Theo VOA-04.02.2016
Hiện tượng đáng lưu tâm về tử huyệt ngân hàng là cùng thời gian Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình bất ngờ trở thành tân ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội XII của đảng cầm quyền, trên mạng xã hội xuất hiện một tác giả ẩn danh mới: “Góc khuất ĐH 12”. Tác giả này đưa bài “Đại biểu dự đại hội 12 lạnh sống lưng khi biết Ngân hàng sắp vỡ nợ”, trong đó khẳng định: “Trong 2 năm 2014 - 2015, Ngân hàng Nhà nước không đóng góp bất kỳ một đồng nào cho Ngân sách nhà nước. Đó là chưa kể năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đang lỗ 6.090 tỷ đồng”.
“Góc khuất ĐH 12” cũng là tác giả đã đưa tin khá chính xác (hoặc chính xác) về vụ hai thành viên của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư phát triển (BIDV) là ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa bị khởi tố bởi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, từ ngày 16/1/2016. Tin tức nóng hổi này được đưa trên trang tin hội tụ hai luồng quan điểm đối nghịch - được cho là từ trong lòng đảng Cộng sản - ngay vào thời gian diễn ra Đại hội 12. Một ngày sau khi đại hội này kết thúc, Bộ Công an đã thông báo xác nhận vụ khởi tố điều tra trên, cho dù vẫn chưa đề cập đến từ “bắt”.
Từ lâu nay BIDV lại được coi là ngân hàng ruột rà với Ngân hàng nhà nước.
Từ nợ xấu đến ‘tỷ giá nhập siêu’
Vào cuối năm 2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên phải thừa nhận trước Quốc hội về con số nợ xấu 500.000 tỷ đồng. Con số này đã bị Ngân hàng nhà nước giấu biệt từ những năm trước, mà chỉ tiết lộ khi tình thế đã quá khó khăn. Cũng cho tới nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà VAMC (Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam) gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn chưa nhận được hồi âm chính thức nào.
Đến đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công du Úc và đã lần đầu tiên nhiệt thành ngỏ lời "Việt Nam muốn bán nợ xấu". Thế nhưng trong khi hoàn toàn phớt lờ về đề nghị này, Thủ tướng Úc lại thông báo "sẽ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam".
Thành tích "giảm nợ xấu về dưới 3%" của Ngân hàng nhà nước và Chính phủ, cũng bởi thế, cho tới nay vẫn chỉ là con số hoàn toàn vô nghĩa.
Chiếm đến 70% trong nợ xấu, nợ bất động sản trở nên đáng sợ nhất. Cho tới nay, rất nhiều ngân hàng đã phải “ôm” tài sản thế chấp nhà đất nhưng không thể bán lại được.
Mà như vậy, gần như toàn bộ khối nợ xấu vẫn như một quả bom tấn được hẹn giờ, vẫn đang âm ỉ chờ lúc phát nổ trong lòng các ngân hàng thương mại. Gần đây nhất vào tháng 9/2015, một tổ chức tín dụng độc lập là FT Confidential Research đã công bố: Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam vào khoảng 15% trong năm 2014, thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Sau nợ xấu, dư luận xã hội cũng đang hướng mối nghi ngờ vào động cơ “ổn định tỷ giá” của Ngân hàng nhà nước. Trong hai năm 2014-2015, cơ quan này đã chỉ phá giá đồng Việt Nam khoảng 5%, quá thấp so với độ mất giá chung của đồng tiền các quốc gia trong khu vực, và do vậy đã khiến sức cạnh tranh quốc tế về hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt sụt giảm đáng kể. Nhưng ngược lại, cơ chế duy trì tỷ giá thấp luôn được coi là một cách nhằm làm lợi lớn ccho ác nhà nhập khẩu, trong đó chủ yếu là các món hàng nhập khẩu quá nhiều “màu” từ Trung Quốc.
Năm 2015 kết thúc với không chỉ tình hình kinh tế bi đát và số doanh nghiệp phá sản tăng vọt ở Việt Nam, mà con số nhập siêu từ Trung Quốc càng kinh hoàng hơn: 32,3 tỉ USD, tăng tới 12,5% so với năm 2014 và được coi là cao nhất từ trước đến nay. Năm 2013 và 2014, số nhập siêu từ Trung Quốc “chỉ” là 23,7 tỷ USD và 28,9 tỷ USD. Báo chí trong nước kêu rên: “Mua của Trung Quốc từ củ hành đến ôtô!”.
Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam lại bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nếu tính cả con số 20 tỷ USD nhập lậu mà “không ai biết” được tuồn vào theo con đường nào và bị biến hóa ra sao, tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2015 phải lên đến gần 52 tỷ USD. Con số này gấp gần 300 lần so với mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vào năm 2002!
Vào giữa năm 2014 khi nổ ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 đe dọa Biển Đông, một số doanh nghiệp sản xuất dệt may đã phải thốt lên: nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam dẫn đến nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may từ “bạn vàng” bị ách lại, doanh nghiệp của họ chỉ có thể cầm cự tối đa được 2 đến 3 tháng!
Khó có thể nói khác hơn rằng cơ chế tỷ giá quá thấp hiện thời cần được đặc tả bằng khái niệm “tỷ giá Trung Quốc”.
Vì sao Thống đốc Bình lọt vào Bộ Chính trị?
Nếu Đại hội XII của đảng cầm quyền tại Việt Nam kết thúc với “Tôi bất ngờ” như một lời than của tổng bí thư tái nhiệm Nguyễn Phú Trọng, trường hợp Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình - nhân vật có nốt ruồi rất vận số trên sống mũi - vừa lọt vào Bộ Chính trị và có khả năng vươn tới chức vụ phó thủ tướng phụ trách về tài chính cũng bất ngờ không kém.
Từ tháng 8/2011 khi chính phủ mới được hình thành, Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng nhà nước và mau chóng được coi là “cánh tay mặt” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng cũng vào cuối năm 2011, trong khi một trang báo điện tử của nhà nước là Vnexpress vinh danh Nguyễn Văn Bình là “Nhân vật của năm 2011”, thì một tạp chí có uy tín quốc tế là Global Finance đã xếp “Nguyễn Văn Bình là một trong 20 thống đốc kém nhất thế giới”.
Từ 2011 đến 2015, ông Nguyễn Văn Bình đã trở nên nổi tiếng với các chiến dịch “lấy mỡ nó rán nó” liên quan đến vàng, “nhảy múa” các tỷ lệ nợ xấu, cấp phát tín dụng và bị đồn đoán về lợi ích dày cộm liên quan đến chuyện sáp nhập các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, vị thế của ông vẫn yên ấm với sự bảo đảm của Thủ tướng Dũng.
Nhưng từ giữa năm 2015, cùng với chiến dịch “luân chuyển cán bộ” do Ban Tổ chức Trung ương thực hiện đã khiến phe ông Nguyễn Tấn Dũng lâm vào tình cảnh khốn đốn vì mất quá nhiều nhân sự, đã xuất hiện khá nhiều tin ngoài lề về việc Thống đốc Bình bị điều tra liên quan đến vài ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng Phương Nam và một đại gia là ông Trầm Bê.
Cũng trong thời gian từ giữa đến gần hết năm 2015, người ta gần như không thấy Nguyễn Văn Bình xuất hiện trên mặt công luận như thói quen thường thấy trước đó. Thay vào đó là một số cấp phó của cơ quan Ngân hàng nhà nước. Chính vào lúc này, hai Hội nghị Trung ương 13 và 14 đã diễn ra với phần thất lợi nghiêng dần và rồi nghiêng hẳn về Thủ tướng Dũng.
Tuy vậy sau Hội nghị 14 và gần Đại hội XII, Thống đốc Bình bất chợt tái xuất hiện. Cùng lúc, nghe nói về một danh sách đề cử ủy viên mới cho Bộ Chính trị, trong đó có tên ông Bình.
Tại Đại hội XII, cùng với sự kiện Thủ tướng Dũng bất ngờ chịu thất bại cay đắng là việc Nguyễn Văn Bình trở thành tân ủy viên Bộ Chính trị.
Ngay lập tức đã xuất hiện một số dư luận cho rằng ông Bình đã tìm cách rời bỏ chủ cũ là Thủ tướng Dũng để “nhảy” sang chủ mới là những người bên đảng.
Cần nhắc lại, trước Đại hội XII, có nguồn tin không chính thức nhận định rằng sau đại hội này, ông Nguyễn Văn Bình, với nhiều “thành tích” về những khuất tất tài chính và điều hành, có thể phải đối mặt với công lý.
Nhưng thực tế là không những không phải chịu một án kỷ luật hoặc pháp luật nào, ông Bình còn được “nâng lên một tầm cao mới”, trong khi chủ cũ của ông là Thủ tướng Dũng phải ngậm ngùi ra đi và chưa biết tương lai sẽ mờ mịt đến mức nào.
Câu hỏi vẫn đọng lại là vì sao Thống đốc Bình lại thoát hiểm một cách ngoạn mục trong thế cờ đổi trắng thay đen như thế?
Ngay sau khi Thủ tướng Dũng rút lui, trên mạng đã xuất hiện thông tin về một bản “cáo trạng” dày đến 313 trang của bên đảng cáo buộc ông Dũng về nhiều vấn đề, trong đó có những khuất tất về tài chính và “gót chân Asin” về ngân hàng.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment