Monday, February 22, 2016

Năm năm tới, Việt Nam chỉ có thể vay được nửa tiền ODA

HÀ NỘI (NV) - Trong năm năm, từ 2016 đến 2020, Việt Nam cần vay khoảng $40 tỷ từ ODA nhưng có thể chỉ nhận được khoảng $25 tỷ.


Dự án giao thông đô thị Hà Nội đứng đầu danh sách đen 2015 của WB. (Hình: TBKTSG)

Đó là nội dung chính trong “Đề án định hướng thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thời kỳ 2016-2020” mà Việt Nam vừa phê duyệt.

Theo đề án vừa kể thì từ nay đến 2020, Việt Nam cần khoảng $40 tỷ để đầu tư cho giao thông vận tải, phát triển đô thị, nông nghiệp, phát triển nông thôn, môi trường, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ nhưng dựa trên mức độ thực hiện các chương trình và dự án đã ký, tổng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến sẽ được giải ngân thì Việt Nam chỉ có thể nhận được khoảng $25 tỷ, tương đương 55% vốn huy động từ bên ngoài để đầu tư cho phát triển.

Đề án nêu trên xác định, do Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình, chính sách về ODA và cho vay ưu đãi của các giới tài trợ ngoại quốc đối với Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi mạnh mẽ, sẽ chuyển đổi từ viện trợ phát triển sang đối tác nên Việt Nam phải “dựa vào sức mình là chính.”

Theo tính toán của Bộ Tài Chính Việt Nam, trong năm năm vừa qua, từ 2011 đến 2015, tổng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi mà Việt Nam đã ký kết vào khoảng $27.7 tỷ.

Tuy nhiên, năm 2014, khi công bố “Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014,” chủ tịch Quốc Hội cho biết, vốn mà các quốc gia khác đồng ý cho vay không thiếu nhưng việc soạn thảo các dự án quá chậm, quá kém, tính khả thi không cao nên phía cho vay không đưa tiền.

Giai đoạn từ 2006-2010, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã đồng ý cho Việt Nam vay $31.7 tỷ, nhưng cuối cùng chỉ giải ngân được $13.8 tỷ. Còn giai đoạn từ 2011-2013, vốn ODA theo cam kết cho vay là $20.8 tỷ, nhưng chỉ giải ngân được $11.7 tỷ.

Đầu năm ngoái, Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố danh sách đen (black list) liệt kê các dự án ODA tại Việt Nam đã vay tiền của WB để thực hiện nhưng không đạt yêu cầu của WB. Trong danh sách vừa kể có tám dự án đã được đưa vào danh sách đen nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn tất, tỉ lệ giải ngân thấp.

Dẫn đầu là dự án giao thông đô thị thành phố Hà Nội, nằm trong danh sách đen đã 60 tháng, thời gian thực hiện dự án đã bảy năm nhưng tỉ lệ giải ngân chỉ mới 30%. Kế đó là các dự án hiện đại hóa quản lý thuế, phát triển năng lượng tái tạo, hệ thống hiện đại hóa khu vực tài chính và quản lý thông tin, Đại Học Việt Đức, hỗ trợ quản lý rác thải, quản lý rác thải công nghiệp, và hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án.

Lúc đó, ông Keiko Sato, người phụ trách bộ phận quản lý danh mục đầu tư và thực hiện dự án của WB, cho biết, các dự án ODA trong danh sách đen của WB có nhiều nhược điểm giống nhau, chẳng hạn khởi động khi báo cáo khả thi chưa xong, việc thu hồi đất chưa sẵn sàng, thiếu sự đồng bộ về thiết kế và dự kiến kết quả, vốn đối ứng (vốn do Việt Nam bỏ ra) thiếu hoặc chậm trễ, thiếu rõ ràng về thẩm quyền nên việc ra các quyết định cần thiết khi dự án có vấn đề trở thành chậm chạp.

Theo ông Sato, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Phi, Việt Nam là khách hàng lớn thứ tư của WB. Tính đến năm 2015, WB cho vay để thực hiện 52 dự án ODA tại Việt Nam, với tổng vốn cam kết cho vay khoảng $9.7 tỷ. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân chỉ chừng 18.6%.

Ngoài tám dự án trong danh sách đen, trong 52 dự án ODA tại Việt Nam được WB tài trợ có tới 15.3% thuộc loại rủi ro cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm yếu nhất khiến tham nhũng tại Việt Nam trở thành nghiêm trọng và nan giải là lề lối quản lý những dự án sử dụng vốn ODA.

Trong ba thập niên qua, Việt Nam nhận được các cam kết tài trợ trị giá khoảng $80 tỷ. Phần lớn nguồn tiền khổng lồ này được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như phi trường, cảng biển, đường xá... nhưng những biểu hiện gian lận, tham nhũng tại các dự án đó khiến giới tài trợ e ngại. (G.Đ.)

02-21-2016 3:57:48 PM 

No comments:

Post a Comment