Friday, November 20, 2015

Chẳng lẽ “bó tay” với những người đang đầu độc cả dân tộc

 Người dân không thể đòi hỏi chính quyền trừng phạt những người “đầu độc” cả một nòi giống. Quan trọng là làm sao để hàng triệu người sản xuất, hàng chục triệu người tiêu dùng tự điều chỉnh hành vi của mình.

Hơi nóng về thực phẩm độc hại từ bên ngoài xã hội đã được truyền vào nghị trường trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Cao Đức Phát hôm 17/11.
Năm 2014 đã có đến 150.000-200.000 người mắc bệnh ung thư, 82.000 người chết vì bệnh ung thư, trong đó 75-95%  trường hợp mắc do yếu tố môi trường và an toàn thực phẩm như Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng C49 (Bộ Công an) đưa ra. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở Việt Nam, gấp 9 lần so với số người chết do tai nạn giao thông cùng năm 2014.
 thực phẩm bẩn, quản lý, sản xuất, tiêu dùng, nhà nước, nhân dân, hiệp hội
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quốc hội.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nói đúng về sự bất lực của bộ máy quản lý vì Bộ NN&PTNT không đủ sức kiểm tra, giám sát hàng triệu hộ sản xuất nông lâm thủy sản. Và cũng không thể chỉ đạo hàng chục triệu hộ gia đình mua gì, ăn gì, uống gì để tránh khỏi bị độc hại. Hiện mỗi tỉnh chỉ có khoảng 10 người làm công tác quản lý chất lượng, và dù có tăng biên chế lên 10 lần, thậm chí 100 lần thì cũng không thể giải quyết được vấn đề, chưa nói đến ngân sách eo hẹp.
Hãy tưởng tượng hàng ngày có hàng triệu người sản xuất, buôn bán thực phẩm sẽ ra những quyết định “nho nhỏ” với họ, nhưng quan trọng với người tiêu dùng: tôi có phun thuốc tăng trưởng thực vật để rau lớn nhanh, xanh tươi dù có chút độc hại với gia đình người mua không? Tôi có cho thêm ít chất Salbutamol vào thức ăn gia súc để tạo nạc cho lợn dù người tiêu dùng có thể bị ngấm độc dần dần không? Tôi có cho phân ure vào cá để cho cá tươi dù một số gia đình khách hàng của tôi đang dần dần tích tụ chất độc trong người?
Hiệp hội: Lộ trình tới đạo đức kinh doanh
Một xu hướng sản xuất hiện nay là nông nghiệp hữu cơ. Người sản xuất sẽ tuân thủ quy trình chặt chẽ, không sử dụng thuốc diệt sâu hóa học hoặc kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, để đảm bảo quy trình được áp dụng giống nhau họ phải tập hợp thành một hội. Tổ chức này sẽ giúp các thành viên điều chỉnh hành vi theo nội quy và giá trị đạo đức như: không gian dối trong việc sử dụng hóa chất, không đầu độc khách hàng vì lợi ích riêng của mình. Nếu vi phạm sẽ bị phạt, thậm chí đuổi khỏi Hội.
Để không bị lối làm ăn gian dối cạnh tranh bất bình đẳng tổ chức này cần có sự hỗ trợ của hội người tiêu dùng và hội của những nhà bán lẻ. Dĩ nhiên những hội này cũng xây dựng hành lang hoạt động theo nguyên tắc đạo đức.
Sự kết nối thường xuyên giữa các tổ chức này sẽ thúc đẩy giá trị tốt đẹp, thay vì cùng nhau thực hành các hành vi phạm pháp. Nếu làm được như vậy, người tiêu sẽ được hưởng lợi nhờ thông tin rõ ràng về cửa hàng thực phẩm an toàn. Vai trò của người tiêu dùng chính là tăng cầu, và kích thích hành vi sản xuất, chế biến, và buôn bán sản phẩm sạch.
Có một vấn đề đặt ra là, để tổ chức cho hàng triệu người sản xuất và hàng chục nghìn người bán lẻ tham vào Hội như vậy không đơn giản. Vì nếu không có tinh thần hiệp hôi, thì việc tổ chức giúp người dân thành lập Hội sẽ chỉ là cái vỏ, sẽ chết yểu như mô hình Hợp tác xã ngày trước.
thực phẩm bẩn, quản lý, sản xuất, tiêu dùng, nhà nước, nhân dân, hiệp hội
"75-95% trường hợp mắc bệnh ung thư là do yếu tố môi trường và an toàn thực phẩm".
Vai trò của nhà nước là xây dựng môi trường, cổ vũ cho tinh thần hiệp hội, tinh thần làm ăn tập thể, tinh thần hợp tác để chung tay giải quyết vấn đề chung. Đây là cơ sở để chúng ta thoát khỏi vỏ vị kỷ.
Tinh thần hiệp hội, nếu được phát huy trong tất cả các ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp đến kinh doanh hóa chất, từ dịch vụ làm đẹp đến giảng dạy đại học, từ ngành y đến ngành luật thì nó sẽ sẽ lan tỏa và kết tinh thành tinh thần của xã hội.
Một xã hội khi phải đối mặt với một vấn đề chung không chạy đến cầu cứu nhà nước giải quyết, một khi mọi người cùng nhau chia sẻ ý tưởng, cung nhau xây dựng giải pháp thì sẽ hữu hiệu hơn. Nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong quản lý xã hội, nhưng chỉ làm những cái từng người dân, cộng đồng và hiệp hội chưa thể tự làm được. Đó là việc thi hành nghiêm túc luật cấm buôn bán và sử dụng hóa chất độc hại để tạo sân chơi công bằng cho những người sản xuất, chế biến và cung cấp thực phẩm sạch.
Và cũng cần, nhà nước đảm bảo một không gian bất cứ người dân nào cũng có thể tìm đến nhau để tự giải quyết vấn đề mà họ quan tâm. Chỉ khi đó, mới mong giảm thiểu được những vấn đề như thực phẩm bẩn, tệ nạn trong bệnh viện, trường học.
20/11/2015 01:00 
* Lê Quang Bình

No comments:

Post a Comment