Monday, February 22, 2016

Trung Quốc tảng lờ phản đối của Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Bắc Kinh tảng lờ các lời phản đối chính thức của Hà Nội dù là công hàm gửi tới Bắc Kinh hay tại Liên Hiệp Quốc mà cả hai đều là thành viên.

Các vị trí của hai giàn hỏa tiễn phòng không HQ-9 mà Trung Quốc mới mang tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. (Hình: ISI)

Ngày Thứ Sáu, 19 Tháng Hai, vừa qua, Hà Nội đã gửi công hàm đến đại sứ quán Trung Quốc và tổ chức Liên Hiệp Quốc phản đối việc Bắc Kinh đem hỏa tiễn phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm và xây dựng bãi đáp trực thăng trên đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

“Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó,” trang mạng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam dẫn lại lời phát ngôn viên Lê Hải Bình của bộ này, và được nhiều báo mạng lập lại.

Cũng như những lần phản đối trước đây của Hà Nội liên quan đến các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông hoặc các trò cướp phá hoặc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, Bắc Kinh luôn luôn tảng lờ hoặc chỉ trả lời chung chung qua các kênh truyền thông của họ.

Ngày 16 Tháng Giêng, giàn khoan Hải Dương 981 của công ty khai thác dầu khí trên biển của Trung Quốc (CNOOC) được đưa đến vị trí cách đường trung tuyến giả định (giữa hai đường cơ sở Việt Nam-Trung Quốc) khoảng 21 hải lý về hướng Đông.

Ngày 18 Tháng Giêng, đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vị trí nêu trên. Hà Nội lập luận rằng đây là khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc, là khu vực chưa được hai bên phân định.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này. Đồng thời, Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan,” báo chí tại Việt Nam thuật lời ông Lê Hải Bình nói như thế và người ta không hề thấy phản ứng nào của Bắc Kinh ngoài sự tảng lờ.

Trên các trang mạng của Trung Quốc từ chính thức như Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo đến bán chính thức như Hoàn Cầu Thời Báo, người ta thấy các cơ quan tuyên truyền này của Bắc Kinh chỉ phản ứng dư luận quốc tế. Các bài bình luận của họ cũng chỉ nhắm đả kích Mỹ, đe dọa Mỹ mà không thèm để ý gì tới phản ứng Hà Nội.

Ngày 17 Tháng Hai, đài truyền hình Fox của Mỹ loan tin các không ảnh mới nhất do tổ chức dữ liệu vệ tinh Imagesat International (ISI) cung cấp cho thấy Bắc Kinh mới đem bố trí hai giàn hỏa tiễn tối tân HQ-9 trên phần bãi biển mới bồi đắp thêm trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Chúng đe dọa sự an toàn của tất cả các phi cơ dân sự cũng như quân sự trong phạm vi 200km quanh đảo này.

Sau đó, còn có tin Trung Quốc bồi đắp, cơi nới một số đảo của quần đảo Hoàng Sa gồm cả Phú Lâm, Quang Hòa, đảo Bắc. Các căn cứ trực thăng còn được nhìn thấy đã xây dựng hoặc đang hoàn thành ở những đảo này.

“Người Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo,” ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, nói trong cuộc họp báo tại Washington, DC, hôm Thứ Sáu. “Chúng tôi thấy không có dấu hiệu gì cho thấy (Bắc Kinh) dừng các nỗ lực quân sự hóa...”

Ông Kirby ám chỉ tới lời tuyên bố của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc họp với Tổng Thống Obama ở Tòa Bạch Ốc hồi Tháng Chín năm ngoái là Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa khu vực họ chiếm cứ (bất hợp pháp) trên Biển Đông.

Phản ứng lại sự lên án của Washington, Bắc Kinh lại chỉ phân bua rằng họ đã mang võ khí tới đảo Phú Lâm từ lâu nên việc họ có mang hỏa tiễn phòng không HQ-9 cũng chẳng có gì là lạ, và nhất là đó lại là một phần lãnh thổ của họ (dù đi cướp).

Không những vậy, Bắc Kinh còn đổ vấy lên rằng việc Mỹ cho tàu chiến và máy bay đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo ở Trường Sa và đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa bên cạnh việc tập trận chung với một số nước khu vực “mới chính là quân sự hóa” và “gây mất ổn định.”

Cùng ngày Thứ Sáu, 19 Tháng Hai, tờ Nhân Dân Nhật Báo (cơ quan thông tin tuyên truyền chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc) có bài bình luận hô hào “sẵn sàng đâm vào tàu chiến Mỹ” khi các tàu này đến gần các đảo của quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí, họ còn đe dọa là lực lượng của họ ở Hoàng Sa sẵn sàng nổ súng.


Không thấy Bắc Kinh có lời nào đối đáp với Hà Nội trên mặt truyền thông. (TN)

02-21-2016 4:21:45 PM 

No comments:

Post a Comment