Thursday, February 4, 2016

Lộ trình TPP và kinh tế VN sau đại hội Đảng

Cát Linh, phóng viên RFA 2016-02-03  
000_DV2182210-620
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman (giữa) và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (phải) nghe Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong một cuộc họp với lãnh đạo các nước tham dự TPP tại Manila ngày 18 tháng 11 năm 2015. AFP photo
Ngày 4 tháng Hai sắp đến, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được chính thức ký kết tại Auckland, New Zealand. Như thế, việc ký kết này diễn ra trong giai đoạn cuối của thời gian tại vị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người sắp mãn nhiệm sau kỳ họp Đại hội Đảng thứ 12 vừa qua.
Một vấn đề được đặt ra từ dư luận sau khi đại hội Đảng kết thúc, đó là hiệp định TPP nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung sẽ có lối đi thế nào nếu ông Nguyễn Tấn Dũng không có mặt trong tiến trình ký kết?
Sẽ được tiếp tục
Ngày 4 Tháng Hai sắp đến, Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ công thương, ông Vũ Huy Hoàng dẫn đầu cùng với đại diện của những doanh nghiệp khác sẽ đến thành phố Auckland, New Zealand để chính thức ký kết TPP.
Nhớ lại vào tháng 10 năm ngoái, người đứng trước Quốc hội để báo cáo về kết quả tốt đẹp của cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lần đó, cùng với những bày tỏ về niềm tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua các khó khăn để đạt kết quả cao nhất trong thực hiện TPP, ông cho biết chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn TPP theo đúng quy định của pháp luật.
Do đó, chuyến đi ký kết TPP vài ngày sắp đến của chính phủ Việt Nam xem như lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10 năm ngoái trước Quốc hội đã được thực hiện. Có lẽ điều này giải thích vì sao dư luận cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và “triều đại” của ông đã để lại dấu ấn thành công cho kinh tế Việt Nam, đó là hiệp định TPP.
Tuy nhiên, nhà bình luận Ngô Nhân Dụng từ California bày tỏ ngay quan điểm của ông là không đồng ý với ý kiến nói rằng ông Nguyễn Tấn Dũng là người đưa đến hiệp định Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.
“Chuyện ký một hiệp định như vậy phải là quyết định của Bộ chính trị. Mười mấy người trong Bộ chính trị họ đồng ý và ông Dũng là người thi hành mà thôi. Thành ra chúng ta đừng gắn hiệp định đó với ông Nguyễn Tấn Dũng.”
Người cũng đồng ý một phần với quan điểm này của nhà bình luận Ngô Nhân Dụng là giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang. Ông nhắc lại, việc gia nhập TPP đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhân sự thuộc Ban chấp hành Trung ương khoá 11.
Chuyện thi hành hiệp định TPP, Đảng CS VN đã quyết định từ khoá trước. Và trong khoá tới họ sẽ phải làm tiếp. Chuyện kinh tế của nước mình nó có thay đổi hay không, phần lớn sẽ nhờ việc thi hành hiệp định này
- Nhà bình luận Ngô Nhân Dụng 
“Việc Việt Nam gia nhập TPP thì phải chờ một việc nữa là quốc hội phê duyệt. nhưng trong cái phiên họp của Ban chấp hành Trung ương khoá 11 lần cuối thì có xem xét việc ký TPP, thì tôi thấy có sự nhất trí rất cao trong việc Việt Nam gia nhập TPP. Vì vậy, cho nên tôi không nghĩ là mặc dù Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng đã có những đóng góp rất lớn trong nhiệm kỳ của ông liên quan đến việc VN gia nhập TPP, nhưng ở Việt Nam vai trò không phải là cá nhân, vì vậy cho nên cái mà được Ban chấp hành thông qua thì chắc chắn sẽ được tiếp tục.”
Thêm vào đó, những người đã tham gia trực tiếp thì họ vẫn còn đó, cho nên chắc chắn họ sẽ tiếp tục có tiếng nói trong giai đoạn kế tiếp. Đó là kết luận mà Tiến sĩ Vũ Minh Giang đã đưa ra.
Theo lộ trình nào?
Nhà bình luận Ngô Nhân Dụng đưa ra nhận định về tương lai của kinh tế Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào việc thực thi TPP.
“Chuyện thi hành hiệp định TPP, Đảng CS VN đã quyết định từ khoá trước. Và trong khoá tới họ sẽ phải làm tiếp. Chuyện kinh tế của nước mình nó có thay đổi hay không, phần lớn sẽ nhờ việc thi hành hiệp định này.”
Một vấn đề khác được những người quan tâm đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là sau kỳ Đại hội Đảng 12 vừa qua đặt câu hỏi, đó Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương có thể vực dậy nền kinh tế đang gồng món nợ công 60% GDP do ông Nguyễn Tấn Dũng và nội các của mình để lại hay không? Đặc biệt, là với một hệ thống chính trị đã được ông Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định là “kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê” thì liệu TPP có thể là vũ khí giúp Việt Nam thoát khỏi nền kinh tế phụ thuộc Trung Quốc hay không? Nói về điều này, nhà bình luận Ngô Nhân Dụng đề cập ngay đến vấn đề gọi là “thân Trung’ và “thân Mỹ”.
“Tôi nghĩ rằng tất cả những vị lãnh đạo ở trong Bộ chính trị, gọi là Tứ trụ của chính quyền, không có ai bảo thủ hay cấp tiến hơn ai. Và cũng không có ai thân Mỹ hơn ai và thân Trung Quốc hơn ai. Mà tất cả họ lo làm sao để dành lấy quyền chức. và họ nghĩ rằng nếu họ làm như vậy thì họ dành lấy cái quyền cái chức trong Đảng mạnh hơn thì họ làm. Thành ra cái chuyện ký hiệp định TPP là cái chuyện mà cả cái bộ chính trị họ quyết định. Và Bộ chính trị sau này nó cũng sẽ thi hành, có ông Dũng hay không cũng vậy thôi.”
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng theo ông, có thể trong khoá tới, Đảng CS VN có thể sẽ trì hoãn hiệp định này, có thể tìm cách giảm bớt áp lực kinh tế trên việc cai trị của họ.
Chuyện ký một hiệp định như vậy phải là quyết định của Bộ chính trị. Mười mấy người trong Bộ chính trị họ đồng ý và ông Dũng là người thi hành mà thôi. Thành ra chúng ta đừng gắn hiệp định đó với ông Nguyễn Tấn Dũng.
- Nhà bình luận Ngô Nhân Dụng
Và quan trọng hơn, ông nhấn mạnh việc thực thi TPP thành công còn tuỳ thuộc vào người dân Việt Nam muốn gì và sẽ làm gì.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch đầu tư khi trả lời Đài Á Châu Tự do cũng có đề cập đến những ích lợi từ các hoạc động của người dân. Ông nhấn mạnh vào các nhóm xã hội dân sự sẽ góp phần trong việc thay đổi nền kinh tế.
“Tất cả những vấn đề đó cần một nỗ lực công khai minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình và phải có sự tham gia giám sát của người dân, của xã hội dân sự. Tôi hy vọng sắp tới đây Việt Nam sẽ thực hiện các cải cách như thế này nếu không thì Việt Nam sẽ trả bằng một giá rất đắt và có thể rất đau đớn.”
Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ cho chúng tôi biết qua email rằng ông cũng chỉ có niềm tin vào thành phần xã hội dân sự.
“Riêng tôi không tin vào những thay đổi lớn từ phía lãnh đạo, mà tin vào sự trưởng thành của xã hôi dân sự trong đó có tầng lớp tri thức tự do, sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân,và sức ép của quá trình hội nhập quốc tế. Nghĩa là phải kiên trì từng bước tiến bộ nhỏ để làm nền tảng cho những bước đột phá bất bạo đông. Biết đâu đấy, như Nelson Madenla từng nói ‘Mọi chuyện đều là bất khả trước khi nó xảy ra’”
Lộ trình của TPP trong thời kỳ “hậu Nguyễn Tấn Dũng”có phải là vũ khí cho Việt Nam thoát khỏi nền kinh tế nhập siêu từ Trung Quốc và một nền chính trị thoát Trung hay không, câu trả lời chưa thể có ngay trong thời điểm này. Nhưng theo truyền thông trong nước dẫn lời ông Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định “Nội dung hiệp định vẫn giữ được những lợi ích cho các đối tượng tham gia, trong đó người dân, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi”.
Như thế, với những lời cam kết của giới chức Việt Nam, phải chăng người dân vẫn được hy vọng vào một nền kinh tế tốt đẹp sau khi TPP được chính thức ký kết?

No comments:

Post a Comment