Sunday, February 28, 2016

Đưa du khách vào chỗ chết?

Theo NLĐO-27/02/2016 23:33

Ba du khách người Anh thiệt mạng tại thác “Tử thần” ở Đà Lạt có thể bị đưa đi du lịch mạo hiểm “chui”, không ký hợp đồng và không được mua bảo hiểm rủi ro

Sáng 27-2, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lâm Đồng triệu tập cuộc họp khẩn với các công ty đang kinh doanh dịch vụ du lịch tại Đà Lạt nhằm chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động du lịch của địa phương này, đặc biệt là loại hình du lịch mạo hiểm, sau khi 3 du khách người Anh tử nạn tại thác “Tử thần”.
Lộ nhiều bất cập
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây, loại hình du lịch mạo hiểm tại Lâm Đồng phát triển rất nhanh. Hiện có 8 doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động du lịch mạo hiểm (tổ chức các tour đi bộ xuyên rừng, leo dây vượt thác, đạp xe leo núi…). Tuy nhiên, sự cạnh tranh không lành mạnh đã khiến nhiều DN nhận giá tour rất thấp dẫn đến chất lượng dịch vụ không được bảo đảm.
Tại cuộc họp, ông Võ Đức Trung, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Mạo hiểm Việt tại Đà Lạt, chỉ trích gay gắt kiểu làm ăn thiếu tính chuyên nghiệp, cẩu thả của không ít DN. Vị giám đốc này dẫn chứng có những tour du lịch mạo hiểm số người tham gia lên tới 20 nhưng chỉ có 2 hướng dẫn viên nên không thể hướng dẫn, cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho du khách. “Tai nạn này tôi đã từng cảnh báo tại một số cuộc họp giữa các DN với cơ quan quản lý nhà nước cách đây mấy năm rồi” - ông Trung nói.

Hiện trường nơi vớt được thi thể 3 du khách rơi xuống
Hiện trường nơi vớt được thi thể 3 du khách rơi xuống

Một thực trạng đáng chú ý được nêu ra tại cuộc họp là hiện nay, chưa có một cơ quan độc lập nào đứng ra kiểm tra, thẩm định cơ sở vật chất, công cụ bảo hộ đối với hành khách khi tham gia tour mạo hiểm. Việc giám sát những hoạt động tour của các đơn vị này cũng rất lỏng lẻo.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Lâm Đồng (đơn vị chủ quản Khu Du lịch Datanla Đà Lạt), vị trí nhóm du khách người Anh gặp nạn khá nguy hiểm. Trước đây có nhiều đơn vị du lịch lữ hành đưa “chui” du khách vào đây. Sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng bàn giao quản lý, từ tháng 6-2015, đơn vị đã thông báo chấn chỉnh nhưng thi thoảng vẫn có đơn vị lén lút đưa khách vào.
Cần làm rõ trách nhiệm
Đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết nhóm du khách gặp nạn không có hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Đam Mê Đà Lạt (gọi tắt: Công ty Đam Mê Đà Lạt) mà chỉ mua vé từ công ty này. Tour ban đầu có 4 người, gồm 2 nam và 2 nữ, nhưng sau đó một người bị bệnh không đi. Ba người tham gia và tử nạn là anh Snoal Chirstian, chị Anderson Beth Gisele và chị Squireisobel Mackensie.
Bà Nguyễn Thị Nguyên xác nhận Công ty Đam Mê Đà Lạt được cơ quan chức năng cấp giấy phép đủ điều kiện tổ chức loại hình du lịch thể thao mạo hiểm vào năm 2015. Sáng 26-2, 3 du khách trên đến văn phòng của công ty này (số 33 Trương Công Định, TP Đà Lạt) đặt mua tour du lịch thể thao mạo hiểm đi bộ băng rừng tại Khu Du lịch Datanla Đà Lạt. Sau đó, công ty phân công hướng dẫn viên quốc tế Đặng Văn Sỹ phụ trách dẫn đoàn. Trong quá trình tổ chức tour, công ty có trang bị áo phao và mũ bảo hiểm cho du khách. Ông Phan Tất Trí, Phó trưởng Công an TP Đà Lạt, cũng khẳng định nhóm du khách này không “đi chui”. Theo ông Trí, nguyên nhân tai nạn là do sự chủ quan của các cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó trách nhiệm không chỉ riêng hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ, Công ty TNHH Đam Mê Đà Lạt mà còn có cả trách nhiệm của Khu Du lịch Datanla Đà Lạt. Về việc này, cơ quan công an đang khẩn trương làm rõ.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hồng Nhạn, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Lâm Đồng, lại cho rằng đây là tour đi bộ băng rừng nhưng hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ sau khi đưa khách đi tham quan tại Khu Du lịch Datanla đã đưa khách “đi chui” xuống khu vực thác “Tử thần”.
Liên quan đến tai nạn nghiêm trọng này, đại tá Phùng Tất Thành, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết sáng 27-2, thi thể của các nạn nhân đã được đưa về Viện Pháp y quốc gia tại TP HCM để bảo quản và tiến hành các thủ tục tiếp theo. Riêng ông Phạm Hữu Hoài Nguyên, Giám đốc Công ty Đam Mê Đà Lạt và hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ đã được gia đình bảo lãnh tại ngoại.
Chiều cùng ngày, Đại sứ Anh, ông Giles Lever, đã dẫn đầu đoàn Đại sứ quán Anh tại Việt Nam xuống hiện trường nơi 3 du khách người Anh tử nạn. Trước đó, ông Giles Lever cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng.

Hồi chuông báo động
Theo phiếu biên nhận (receipt) ngày 26-2 của Công ty Đam Mê Đà Lạt thì 9 giờ sáng, có 2 du khách được nhà tour đến đón từ Cozy Nook Hostel - nơi lưu trú dành cho khách “ba lô” - để tham gia tour có tên “multy color trekking”. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, giới làm du lịch ở Đà Lạt và cả nước rúng động trước tin 3 du khách người Anh tử nạn ở thác “Tử thần” Datanla, trong đó có 2 du khách nói trên.
Những du khách “ba lô” nói trên thích ở “bụi”, tham gia những tour du lịch khám phá với mức giá tiết kiệm hết mức và cái giá họ phải trả chính là mối rủi ro cao cho tính mạng. Đáng lo là những dịch vụ du lịch mạo hiểm dạng này lại đang phát triển ở Việt Nam trong khi việc quản lý bỏ ngỏ. Trên thực tế, việc công ty du lịch kinh doanh tour “mạo hiểm” gần như không được kiểm soát. Ngay cả cơ quan chức năng cũng thiếu chuyên gia đạt chuẩn quốc tế về du lịch mạo hiểm để kiểm tra, cấp phép và giám sát sau cấp phép.
Vì lẽ trên, các DN khai thác dạng tour này tự lo lấy. Đa phần hướng dẫn viên cho tour du lịch mạo hiểm chủ yếu chỉ cần có sức khỏe, biết tiếng Anh và rành rõi về địa hình. Phần kỹ năng chuyên môn thì thường nghề dạy nghề, cùng lắm cũng chỉ tham gia những khóa học nghề của các đàn anh, đồng nghiệp đi trước. Tính mạng du khách bị đánh đổi một cách vô cùng rẻ rúng trong tay những nhà tour như thế.
Sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam với khách nước ngoài một phần nằm ở địa hình hiểm trở, thiên nhiên hoang sơ. Chính vì thế mà rất cần sự bảo đảm dịch vụ khai thác du lịch chuyên nghiệp trong các loại hình du lịch mang tính đặc thù cao, như du lịch khám phá tự nhiên và các loại hình tour thể thao mạo hiểm kết hợp khám phá thiên nhiên. Có tài nguyên, có kinh nghiệm về địa hình, kinh nghiệm nghề dạy nghề thôi chưa đủ mà cần phải có sự chuẩn hóa quốc tế trong dịch vụ để bảo đảm an toàn cho du khách.
Đà Lạt hay bất kỳ địa phương nào không nên mạo hiểm đánh đổi hình ảnh của mình, của ngành du lịch đất nước khi để những hình thức khai thác du lịch dạng này tha hồ mọc lên, nhất là đừng quá mạo hiểm đến mức đánh đổi mạng sống con người qua việc đẩy mạnh những tour giá rẻ nhưng đồng thời cũng coi rẻ tính mạng khách hàng.
Câu chuyện 3 du khách người Anh tham gia tour “multy color trekking” tử nạn ở thác Datanla là một rủi ro ngoài mong muốn của nhà làm tour. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tai nạn xảy ra với khách đi tour mạo hiểm ở khu vực này. Ngày 25-3-2010, 8 sinh viên của Trường CĐ nghề Đà Lạt đến đây dã ngoại, trong đó 2 người thiệt mạng do trượt chân rơi xuống thác sâu.
Cần coi đây là hồi chuông báo động về sự khai thác và quản lý một loại hình du lịch khó nhưng được thực hiện còn quá cảm tính và dễ dãi.
Nguyễn Tường

Thu hồi ngay giấy phép của Công ty Đam Mê Đà Lạt
Chiều 27-2, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết ngay sau khi tai nạn xảy ra, tổng cục đã có thư chia buồn gửi tới gia đình các nạn nhân, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa thi thể các nạn nhân về nước.
Theo ông Chung, Công ty Đam Mê Đà Lạt không mua bảo hiểm cho khách du lịch mà dẫn khách đi “chui”. Do đó, tổng cục chỉ đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng thu hồi ngay giấy phép kinh doanh và tạm dừng mọi hoạt động của công ty này trong thời gian sớm nhất.
Y.An

Bài và ảnh: Thạch Thảo

No comments:

Post a Comment