Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA- 2015-09-30
Những cửa hàng "Made in Vietnam" trên đường phố. Photo Ngoc Lan
Với viễn ảnh gia nhập Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP trong vài năm tới, Việt Nam hy vọng buôn bán tự do với một khu vực rộng lớn của 12 quốc gia có sản lượng bằng 40% của toàn cầu. Khi ấy, quy chế về thương hiệu được đặt ra. Đó là điều kiện ưu đãi chỉ áp dụng cho các hàng hóa hay dịch vụ chế tạo tại một quốc gia thành viên của khu vực TPP. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề xuất xứ chế tạo qua cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, kinh tế Việt Nam có cơ hội phát triển mới xuất phát từ hai chuyển động quốc tế. Một là Trung Quốc ở vào giai đoạn chuyển hướng với đà tăng trưởng thấp hơn và hết chiếm lĩnh ưu thế chế biến hàng tiêu dùng nhờ nhân công rẻ. Hai là Việt Nam sẽ cùng 11 nước khác gia nhập khu vực tự do thương mại Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Trước viễn ảnh đó, Việt Nam hy vọng thu hút đầu tư của nước ngoài để thành một công xưởng ráp chế hàng hóa phần nào thay thế thị trường Trung Quốc và bán cho các nước trong khối TPP dưới nhãn hiệu là “Hàng Việt Nam”. Nhưng mà nhìn từ giác độ của các thành viên TPP thì thế nào là “Hàng Việt Nam”? Vì câu hỏi này đang gây tranh luận ở trong nước, xin hỏi là ông người ta nên nghĩ sao về một giải đáp thỏa đáng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ rằng người ta sở dĩ tranh luận chỉ vì lầm lẫn về ngôn từ. Tôi xin được đi ngược lên khái niệm sản xuất để chúng ta cùng hiểu ra điều ấy.
- Khi thấy thị trường có một nhu cầu chưa được thỏa mãn mà mình muốn đáp ứng để kiếm lời thì trước hết phải có sáng kiến sản xuất ra loại hàng hóa giải quyết nhu cầu đó của thị trường. Yếu tố then chốt ở đây là “sáng kiến”, kế tiếp mới là bố trí sản xuất để từ đó có một sản phẩm hoàn tất. Việt Nam mà có sáng kiến và khả năng tổ chức để sản xuất thì sẽ có “Sản phẩm của Việt Nam” hoặc nói theo Anh ngữ là “Product of Vietnam”. Chỉ trong trường hợp đó ta mới gọi “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Hàng Việt Nam”.
- Yếu tố quyết định là sáng kiến và khả năng tổ chức để tìm ra kỹ thuật, thiết bị và nguyên vật liệu hầu sản xuất ra một mặt hàng trước đấy chưa có. Việt Nam chưa đi tới trình độ ấy, về cả sáng kiến lẫn tổ chức sản xuất, nên chưa thể có “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Hàng Việt Nam”. Đấy là chuyện có thể hiểu được, nhưng bị lãng quên vì cái bệnh tự ru ngủ và hài lòng với sự tầm thường.
- Vì chưa có khả năng, Việt Nam phải ăn theo thị trường. Hình thái nhỏ là khi thấy thiết bị đi động của nước ngoài ăn khách thì ta sản xuất các nhóm phụ kiện, như cho smart phone hay tablet của Mỹ và Đại Hàn, với giá rẻ mà phẩm chất và độ bền thì còn thua hàng phụ kiện của hãng chính hay của Trung Quốc. Khi mới bước vào loại hàng có kỹ thuật cao thì chỉ làm được như vậy mà thôi.
Yếu tố quyết định là sáng kiến và khả năng tổ chức để tìm ra kỹ thuật, thiết bị và nguyên vật liệu hầu sản xuất ra một mặt hàng trước đấy chưa có. Việt Nam chưa đi tới trình độ ấy, về cả sáng kiến lẫn tổ chức sản xuất, nên chưa thể có “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Hàng Việt Nam”Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Lên một trình độ khác thì xem xứ khác đang kiếm tiền bằng cách nào ta cố bắt chước, là khai thác sáng kiến của người khác để tham gia vào tiến trình sản xuất. Đa số các quốc gia đang phát triển đều ở vào trường hợp đó là khai thác sáng kiến của các nước tiên tiến để góp phần thỏa mãn một nhu cầu của thị trường. Yếu tố then chốt ở đây là “góp phần”.
Nguyên Lam: Khi ông nói “góp phần” thì người ta phải tìm hiểu xem là đóng góp chừng nào và cái phần nào trong sản phẩm là của mình và phần nào là của người khác, của nước khác. Thưa ông có phải là như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy và khi ấy ta cần nhìn qua lĩnh vực kế toán.
- Về mặt thương mại, ta biết giới tiêu thụ thường ưa mặt hàng xuất phát từ các quốc gia nổi tiếng. Thí dụ như trang phục xa xỉ đắt tiền mà có nhãn hiệu là “Hàng Pháp” hay “Sản phẩm của Pháp” hoặc “Chế tạo tại Pháp” thì được chiếu cố hơn hàng của Thái Lan chẳng hạn, nên có thể bán cao giá hơn. Thí dụ kia là hàng công nghệ cao của Mỹ, Nhật, Hàn. Khi ấy, vấn đề của quốc gia xuất xứ được đặt ra. Đó là quy chế về “quan thuế” mà Việt Nam cứ gọi sai là “hải quan” vì nhiều cửa quan như phi cảng Tân Sơn Nhất hay Nội Bài chẳng là hải cảng. Theo quy chế này, chỉ được phép gọi là Hàng của Pháp, của Mỹ hay của Nhật Bản, Đại Hàn nếu các nước đó góp phần sản xuất tới hơn 50% của giá thành khi xuất xưởng. “Giá xuất xưởng” là một khái niệm kế toán được các nước cùng chấp nhận và tín nhiệm dù đây đó tại Việt Nam thì vẫn có gian lận.
Nguyên Lam: Nguyên Lam bắt đầu hiểu diễn tiến suy luận của ông. Giả dụ như hãng Samsung của Đại Hàn có sáng kiến về loại điện thoại cao cấp và tổ chức việc sản xuất sao cho có lợi nhất, với giá rẻ mà phẩm chất cao, thì họ có thể thiết lập cơ xưởng ráp chế tại Việt Nam hay Malaysia. Với công nghệ và thiết bị Hàn quốc, phụ tùng hay phụ kiện của Nhật Bản dưới sự quản lý của kỹ sư Đại Hàn để điều khiển nhân công Việt Nam hoặc Mã Lai sản xuất ra điện thoại có nhãn hiệu là “Sản phẩm Đại Hàn”. Trong suốt tiến trình này, từ nguyên vật liệu lên hàng bán chế phẩm rồi sản phẩm hoàn tất được đóng hộp để bán ra ngoài thì nhiều quốc gia có thể tuần tự góp phần, nhưng phần chính, hơn phân nửa của giá xuất xưởng, là của Hàn quốc. Thưa ông, có phải là phương pháp kế toán mới lần lượt bút ghi tiến trình tích lũy giá trị của sản phẩm hay không?
Áo quần giày dép của Việt Nam với phần đóng góp chủ yếu là của Trung Quốc. Loại sản phẩm đó không thể nào lọt qua ải TPP dù có dán nhãn là “Hàng Việt Nam” vì các thành viên đều truy lên quốc gia xuất xứ không phải là Việt NamNguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa vâng và khi ấy, khái niệm “góp phần” hay “trị giá gia tăng” mới được đặt ra. Trong thế giới gọi là “toàn cầu hóa” ngày nay, còn rất ít sản phẩm là do một xứ sản xuất nguyên vẹn 100% mà thường là kết quả của nhiều nước cùng tham gia. Vấn đề chính là nước nào quyết định, căn cứ trên cái gì? Nếu năng suất hoặc tay nghề của nhân công Việt Nam mà kém nhân công Mã Lai chẳng hạn thì Samsung có thể dời hãng xưởng mà vẫn có “Sản phẩm Đại Hàn” nhưng ráp chế tại Mã Lai thay vì ráp chế tại Việt Nam. Khi ấy ta mới cần phân biệt các mặt hàng gọi là “Product of Vietnam”, với “Made in Vietnam” hay “Manufactured in Vietnam”, tức là “Sản phẩm của Việt Nam” khác với “Chế tạo hay Ráp chế hoặc Chế biến tại Việt Nam”.
- Việt Nam mới ở vào trình độ góp phần ráp chế hay chế tạo thôi. Khi Bộ Công Thương của Hà Nội hãnh diện về Sản phẩm của Samsung dán nhãn “Hàng Việt Nam” thì họ bị hoang tưởng hoặc nhập nhằng về quy chế thương hiệu. Đấy chỉ là “Sản phẩm Đại Hàn” với phần đóng góp của Việt Nam chưa tới 50%. Trường hợp tương tự chính là áo quần giày dép của Việt Nam với phần đóng góp chủ yếu là của Trung Quốc. Loại sản phẩm đó không thể nào lọt qua ải TPP dù có dán nhãn là “Hàng Việt Nam” vì các thành viên đều truy lên quốc gia xuất xứ không phải là Việt Nam.
Nguyên Lam: Nói về viễn ảnh gia nhập khu vực Xuyên Thái Bình Dương TPP, giới đầu tư quốc tế đã nhìn vào thị trường Việt Nam như một cơ hội mới, thí dụ trong các ngành may mặc áo quần, để “Hàng Việt Nam” được ưu đãi về quan thuế khi bán cho 11 nước kia. Nhưng khốn nỗi trong cấu trúc Hàng Việt Nam ấy thì phần đóng góp của Trung Quốc lại chiếm đa số vì Việt Nam chưa có nguyên nhiên vật liệu và nhiều phụ tùng lắt nhắt, từ cái khóa trên áo hay sợi dây của đôi giày nên cứ phải nhập từ Trung Quốc. Thưa ông, làm sao mình có thể giải quyết vấn đề ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi từ chuyện xa đến chuyện gần thì dễ thấy toàn cảnh. Năm 1980 Bộ Công Thương Quốc Tế MITI của Nhật, nay là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp METI, lập ra Viện Khoa học Công nghiệp và Thuật lý (Agency of Industrial Science and Technology) AIST có nhiệm vụ phối hợp hoạt động của 16 trung tâm nghiên cứu trên toàn quốc với ngân sách rất cao để nghiên cứu và thực hiện 25 dự án ưu tiên nhằm giải quyết vấn đề tài nguyên và sản xuất và giữ vị trí khoa học tiên tiến cho Nhật. Cho đến nay, dù có sản lượng kinh tế đứng hạng ba, Nhật vẫn có ngân sách nghiên cứu và phát triển hạng nhất nên tiếp tục có những sáng kiến tiên tiến.
- Gần với chúng ta hơn thì năm 1966, khi kinh tế Nam Hàn còn thua kinh tế miền Nam Việt Nam, họ đã đề ra hướng phát triển công nghiệp cho 20 năm sau của ba lớp kỹ nghệ. Ba lớp đó là 1/ các ngành phôi thai non yếu như thép, đóng tầu, phân bón và ráp chế điện tử, 2/ các ngành có khả năng cạnh tranh là dệt sợi, áo quần hay giày dép – như Việt Nam ngày nay - và lớp 3/ là các ngành có thể tự túc. Cứ mỗi năm năm thì sự yểm trợ của nhà nước và các tập đoàn sản xuất của tư nhân phải nâng ngành ở lớp dưới lên lớp trên. Tiêu chí của họ là phải bắt kịp và vượt Nhật trên thị trường xuất khẩu. Kết quả là nửa thế kỷ sau, là ngày nay, sản phẩm Đại Hàn như xe hơi hay điện thoại đang chiếm thị phần rất cao trên trường quốc tế của Mỹ, Nhật, Âu.
Nhắc đến kỹ nghệ đóng tầu của Đại Hàn, 20 năm trước còn là phôi thai mà sau đó đã vượt Nhật Bản, còn VN thì 10 năm trước mới sinh ra hiện tượng Vinashin với kết quả tồi tệ ra sao thì ta đã rõ. Một tập đoàn kinh tế nhà nước có sự yểm trợ mọi mặt của nhà nước mà còn vậy thì làm sao tư doanh VN có thể cạnh tranh với nhà nước và với quốc tế sau này?Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Trong suốt tiến trình đó, hai nước đang dẫn đầu Đông Á vốn có ít tài nguyên và nhân lực nội địa đã phát huy sáng kiến và tổ chức để tìm nguồn cung cấp nguyên vật liệu và lao động. Họ lập ra chu trình cung cấp và điều hướng việc đầu tư ra ngoài để dùng bắp thịt và vật liệu của xứ khác. Nếu nhớ lại thì ta tự hỏi rằng trong những năm đó, Việt Nam làm gì và nghĩ gì để ngày nay đi mua vật liệu của Trung Quốc và bán bắp thịt của mình nhờ lương rẻ hầu có phần đóng góp rất nhỏ?
Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày kinh nghiệm của các nước đi trước thì việc có được “Sản phẩm Việt Nam” thay vì chỉ có “Sản phẩm Ráp chế tại Việt Nam”, người ta cần khởi sự từ cái đầu, từ khả năng phát huy sáng kiến và tổ chức. Mà có phải là khả năng đó đòi hỏi tầm nhìn dài hạn của giới lãnh đạo kinh tế và doanh nghiệp hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng như vậy và tôi nhắc đến kỹ nghệ đóng tầu của Đại Hàn, 20 năm trước còn là phôi thai mà sau đó đã vượt Nhật Bản, còn Việt Nam thì 10 năm trước mới sinh ra hiện tượng Vinashin với kết quả tồi tệ ra sao thì ta đã rõ. Một tập đoàn kinh tế nhà nước có sự yểm trợ mọi mặt của nhà nước mà còn vậy thì làm sao tư doanh Việt Nam có thể cạnh tranh với nhà nước và với quốc tế sau này? Nếu ta có thấy “Hàng Việt Nam” trong loại phụ kiện cho Samsung hay Apple mà chỉ có ưu thế rẻ tiền mà chóng hư thì mình hiểu ra nguyên do sâu xa của vấn đề.
- Sau cùng, ta chẳng nên quên rằng trong hai chục năm qua, công nghệ của thế giới cũng thay đổi nên phí tổn sản xuất của nguyên vật liệu như tơ sợi hay hàng dệt giảm mạnh, với phần đóng góp ít hơn của nhân công và nhiều hơn của thiết bị máy móc. Vì vậy, Việt Nam nên nhìn xa vào đó để tìm nguồn sản xuất và cung cấp khác ngoài Trung Quốc hầu khai thác được lợi thế về thuế khóa của hệ thống TPP. Chỉ với tinh thần đó thì mình mới có “Hàng Việt Nam” đích thực. Yếu tố then chốt ở đây là tinh thần, là tầm nhìn. Chưa khắc phục được bài toán ấy thì mình chỉ đi làm hàng nhái, hàng giả và “Made in Vietnam” vẫn đồng nghĩa với hàng rẻ mà chẳng bền!
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài học thấm thía này.
No comments:
Post a Comment