Thursday, February 4, 2016

Trung Quốc đang bị bao vây ở Biển Đông?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-02-03  
000_7K4TI-620
 Chiến hạm USS Curtis Wilbur trên biển Đông hôm 15/1/2016 AFP photo
Hoa Kỳ đem tàu chiến vào khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm trước đây của Việt Nam, trong khi đó Nhật Hoàng viếng thăm chính thức Philippines tạo nên một tình trạng mới trên vấn đề Biển Đông mà giới quan sát cho rằng, các nước đang nỗ lực bao vây Trung Quốc nhằm khống chế các hành động quyết đoán của nước này.
Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Hồng Hiệp, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore để biết thêm ý kiến một chuyên gia trong vấn đề này.
Mặc Lâm: Thưa TS vào hôm 30 tháng 1 năm nay Mỹ đã đưa tàu USS Curtis Wilbur vào sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam trong một hoạt động mà Lầu Năm Góc nói để thể hiện quyền tự do hàng hải. Ông đanh giá việc này như thế nào? Phải chăng Mỹ đã có quyết tâm can thiệp sâu vào Biển Đông chứ không phải làm cho có lệ như nhiểu người nhận định?
TS Lê Hồng Hiệp: Mỹ tiến hành các chiến dịch để đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông đợt trước họ đã tiến hành một chuyến tuần tra tương tự ở khu vực Trường Sa thì bây giờ họ tiến hành ở khu vực Hoàng Sa mục đích của họ tôi nghĩ rằng họ sẽ tiến hành các hoạt động này là không phân biệt và sẽ áp dụng ở trên toàn bộ khu vực Biển Đông. Đợt trước thì gần đảo Subi còn đợt này ở Hoàng Sa còn sắp tới có thể là các nơi có cấu tạo đạo hay các bãi đá do quốc gia khác kiềm soát.
Chúng ta cũng biết rằng tuyên bố chính thức của Mỹ là như vậy tuy nhiên tôi nghĩ cái ẩn ý phía sau có thể nó phức tạp, tinh vi hơn. Nó thể hiện việc kềm chế tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông nó cũng là một phần trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc càng ngày càng gia tăng. Đấy là nhận định sơ bộ của tôi
Mặc Lâm: Một diễn tiến đáng chú ý khác là Mỹ đã lên tiếng chỉ trích cựu Tổng thống Đài Loan là ông Mã Anh Cửu khi ông này ra thăm đảo Ba Bình là nơi mà các tranh chấp vẫn đang diển ra. Theo TS thì vai trò của Đài Loan và Trung Quốc có sự liên kết nào khiến Mỹ phải cảnh báo như vậy thưa ông?
TS Lê Hồng Hiệp: Lâu nay trong vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc và Đài Loan họ dường như có một sự đồng thuận hay một sự phối hợp nhất định nào đấy vì căn bản hai bên đều có yêu sách gần như giống nhau. Các đảo và quần đảo cũng như các biển ở đây cho nên họ có những phối hợp nhất định.
Tuy nhiên trong bối cảnh Mỹ càng ngày càng phản đối các tham vọng của Trung Quốc và gián tiếp sau đấy là phản đối các tham vọng, yêu sách của Đài Loan ở Biển Đông thì có thể thấy hành động của Đài Loan và cụ thể là qua chuyến viếng thăm gần đây của ông Mã Anh Cửu nó không phù hợp lợi ích của Mỹ và Mỹ đã lên tiếng không tán thành động thái này của ông Mã ho rằng nó không hữu ích cho tình hình hiện tại. Tôi nghĩ việc này nó có sự phức tạp nhất định vì Mỹ thì vẫn cần sự ủng hộ Đài Loan và giữ Đài Loan gần với phía mình và không để Đài Loan rơi vào tay của Trung Quốc một cách trực tiếp hay gián tiếp nhưng mặt khác họ lại cảm thấy không thoải mái với thái độ cũng như là chính sách của Đài Loan trong vấn đề Biển Đông.
Nhìn chung tôi nghĩ rằng bước tiếp theo của chính quyền Đài Loan khi mà Đảng Dân Tiến lên cầm quyền thì tôi thấy cái mâu thuẩn cái lưỡng nan trong chính sách của Mỹ trong vấn đề Đài Loan sẽ dịu ớt đi khi gần đây bà nữ Tổng thống Thái Anh Văn mới đắc cử của Đài Loan bày tỏ quan điểm sẽ ủng hộ cho tự do hàng hải ở Biển Đông và không có những hành động làm phức tạp tranh chấp giống như hành động của ông Mã Anh Cửu.
053_1EMPEROR201601291911-400
Hoàng đế Akihito và Hoàng hậu Michiko dâng hoa hôm 29/1/2016 tại một tượng đài tưởng nhớ các chiến sĩ Nhật Bản chết trong chiến tranh Nhật - Phi. AFP photo
Mặc Lâm: Trong vấn đề Biển Đông còn một điểm nóng khác là Philippines thì vừa rồi Nhật Hoàng đã chính thức công du nước này khiến các nhà quan sát cho rằng Nhật đang tiến xa hơn trong việc vận động các nước cùng xiết chặt hơn với nhau trong nỗ lực ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông. TS có đồng ý với những nhận định này không?
TS Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ rằng những động thái gần đây của Nhật đặc biệt là dưới thời của Thủ tướng Abe nó cho thấy bàn cờ chiến lược ở khu vực Đông Á đang có những vận động và các vận động này thì đang định vị các quân cờ sẽ cô lập và bao vây Trung Quốc về mặt chiến lược một cách rõ rệt hơn. Những bước đi gần đây của Nhật càng cho thấy điều đấy. Chuyến đi của Nhật Hoàng đến Philippines có thể là bước đi tiếp theo. Bên cạnh đấy thì ta có nghe việc Nhật sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam, tàu của Nhật sẽ ghé cảng Cam Ranh để tiếp dầu chẳng hạn hay là trong năm nay tàu chiến của Nhật cũng sẽ cặp cảng Cam Ranh. Những bước đi này cho thấy Nhật đang có tính toán của riêng họ cũng như có sự phối hợp với Mỹ và các đối tác trong khu vực đang chia sẻ các mối quan ngại về sức mạnh ngày càng gia tăng cảu Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng đấy là những bước đi có thể dự đoán được trong thời điểm hiện tại trong tương lai gần đấy là cuộc đối đầu không những của Trung Quốc với Mỹ mà còn giữa Trung Quốc với Nhật sẽ càng ngày càng gia tăng.
Mặc Lâm: Riêng về Việt Nam, là nước đang có những bài toán khó trong quyết sách Biển Đông đã tỏ ra không cương quyết với Trung Quốc khi họ có những động thái lấn lướt mạnh bạo và mỗi lần như thế thì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao đều phản ứng một cách thụ động. TS có cho rằng đây là một nước cờ phòng thủ mà Việt Nam phải sử dụng vì vị trí địa chiến lược cũng như các quan hệ chằng chịt về kinh tế khiến Việt Nam không thể làm khác?
TS Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ các nước trong khu vực họ đều hiều cái vị thế tương đối nhạy cảm của Việt Nam tại vì Việt Nam nằm ngay sát với Trung Quốc và dễ bị các mối đe dọa từ Trung Quốc nhiều hơn. Việt Nam trên mặt chính thức thì có thể phản đối một cách tương đối vừa phải chủ yếu thông qua các tuyên bố ngoại giao nhưng tôi nghĩ rằng đàng sau hậu trường thì Việt Nam đã có những bước đi, những tính toán mạnh mẽ hơn và thực dụng hơn. Phối hợp với các quốc gia khác trong khu vực để đối phó lại với Trung Quốc.
Có một sự dàn xếp hay ngầm phối hợp giữa Việt Nam với các nước này. Phản ứng của Việt Nam đối với các nước khác thí họ có thể hiểu và nhận biết được. Vấn đề ấy còn tùy vào hành động thực sự trên thực địa như thế nào, Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ càng ngày càng cứng rắn hơn qua các hành động trên thực địa hay là nằm sau hậu trường.
Chúng ta không nên chỉ tập trung vào các tuyên bố ngoại giao để mà đánh giá. Tôi nghĩ Việt Nam họ nhận thức đầy đủ cái lợi ích của mình cũng như các mối đe dọa thì họ sẽ có những bước đi mặc dù do vị thế địa lý hay quan hệ về mặt chính trị thì Việt Nam có những hành động trực tiếp thách thức của Trung Quốc. Chúng ta phải hiểu bối cảnh lớn hơn thì mới có thể đánh giá được cái chính sách của Việt Nam đối với vấn để Biền Đông.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.

No comments:

Post a Comment