Dân trí Đến hôm nay 18/9, mưa đã tạm ngớt, tuy nhiên, nhiều địa phương tại Thanh Hóa vẫn đang ngập chìm trong nước lũ. Hàng trăm nhà dân bị ngập nước, nhiều diện tích lúa, hoa màu của dân bị hư hại gây thiệt hại lớn về sản xuất của nhân dân.
Thống kê từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, từ đêm ngày 14/9 đến 7h ngày 18/9, lượng mưa phổ biến từ 200mm đến 300mm; một số nơi mưa lớn hơn như: Cẩm Thủy 375mm, Bát Mọt 346mm, Cửa Đạt 326mm…
Nhà dân tại huyện Thạch Thành bị ngập nước.
Do mưa lớn nên mực nước các sông lên nhanh và ở mức cao. Hồi 8h ngày 18/9, mực nước lũ trên các triền sông như: Trên sông Mã, tại trạm Thủy văn Lý Nhân là 9,41m (thấp hơn báo động I là 0,09m), mực nước thượng nguồn tại Hồi Xuân đạt đỉnh lúc 20h ngày 17/9 là 58,75m (thấp hơn báo động I là 1,13m); trên sông Bưởi tại trạm thủy văn Kim Tân là 10,44m (trên báo động I là 0,44m); trên sông Cầu Chày tại trạm thủy văn Xuân Vinh là 7,64 cm (dưới báo động I là 0,36m). Mực nước sông Bưởi, sông Cầu Chày và hạ lưu sông Mã vẫn tiếp tục lên nhanh.
Tại huyện Như Xuân, mưa lớn đã làm ngập khoảng 50 ha chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, nhiều hộ dân của xã Thanh Lâm đã bị nước lũ cô lập, huyện Như Xuân đã phải cử lực lượng vào di chuyển người và tài sản của các hộ dân đến nơi an toàn.
Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập nước ảnh hưởng đến giao thông đi lại
UBND huyện Như Xuân đã yêu cầu người dân các vùng núi có nguy cơ lở đất, lũ ống chủ động di dời đến nơi an toàn. Huyện cũng phân công các cán bộ xuống cơ sở chỉ đạo công tác phòng tránh và khắc phục hậu quả mưa lụt. Lực lượng chức năng như công an, dân quân, đoàn thanh niên các xã cũng được huy động gác ở các tràn nguy hiểm, không cho người và phương tiện qua lại khi chưa bảo đảm an toàn.
Ngày 17/9, khu vực trung tâm của xã Mai Lâm bị ngập nặng, nhiều cơ quan như: UBND xã, trạm y tế xã… phải tạm ngừng hoạt động. Khu tái định cư tại xã Hải Yến cũng ngập cục bộ.
Các địa phương tích cực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia đã phân công lãnh đạo các ban, ngành xuống cơ sở chỉ đạo khắc phục tình hình. Tập trung tiêu úng các vùng ngập lụt; huy động các phương tiện, điều kiện giúp bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa; chỉ đạo các xã cho thu hoạch một số vùng nuôi trồng thủy sản. Đến sáng ngày 18/9, nhiều vùng bị ngập lụt cơ bản đã tiêu thoát được nước.
Hiện nay, tại huyện Thạch Thành, mặc dù mưa đã ngớt, tuy nhiên, nhiều khu vực ở các xã như: Thành Trực, Thạch Bình, Thạch Sơn, Thạch Định vẫn bị nước lũ bao vây. Tại địa phương này 529 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn do ngập lụt. Hiện tại, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đang bị ngập sâu trong nước, giao thông đi lại rất khó khăn.
Nhiều tài sản của người dân bị ngập trong nước
Trạm y tế xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia bị nước lũ bao vây
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và các ngành huy động tối đa lực lượng lao động và phương tiện để thu hoạch ngay diện tích lúa mùa đã chín từ 80% trở lên; chủ động tiêu thoát nước đối với vùng lúa mùa đã chắc xanh; có phương án tiêu úng bảo vệ cho diện tích lúa mùa còn lại ở khu vực trũng thấp và diện tích cây vụ Đông đã gieo trồng khi có mưa lớn gây ngập lụt; cảnh báo dân cư sống ở vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất biết thông tin để chủ động phòng ngừa, ứng phó, đồng thời kiểm tra, rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân; kiểm tra, rà soát các phương án bảo đảm an toàn hồ đập; bố trí lực lượng để cảnh báo và hướng dẫn giao thông qua các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt; triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động; rà soát, kiểm tra và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn; thông báo cho nhân dân sống vùng ngoại đê biết để chủ động sơ tán khi mực nước lên cao…
Nhiều địa phương ở huyện Thạch Thành vẫn mênh mông nước
Do mưa lớn nên mực nước các sông, suối lên nhanh, từ trưa ngày 17/9 các huyện Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành đã chỉ đạo sơ tán dân sinh sống ở ven suối, dọc bờ sông Mã, sông Bưởi có nguy cơ bị ngập. Đã có 671 hộ dân được sơ tán đến nơi an toàn. Đồng thời đã di dời 8 hộ dân ở huyện Cẩm Thủy và Thạch Thành bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Ngành giao thông phối hợp các địa phương cử người kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn và các điểm bị ngập.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, mưa lũ đã gây thiệt hại về tài sản và ngập lụt các hộ dân ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Sơn, Thạch Thành, Mường Lát, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia.
Đã có những thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra. Cụ thể, có 671 hộ dân và các công trình trường học, trạm y tế bị ngập nước. Diện tích lúa mùa bị ngập: 1.138 ha; diện tích mía bị đổ: 355 ha; diện tích ngô, cây trồng vụ Đông bị ngập, hư hỏng: 1.294ha; hoa màu bị ngập, hư hỏng (lạc, đậu các loại): 69ha; rau các loai bị ngập: 90 ha; ao cá bị tràn: 49 ha; gia súc (lợn), gia cầm bị chết: 330 con.
Trang trại của người dân bị ngập nước
Quốc Lộ 15C đi qua xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bị sạt 1 điểm; quốc Lộ 217 trên địa bàn huyện Quan Sơn bị ngập tại Km 31+107 (cầu Phà Lò) và sạt lở tại 2 điểm, gây ách tắc giao thông... Hiện nay, tại các điểm trên nước đã rút, giao thông trở lại bình thường. Riêng tại cầu Phà Lò phía hạ lưu cầu bị sạt lở, hiện đang tổ chức khắc phục, dự kiến hoàn thành trong ngày 18/9. Ngoài ra, một số công trình hồ đập nhỏ ở các huyện miền núi bị sạt lở .
Trước tình hình trên, các huyện đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả; các đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, dọn dẹp, tu sửa nhà cửa ở những khu vực nước rút.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cử 6 đoàn công tác xuống các huyện để chỉ đạo, đôn đốc thu hoạch lúa mùa đã chín; tập trung tiêu úng bảo vệ diện tích lúa, hoa màu và cây trồng vụ đông bị ngập.
Mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về sản xuất của người dân ở nhiều địa phương.
Duy Tuyên-Thứ Sáu, 18/09/2015 - 16:17
No comments:
Post a Comment