Nam Nguyên, phóng viên RFA-2015-11-20
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi chất vấn trước Quốc hội vào ngày 18/11/2015. Courtesy chinhphu.vn
Quốc hội Việt Nam dành ba ngày chất vấn kết thúc nhiệm kỳ của Chính phủ cũng như bản thân Quốc hội. Tuy vậy những ai quan tâm tới thời cuộc đã chú mục vào buổi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 18/11/2015.
Không trả lời trực tiếp
Qua trực tiếp truyền hình và tường thuật của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vượt qua các câu hỏi bằng cách đi đường vòng và không trả lời trực tiếp những câu hỏi được dư luận quan tâm. Theo Tuổi Trẻ Online, VietnamNet, Thanh Niên Online, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được 24 ý kiến chất vấn trực tiếp và 20 câu hỏi của 9 đại biểu. Tuy vậy người đứng đầu chính phủ chỉ trả lời gộp một số nội dung và hứa giải đáp sau bằng văn bản, mặc dù ông còn dư rất nhiều thời gian. Do vậy phiên họp Quốc hội sáng 18/11/2015 đã kết thúc sớm hơn một giờ so với dự kiến.
Một cán bộ về hưu ở Hà Nội, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang tỏ ra không hài lòng về cách thức mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn. Ông nói:
Bản thân tôi trông chờ, sau phát biểu của Thủ tướng thì Thủ tướng sẽ nghe và trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của các đại biểu Quốc hội. Nhưng điều này đã không xảy ra, đó là điều đáng tiếc mà nhiều người dân, nhiều cử tri đã trông chờ.
-Nguyễn Đăng Quang
“Bản thân tôi trông chờ, sau phát biểu của Thủ tướng thì Thủ tướng sẽ nghe và trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của các đại biểu Quốc hội. Nhưng điều này đã không xảy ra, đó là điều đáng tiếc mà nhiều người dân, nhiều cử tri đã trông chờ.”
Trong số những chất vấn ấn tượng được báo chí trích dẫn, các đại biểu Nguyễn Anh Sơn đơn vị Nam Định, Lê Nam tỉnh Thanh Hóa có câu hỏi liên quan tới việc bảo vệ giữ vững chủ quyền biển đảo, trong bối cảnh Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông. Ngoài ra còn báo cáo của Ủy ban Dân nguyện gởi Quốc hội, ghi nhận ý kiến cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Việt Nam sớm khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Chất vấn của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đơn vị TP.HCM được báo Thanh Niên Online trích thuật khá đầy đủ. Tóm tắt, LS Trương Trọng Nghĩa cho rằng Việt Nam phụ thuộc sâu vào kinh tế Trung Quốc và bị đe dọa chủ quyền. Theo lời vị đại biểu, thực tế ở các nước cho thấy Trung Quốc nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị. Do vậy, ông thu thập ý kiến cử tri và họ đề nghị không vay tiền không nhận viện trợ từ Trung Quốc, trong giai đoạn hiện nay bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí đang xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam.
Ý kiến của cử tri mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa dùng làm câu hỏi dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được LS Trần Quốc Thuận, nguyên phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội từ Saigon chia sẻ:
“Đúng ra hiện nay hai bên, hai nhà, hai cá nhân đang tranh tụng. Giữa cá nhân với nhau thì liên quan đến tài sản tiền của tranh chấp về quyền sở hữu, còn đây là tầm quốc gia là biển đảo, lãnh thổ mà mình lại đi nhận tiền người ta cho thì nghe nó không ổn. Tục ngữ Việt Nam có câu anh ‘xây chùa nghĩa miễn’ thì cách đó nó không thuận lắm.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua truyền hình và báo chí đã chỉ trả lời một cách chung chung, lập lại các chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Theo đó Việt Nam vừa hữu nghị hợp tác bình đẳng với Trung Quốc vừa đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Chỉ lập lại những điều Phát ngôn nhân đã nói
Cảm nhận chung được ghi nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không nói được điều mà cử tri muốn nghe và đại biểu đã hỏi. Đó là Chính phủ đã làm gì khác ngoài những lời nói suông, không có hành động tích cực đối với việc mất chủ quyền biển đảo. Thủ tướng cũng không trình bày quan điểm của ông đối với vấn đề lệ thuộc kinh tế Trung Quốc và mong muốn của cử tri là không nhận viện trợ, không vay tiền Trung Quốc trong lúc này. Người đọc báo có cảm nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập lại những điều mà Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói hàng ngày với báo chí.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội theo dõi phiên chất vấn qua truyền hình đã bày tỏ sự thất vọng của mình. Ông nhấn mạnh tới sự kiện đại biểu Quốc hội phải nghỉ sớm gần 1 tiếng rưỡi vì Thủ tướng không trực tiếp trả lời các câu hỏi.
Còn thời gian mà Thủ tướng không trả lời mà hứa trả lời bằng văn bản trên Cổng thông tin chính phủ. Lúc đó nó không dẫn đến tranh luận và toàn dân đã không được nghe các ý kiến. Tôi cũng rất buồn là trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng không được trọn vẹn.
-LS Trần Quốc Thuận
“Thủ tướng trả lời toàn dẫn nghị quyết Liên Hiệp Quốc, tiêu chí giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ. Những điều cụ thể đại biểu quốc hội hỏi thì không thấy trả lời, trong đó có câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, 3 câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch. Ngoài ra còn 46 đại biểu Quốc hội hỏi mà chưa trả lời, trong đó không biết bao nhiêu câu là dành cho Thủ tướng. Tổng kết ra thì 18 đại biểu hỏi với trên 20 câu hỏi. Tôi thấy Thủ tướng không trả lời thẳng vào những vấn đề đó, cho nên cũng hơi buồn. Ngoài ra còn thời gian mà Thủ tướng không trả lời mà hứa trả lời bằng văn bản trên Cổng thông tin chính phủ. Lúc đó nó không dẫn đến tranh luận và toàn dân đã không được nghe các ý kiến. Tôi cũng rất buồn là trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng không được trọn vẹn.”
Đối với vấn đề cử tri 28 tỉnh thành mong muốn Nhà nước sớm khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc xâm lấn Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây thất vọng lớn cho những ai chờ đợi một câu trả lời thẳng thắn. Đọc Thanh Niên Online và nhiều báo điện tử khác, người đọc báo có cảm tưởng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cẩn thận ngôn từ bằng lời hoa mỹ và không quên khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi xin trích nguyên văn: “Phải tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của cộng đồng quốc tế về chân lý lẽ phải của Việt Nam. Gìn giữ hòa bình ổn định, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Nhận định về vấn đề liên quan, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội phát biểu:
“Nói về ý nguyện của người dân, thực ra mà nói người dân đã mong muốn phải thực hiện việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế từ lâu rồi. Nhưng điều này chưa được Nhà nước thực hiện. Vừa rồi có một số ý kiến là đã đến lúc phải đưa Trung Quốc ra tòa, vì đấu tranh pháp lý cũng là đấu tranh hòa bình, cần tận dụng vì Việt Nam đang rất thuận lợi trong cuộc đấu tranh pháp lý này. Chưa tận dụng được là một điều đáng tiếc. Bản thân tôi cũng có ý kiến là lúc này cần kiện Trung Quốc ra các tòa án của Liên Hiệp Quốc, nhiều người trong ngoài nước ủng hộ ý kiến này… Theo tôi hiểu các cơ quan chuyên môn luật pháp, các ngành đã chuẩn bị tư liệu sẵn sàng nhưng chưa được bật đèn xanh.”
Theo dõi thông tin về ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội Việt Nam khóa 13, cũng là hoạt động chất vấn cuối nhiệm kỳ mà Tuổi Trẻ Online gọi là “Hoàng hôn nhiệm kỳ,” có thể thấy rằng Quốc hội Việt Nam có sự thay đổi đáng kể về điều gọi là “Cách chất vấn mới tốt, nhưng trả lời chưa sâu.”
Bên cạnh những vấn đề cụ thể mà đại biểu quốc hội hỏi, thành viên chính phủ trực tiếp trả lời, phong cách mới trong chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội cũng là dịp để báo chí cười xả láng về những phát ngôn không thể ngờ của một số Bộ trưởng trong chính phủ. VietnamNet và nhiều báo điện tử khác cùng ghi nhận sự kiện nghị trường cười nghiêng ngả, khi Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nói rằng, sản phẩm du lịch thượng hạng của Việt nam là chiếc nón lá và món phở… còn trách nhiệm về sự yếu kém của ngành du lịch Việt Nam xin để cho bộ trưởng kế tiếp trả lời vì ông hết nhiệm kỳ rồi.
No comments:
Post a Comment