Thursday, February 4, 2016

Ngân hàng nhà nước sẽ ‘múa” nợ xấu ra sao năm 2016?

Khác hẳn thái độ nhẫn nhịn những năm trước, bước vào năm 2016, một trong những tổ chức phân tích tài chính lớn ở Việt Nam là công ty chứng khoán VCBS đã đánh giá tỷ lệ nợ xấu thực chất của nền kinh tế có thể lên đến 11.02%.

Hình Internet
Trước đó vào tháng 11/2015, Ngân hàng nhà nước vẫn báo cáo tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống giảm về 2.72% so với con số 3.25% đầu năm do các ngân hàng tiếp tục tăng tốc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, đồng thời đẩy mạnh bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).
Trước đó nữa, vào tháng 9/2015, một tổ chức tín dụng độc lập là FT Confidential Research đã công bố: Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam vào khoảng 15% trong năm 2014, thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Vào giữa năm 2015, một bản thống kê từ báo cáo tài chính của 13 ngân hàng thương mại đã hiện ra: Tổng số nợ xấu của 13 ngân hàng tăng mạnh 21.2%, trong đó rất đáng chú ý, số nợ khả năng mất vốn ngày càng đột biến, lên tới 23,850 tỷ đồng, chiếm đến 50.6% tổng số nợ xấu.
Về cơ cấu nợ, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tiếp tục tăng lần lượt 51% và 22%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) có dấu hiệu suy giảm 14%.
Ngay những ngân hàng thương mại nhà nước thuộc loại “cá mập” và luôn được ưu ái về chính sách tín dụng như BIDV, Vietcombank và Vietinbank, cũng đứng đầu về số nợ xấu - xét theo số tuyệt đối.
Sau thời kỳ “ngồi mát ăn bát vàng” những năm 2007-2011 mà đã bị giới doanh nghiệp tố cáo là “lãi suất cho vay cắt cổ là cách nhanh nhất để tự sát,” giới chủ ngân hàng trở về thời kỳ phôi thai khó sinh, ngầy ngật trong cơn đau đẻ lợi nhuận lẫn thể ung thư nợ xấu rất có triển vọng thuộc về giai đoạn cuối.
Nợ xấu chồng chất lại là án tử cho thị trường tài chính và nền kinh tế Việt Nam. Chỉ đến cuối năm 2014, Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình mới lần đầu tiên tiết lộ con số nợ xấu vào năm 2013 lên đến khoảng 500,000 tỷ đồng (tương đương khoảng $25 tỷ), trong khi vào thời điểm năm 2013, Ngân hàng nhà nước chỉ công bố “láo” con số nợ xấu vào khoảng 150,000 tỷ đồng.
Vũ điệu nhảy múa số liệu nợ xấu của Ngân hàng nhà nước đã biến diễn sôi động kể từ khi chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được thành lập vào tháng Tám năm 2011. Từ đó đến nay, thống kê sơ bộ cho thấy đã có ít nhất 15 lần tỉ lệ nợ xấu được Ngân hàng nhà nước cho “khiêu vũ” với độ biến thiên từ 3% đến 10%. Tuy thế, các số liệu được công bố lại quá thiếu cơ sở và chẳng còn làm mấy người ngờ nghệch tin tưởng. 
Báo cáo mới nhất về tỷ lệ nợ xấu của Công ty chứng khoán VCBS có lẽ là một tín hiệu “xét lại” những con số nợ xấu mà Ngân hàng nhà nước đã công bố. Thậm chí, đây còn có thể là một tín hiệu về chính trị, khi đáng chú ý không kém là VCBS thuộc Vietcombank - một ngân hàng có cổ phần chi phối của Ngân hàng nhà nước.
Vào kỳ họp quốc hội cuối năm ngoái, Học viện chính sách công thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh - người vừa đưa ra đòi hỏi phải đổi mới chính trị tại đại hội 12 của đảng cầm quyền - đã phản pháo báo cáo chính phủ về tỷ lệ nợ công. Theo học viện này, tỷ lệ nợ công thực tế đã vượt quá ngưỡng nguy hiểm, tức trên 65% GDP.
02/04/2016 - 08:09
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment