là em sử dụng được tiếng Anh chứ không đến nỗi không thể nói, không thể nghe được giống như các bạn ở trường. Đấy là do phương pháp học. Người Việt thì hay học tiếng Anh theo cái kiểu viết nhiều, chỉ có viết thôi chứ không có một tý nào mà sử dụng tới tài liệu thực để cho trẻ học tiếng Anh như là nghe, tập nói, tập phát âm như thế nào, ngữ âm ra làm sao, trọng âm như thế nào. Cho nên là hầu như rất là khó tìm được một bạn nào có thể nghe và nói chuẩn được. Cho nên đó chính là những kỹ năng mà mình cần rèn cho các bé từ khi còn nhỏ.”
Cũng giống như “đánh chuột phải giữ bình”, dạy ngoại ngữ phải làm sao cho học sinh không thể sử dụng được ngoại ngữ chính là “nhiệm vụ bất khả thi” đã được các thế hệ giáo viên chuyển từ dạy tiếng Pháp sang dạy tiếng Nga và lại dạy tiếng Anh, thực hiện thành công trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhiệm vụ đó có vẻ ngày một khó khăn, trong thời buổi công nghệ thông tin phổ cập tới từng nhà và trước những bạn trẻ như Linh, đã dành cả sự tò mò của bản thân (và rất nhiều tiền bạc của bố mẹ) cho tiếng Anh cũng như say mê truyền lại niềm đam mê đó cho trẻ nhỏ, bất chấp bản thân mình không được chấp nhận trở thành một cô giáo trong hệ thống trường công lập. Và hàng triệu bà mẹ Việt, cho dù là bà mẹ đơn thân không dư dả, giàu có cũng sẵn sàng hy sinh những khoản chi khác cho con học tiếng Anh. Bởi họ sẵn sàng hy sinh cho giấc mơ hội nhập và đã hoàn toàn không tin tưởng hệ thống giáo dục công, có thể, cho dù họ không hiểu rõ nguyên nhân. Chỉ tiếc cho bao nhiêu công lao đánh Pháp, đuổi Mỹ của các anh hùng liệt sỹ, để ngày nay con cháu họ phải đánh đổi quá nhiều cho việc đến gần hơn với những nền văn minh tiên tiến đó, bằng hai chữ “hội nhập”.

No comments:

Post a Comment