Chân Như, phóng viên RFA-2015-08-12
Tượng đài Hồ Chí Minh được làm bằng hợp kim đồng có chiều cao là 7,2 m được đặt trước mặt UBND TPHCM. Screenshot
Trong suốt những tuần lễ vừa qua, sự việc bỏ ra 1 ngàn 400 tỷ đồng để xây tượng đài HCM ở tỉnh Sơn La là đề tài được báo chí trong và ngoài nước nhắc đến, nhân sự kiện này, diễn đàn bạn trẻ kỳ này cũng xin góp thêm một phần vào sự kiện này cùng với những chia sẻ nhận định của một số các bạn trẻ của cả hai miền Nam Bắc
Chân Như: Chào các bạn, trong những tuần vừa qua sự việc phó thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt chính phủ, ký văn bản số 2124 chấp thuận cho tỉnh Sơn la xây dượng tượng đài “HCM với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” đang xôn sao dư luận, đa số người dân và chính các bạn đây cũng không bằng lòng về dự án 1 ngàn 400 tỳ đồng này, vì sao? Và trong các bạn đây thì các bạn biết gì về tỉnh Sơn La?
Cường: Theo em biết (Sơn La) nằm trong top 10 các tỉnh nghèo trên đất nước. Chỉ số năng lượng cạnh tranh của Sơn La chỉ đứng số 49 trên 63 tỉnh thành, và tỉ lệ nghèo và cận nghèo xấp xỉ 50%. Theo như em tìm hiểu thì Sơn La có tận 12 dân tộc và tầm hàng nghìn bản xã, thu nhập khoảng 22 triệu đồng một năm cho 1 người.
Thành: Em nghĩ Sơn La là một trong những tỉnh nằm trong diện nghèo, đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn và cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Khi em cũng được mục sở thị ở trên đó thì đa phần các em dân tộc thay vì được đi học thì các em phải đi làm những việc người lớn như chăn trâu. Đó là những điều em biết. Số tiền 1 ngàn 400 tỷ để xây tượng là số tiền lớn. Với số tiền đó thì có thể dùng vào những mục đích tốt hơn như xây trường học, cơ sở y tế, các con đường, cầu nối cho dân. Đó mới là điều thiết thực và nhân dân cần. Em nghĩ không nên xây tượng bác.
Thảo: Sơn La là tỉnh miền núi và em cũng là người lớn lên ở một tỉnh miền núi tương tự như vậy nên em hiểu được cuộc sống của những người ở những miền núi xa xôi họ vất vả như thế nào. Do vậy, việc ký một dự án chi ra 1 ngàn 400 tỷ đồng để xây một cái tượng đài mà không có giá trị gì thì nó vô cùng là lãng phí trong khi người dân cần những thứ khác hơn như cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc sử dụng tiền như vậy là vô cùng lãng phí và em hoàn toàn không ủng hộ dự án này.
Duy: Như 3 bạn ở phía Bắc vừa chia sẻ, nhìn tổng quan Sơn La là tỉnh nghèo và có rất nhiều số liệu mà mình không muốn nhắc lại nữa. Tuy nhiên, điều đáng nói tức là sau khi dự án đã được phê duyệt, khi bị dư luận phản đối, tỉnh Sơn La đã tự động giải trình theo một phương hướng khác, rút lại số tiền, chỉ xây dựng tượng đài thôi là khoảng 200 tỷ và 1 ngàn 400 tỷ thì họ vẫn chưa giải trình một cách thấu đáo là họ sẽ chi vào những hạng mục nào. 1 ngàn 400 tỷ hay chỉ 200 tỉ thì số tiền này cũng là quá nhiều so với kinh phí xây dựng một công trình mà không cấp thiết vào thời gian này. Nhất là trong bối cảnh nợ công đang gia tăng nhanh và thâm thủng ngân sách như hiện nay. Đặc biệt, tỉnh Sơn La lại là một tỉnh nghèo thì việc sử dụng ngân sách của nhà nước hay là của tỉnh để chi vào một công trình mà không có tính cấp thiết cao như vậy thì sẽ giải quyết được những vấn đề nào ngoài chuyện là làm trầm trọng hơn những tình trạng nghèo và thiếu đói của người dân ở tỉnh Sơn La nói riêng.
Chân Như: Theo các bạn thì Sơn La là một trong những tỉnh nghèo nhất tại Việt Nam, thì thiết nghĩ, khi nhà mình còn chật vật chạy ăn từng bữa, nhà cửa xiêu vẹo, thì rõ ràng là không thể nghĩ đến việc dựng một hòn non bộ to đùng trước sân nhà để ngắm. vậy các bạn là người dân đang sống trong nước, các bạn có thể nào lý giải được việc làm này của chính phủ hay không?
Thành: Hầu như các thông tin bọn em cũng chỉ được đọc và nghe trên báo chí và rồi có những nhận định riêng của mình thôi. Chẳng hạn, việc em là người đóng thuế cho ngân sách nhà nước thì bản thân em cũng chỉ biết khi báo chí đưa tin. Điều này có nghĩa là người dân chưa được tham gia vào việc sử dụng ngân sách nhà nước. Em nghĩ cần phải thay đổi điều này. Nhân dân có quyền tham gia và giám sát để việc sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu quả hơn tốt hơn và không phí phạm chứ còn bây giờ thì chưa có quan điểm cụ thể nào để nói lên điều này cả.
Cường: Cũng như anh Thành chia sẻ thì đây chỉ là việc được nghe, đọc và tất cả chỉ là ý kiến cá nhân. Em cũng cảm thấy vấn đề khi mà đưa lên gặp phải làn sóng phản ứng rất dữ dội chứ việc này chưa hề được thông qua trước toàn dân. Ngay cả người dân tỉnh Sơn La ngay chính họ phát biểu về việc là “chúng tôi chả thấy làng xóm chung quanh có ai bảo là có nhu cầu cần đến tượng đài Hồ chủ tịch ở đây cả”
Thảo: Em nghĩ rằng dự án này cũng giống như một số các dự án khác được vẽ ra để giải ngân. Em không tin tưởng vào sự minh bạch của các dự án. Đấy là về phía thực hiện dự án; Còn về bản thân dự án nó cực kỳ là lãng phí mà nó thể hiện sự vô trách nhiệm của những người lãnh đạo.
Duy: Việc lý giải về chuyện bỏ ra 1 ngàn 400 tỷ để xây dựng tượng đài và khu vực quần thể các công trình xung quanh tượng đài hiện bây giờ vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng về mặt chủ trương thì với số tiền lớn như vậy đã được thông qua, tức là họ đã không làm đúng theo quy trình từ việc thẩm định: từ việc lấy ý kiến của người dân cho tới việc đưa ra quyết định một cách rất vội vã. Tôi thấy quy trình để đề xuất và thông qua một dự án và đặc biệt là dự án có vốn đầu tư rất lớn và không phải là một dự án nước ngoài tài trợ thì cơ chế giám sát của tỉnh hiệu quả sẽ thấp. Và quy trình này hầu như không được minh bạch và đã được ai đó quyết định ở trên một cái bàn giấy hay sau một văn phòng đóng kín cửa mà không có tiếng nói của người dân.
Chân Như: Nhưng, theo phó chủ tịch hội quy hoạch và phát triển đô thị VN, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng “không nên đặt vấn đề xây tượng như thế là đắt hay rẻ, trươc khi phán xét, cần phải nhìn tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển. Không thể nói rằng vì nhiều người còn đói nên để tiền đó mua cơm trước. Đôi khi văn hóa phải đi trước” . Các bạn nhận xét sao về phát biểu này liệu không có thực người ta có vực được văn hóa hay không?
Thành: Nếu là em, em sẽ bác bỏ ngay, cá nhân em nghĩ bức tượng lớn nhất và khó lay chuyển nhất đó là bức tượng trong lòng dân. Không phải xây một bức tượng với một mức phí khổng lồ như thế rồi nói rằng là đại diện tỉnh cảm nhân dân rồi tạo công ăn việc làm nói lên văn hóa. Dân mình có 4000 năm văn hiến lịch sử,đó là văn hóa chứ không phải xây tượng ông Hồ rồi nói đó là văn hóa; Cũng như anh vừa nói có thực thì mới vực được đạo:việc xây tượng này quá xa vời thực tế, và không có cơ sở nào để chứng minh điều đó là văn hóa cả. Bây giờ chúng ta có thể quay lại nhìn một chút tượng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng xây với mức phí 411 tỷ thì bây giờ nó ra sao và như thế nào chắc mọi người và quý thính giả cũng đã biết rồi.
Cường: Theo ý kiến của em, những tượng đài từ trước đến giờ mình xây cũng không phải ít. Nếu nâng tầm lên để gọi là nét văn hóa gì đó mà thực chất chỉ là tượng bác Hồ và em thấy có những báo đưa tin là 2030 có đến 58 dự án để xây dựng tượng bác Hồ thì em không biết đây là hành động tôn giáo hay là cái hành động mang tính chất chỉ là văn hóa. Bởi, người ta biết đến Việt Nam không phải hình ảnh bác Hồ, mà đã nói đến văn hóa Việt Nam là nói truyền thống dân tộc truyền thống chống giặc cứu nước có liên quan đến rất nhiều các anh hùng chứ không phải chỉ một mình Hồ chủ tịch. Và tiếp theo nữa là về cuộc sống. Khi cuộc sống chúng ta quá là khổ cực rồi thì em nghĩ chúng ta nên nâng cao giá trị cuộc sống của người dân hơn là việc xây lên các tượng đài. Nếu nói về du lịch thì người nước ngoài đến Việt Nam chắc là không chỉ để đi khắp các tỉnh thành để ngắm đủ số lượng tượng bác Hồ.
Thảo: Ý kiến của em thì em thấy câu nói này là một câu nói nó là một sự ngụy biện ghê gớm. Nó không chính xác. Em không bàn đến chuyện là nội dung nói này nó có chính xác hay không. Tuy nhiên, để đưa ra được một câu nói thì nó cần phải có những nghiên cứu cụ thể. Trong khi đó,những con số về tỉ lệ nghèo, tỉ lệ đói ăn và tỉ lệ thiếu trường học, tỉ lệ thiếu bệnh viện là những con số cụ thể và thiết thực là câu trả lời chính xác nhất. Việc một ông nào đó nói ra một lời chung chung như vậy và ông ta cho rằng như thế thì mới đúng thì nó không phải là sự thật nó là một sự ngụy biện.
Duy: Có một so sánh khá thú vị mà tôi có dịp đọc ở trên mạng thì người ta so sánh là tại sao ở đất nước Singapore, GDP hơn gấp đôi Việt Nam vào năm 2014 và dân số chỉ có khoảng 5,5 triệu người trong khi ở Việt Nam thì GDP chỉ bằng 1 phần 2 Singapore, dân số đến 90 triệu người, nhưng có tới hàng trăm tượng của HCM chưa tính những lãnh đạo của CSVN khác; Trong khi Singapore thì không có một tượng của Lý Quang Diệu, nhà lập quốc của Singapore. Đây là một so sánh khá thú vị để nói lên chuyện liệu tượng đài có ảnh hưởng gì tới việc phát triển văn hóa hay tạo động lực để phát triển kinh tế của một quốc gia hay không, chứ chưa nói đến một tỉnh nghèo như Sơn La. Tự hồi nào đến giờ, người ta cứ nghĩ muốn tạo động lực phát triển thì trước hết phải xây cơ sở hạ tầng, tức là điện, trường, đường, trạm, chứ chưa có nghe nói tới xây tượng đài để làm động lực phát triển. Cho nên đây là một câu nói tôi nghĩ nói để lấy được thôi.
Chân Như: Là những người đóng thuế cho ngân sách nhà nước, các bạn có quan điểm thế nào về việc sử dụng ngân sách? Là những người trẻ, sau này sẽ lèo lái đất nước thì các bạn nghĩ các bạn sẽ cần phải làm gì hơn nữa để tiếng nói của các bạn được chính quyền lắng nghe nhiều hơn?
Thành: Như em cũng đã nói thì việc cần phải thay đổi đó là nhân dân phải có quyền tham gia giám sát về việc sử dụng ngân sách nhà nước cho hiệu quả hơn. Trên một cương vị là một người trẻ cũng là một người lèo lái đất nước sau này thì em nghĩ rằng những vấn đề khó khăn nhất hiện tại với các bạn trẻ ở Việt Nam đó là các bạn ấy cũng chưa có tìm hiểu quan tâm về mặt thông tin nhiều. Bản thân em cũng chỉ mong muốn có một tiếng nói để cho các bạn trẻ biết để các bạn quan tâm hơn về những vấn đề như thế này để tạo nên một làn song, tiếng nói đối với cả chính quyền cho các nhà lãnh đạo có một sự lắng nghe hơn. Em nghĩ nên như thế trong bước khởi điểm.
Cường: Đúng như anh Thành nói, thông tin không được truyền đạt rộng cho tất cả mọi người. Đôi khi các bạn (trẻ) cũng không hề có một chút gì quan tâm đến. Em nghĩ là giới trẻ và những người có thể tiếp xúc được trước thì em nghĩ tất cả đều nên lên tiếng. Lên tiếng để cho những người khác nhìn thấy và cùng lên tiếng để cho chính phủ, cho các nhà cầm quyền họ nhìn thấy vấn đề là người dân có biết và có phản ứng và cần phải thay đổi.
Thảo: Ý kiến của hai bạn tương đối đầy đủ rồi em chỉ bổ sung thêm một chút là có nhiều người họ cũng có thông tin rồi thế nhưng trong lòng họ không tin tưởng rằng việc lên tiếng có thể thay đổi được điều gì đó. Theo em, thói quen suy nghĩ này nên phải dẹp bỏ, bởi vì mỗi người lên tiếng một chút thì sẽ giúp thay đổi được rất nhiều,và như vậy chúng ta phải thay đổi từ tư duy của bản thân mình trước.
Duy: Mới đây văn phòng chính phủ đã có một công văn đề nghị lãnh đạo tỉnh Sơn La phải giải trình về đề án hàng ngàn tỉ này. Đây cũng là một kết quả tốt tức là mọi người đặc biệt là giới trẻ hay công luận nên lên tiếng phản đối công khai nhưng trong ôn hòa, với lập luận lý lẽ để củng cố cho ý kiến của mình để làm cho tiếng nói đó được lắng nghe nhiều hơn. Đó là cách hành xử một cách rất là bình thường và việc bạn có ý kiến để sử dụng số tiền thuế mà bạn đóng và bạn có trách nhiệm để bảo vệ số tiền để đảm bảo số tiền đó được sử dụng sao cho hiệu quả nhất sao cho phục vụ lợi ích của cộng đồng và cho chính bạn nhất. Mình nghĩ đó là quyền của mỗi công dân và người ta có quyền nêu ý kiến về chuyện là người ta sẽ sử dụng tiền mình đóng cho ngân sách hiệu quả tới đâu và sử dụng như thế nào.
Xin cám ơn Thành, Cường, Thảo và Duy đã dành thời gian đến với chương trình.
No comments:
Post a Comment