Friday, December 25, 2015

Học sinh Gia Lâm tiếp tục phản đối xây trung tâm thương mại

HÀ NỘI (NV) - Hơn ngàn học sinh các trường trung tiểu học ở xã Ninh Hiệp vẫn không đến trường suốt 4 ngày qua cùng với cha mẹ phản đối việc nhà cầm quyền địa phương xây trung tâm thương mại.

Cha mẹ học sinh cho con nghỉ học để phản đối nhà cầm quyền xây trung tâm thương mại, cướp chỗ sinh sống của gia đình. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Năm, “Tính đến chiều 23 tháng 12, các trường THCS tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã có 302/940 học sinh đi học, trường tiểu học có 930/1,646 học sinh đi học trở lại.” Ngày hôm trước thì báo này nói rằng “hơn 2,000 học sinh mầm non, tiểu học, THCS ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội tiếp tục không đến trường để phản đối việc thu hồi bãi giữ xe cạnh chợ Nành.”

Theo tờ Tuổi Trẻ, huyện ủy Gia Lâm “vừa thành lập tổ công tác giải quyết việc học sinh xã Ninh Hiệp nghỉ học để phản đối xây trung tâm thương mại. Ngay trong chiều 23 tháng 12, ban chỉ đạo và tổ công tác của huyện Gia Lâm đã làm việc với các đoàn thể để thực hiện vận động sâu rộng tới hộ dân.”

Sau khi hơn hai ngàn học sinh từ tiểu học tới trung học nghỉ học, các tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ thuật lời ông Hoàng Anh Tú, chánh văn phòng UBND huyện Gia lâm tố cáo rằng “lãnh đạo UBND huyện có nhận được thông tin học sinh được nhận tiền để nghỉ học, phản đối xây trung tâm thương mại.”

Nhưng khi trao đổi với nhà báo thì “một số phụ huynh có con nghỉ học thì khẳng định không có việc đó, họ không cho con đi học để phản đối việc chính quyền xây trung tâm thương mại.”

Riêng tờ Thanh Niên khi đưa tin vụ này dưới tiêu đề “Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại” lại viết rằng “Một cán bộ có trách nhiệm của huyện Gia Lâm cho biết: ‘Có tình trạng mỗi học sinh tham gia tập trung phản đối xây trung tâm thương mại được các đối tượng lôi kéo xúi giục cho 50,000 đồng/buổi, 100,000 đồng/ngày, cá biệt có khi là 200,000 - 300,000 đồng/ngày.’”

Đoạn tin này và cô phóng viên tên Tuệ Nguyễn đã bị dân mạng “ném đá” dữ dội và tờ Thanh Niên phải gỡ bỏ chi tiết bị coi là tuyên truyền vu khống của nhà cầm quyền địa phương. Rất nhiều độc giả của chính tờ Thanh Niên đã phản ứng gay gắt về việc “dùng tiền dụ học sinh nghỉ học” cũng như chủ trương cướp nguồn sống của dân mà nhà cầm quyền đang thi hành.

“Nồi cơm của nhiều người đem giao cho một doanh nghiệp lấy gì dân không phản đối.” Một độc giả tên Khánh Hòa viết bình luận trên tờ Thanh Niên.

“Chưa có 1 xã nào mà có đến 4 trung tâm thương mại như ở Ninh Hiệp cả. Chỗ của các trung tâm như Sơn Long, Phú Điền baza chưa cả ngồi hết tầng 1. Vậy việc xây thêm TTTM nữa được lợi ích gì. Chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp chủ đầu tư. Còn người dân thì không còn kế sinh nhai. Người ta mới phải đứng lên...” độc giả tên CityHunter viết.

“Càng ngày Siêu Thị và trung tâm thương mại càng lấn át chợ truyền thống. Trong khi chợ truyền thống là miếng cơm manh áo hàng triệu con người. Hãy qua Thái Lan, Singapore Cambodia, Lào xem người ta xây dựng chợ truyền thống sạch đẹp đầy màu sắc truyền thống để hấp dẫn du khách.” Độc giả tên Linh Lan ở Sài Gòn viết.
Nhà cầm quyền địa phương theo lệnh của nhà cầm quyền huyện và thành phố đã quyết định lấy mảnh đất đang là bãi đậu xe cho khách hàng vào giao dịch, mua bán trong “chợ đầu mối” ở xã Ninh Hiệp, thường được gọi là chợ Nành. Khi lấy mất bãi đậu xe, tức cấm khách hàng tới mua bán phải được hiểu là triệt đường sống của hơn một ngàn tiểu thương, biến họ từ sung túc thành những kẻ có tương lai bất định. Mất nguồn lợi kinh kế thì lấy tiền đâu nuôi con ăn học?

Theo tin tức, các tiểu thương có con em trong độ tuổi đi học quyết định cho chúng nghỉ ở nhà 10 ngày để phản đối. Trong khi đó, theo tờ Thanh Niên hôm 22 tháng 12, 2015, nhà cầm quyền “khẳng định không dừng dự án xây dựng trung tâm thương mại.”

Nhiều tiểu thương ở Ninh Hiệp được thuật lời trên tờ Thanh Niên cho biết, cả xã Ninh Hiệp có 4 chợ và trung tâm thương mại, trong đó “chỉ có 1,600 sạp hàng ở chợ Nành là kín chỗ, còn 3 trung tâm thương mại đều vắng hộ kinh doanh.”

Tại sao lại triệt đường sống của 1,600 tiểu thương đang buôn bán thịnh vượng, câu hỏi không khó trả lời. (TN)
12-24-2015 5:44:14 PM 

No comments:

Post a Comment