Lê Dung / SBTN-09/29/2015 - 22:11
Ủy ban thường vụ quốc hội Việt Nam vừa quyết định 'nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn' việc thông qua dự luật về hội - một dự án có đã trì hoãn đến 23 năm, tính từ Hiến pháp 1992 hiến định quyền người dân được tự do lập hội.
Hình ảnh "công đoàn độc lập sơ khai" của công nhân VN tổ chức đình công
Quyết định trên được đưa ra vào ngày 25/9/2015 bởi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Lý do ông Hùng biện dẫn là “còn có nhiều ý kiến khác nhau” về một số nội dung trong dự luật, trong đó có vấn đề về quy định “Hội có tư cách pháp nhân”.
Nhận định từ đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, thậm chí dự án luật này sẽ chỉ được “thảo luận” mà không được thông qua từ nay cho tới hết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa mười ba (2011-2016), tức có thể phải sang nhiệm kỳ tới của Quốc hội khóa 14.
Một nhà vận động cho xã hội dân sự ở VN - Tiến sĩ Nguyễn Quang A - cho rằng dự thảo luật về hội lần này “còn tồi hơn nhiều”, và dự thảo luật có tính “quản lý, khống chế” các hội đoàn của nhân dân, hơn là giúp thực thi quyền về lập hội của họ.
Chẳng khác chục năm trước, quá nhiều rào cản được trùng điệp dựng lên trong bản dự thảo Luật về Hội, trong khi lại phân biệt đối xử giữa các hội đoàn nhà nước với xã hội dân sự.
Với dự án Luật về hội của chính quyền VN, trên tất cả là mục tiêu ‘’siết’’ chính trị. Việc đưa ra quá nhiều quy định về giấy phép, những rào cản đăng ký, xin phép… chính là để ngăn cấm các hội đoàn xã hội dân sự độc lập ra đời.
“Họ tự thành lập và hoạt động với nhau, rất đông, như hội dân oan, hội khiếu kiện... Ta quản lý thế nào, hay để tự phát? Đã để tự do, không cấm, tạo mọi điều kiện hoạt động hội, thì nhà nước phải có cách quản lý tất cả các hội" - Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc. Quan chức này còn muốn luật phải quản lý được hết các hội, kể cả những hội không có pháp nhân.
Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng hội có hai mặt, trong đó mặt tiêu cực là đường dẫn xuất đến đa nguyên đa đảng, nên không được mơ hồ chỗ này, không nên áp dụng máy móc cách lập hội của các nước phát triển.
Công đoàn độc lập luôn bị chính quyền coi là một trong những “đường dẫn xuất” đó. Do vậy các công đoàn cơ sở tự lập của công nhân - nằm trong định chế Công đoàn độc lập của TPP - sẽ không thể đăng ký và được hoạt động, nếu chính quyền VN cố tình không ban hành Luật lập hội. Nếu không có luật này, dù chính quyền VN có tuyên bố chấp nhận công đoàn độc lập để được tham gia vào TPP, việc triển khai công đoàn độc lập của công nhân sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chờ “Luật về hội” được thông qua và ban hành.
Đây chính là điều mà những nhóm bảo thủ chính trị, và một số cơ quan công an luôn lo sợ “Công đoàn đoàn kết” hiểu quá rõ, nên đang tìm cách đình trệ vô thời hạn Luật về hội.
No comments:
Post a Comment