Hoà Ái, phóng viên RFA-2015-08-12
32 mẫu phác thảo tượng đài Hồ Chí Minh được trưng bày từ năm 2013 tại UBND TPHCM- Báo NLD
Trong xu thế khắp các tỉnh, thành cả nước VN, chính quyền địa phương đua nhau xây tượng đài và mới đấy nhất dự án tượng đài Bác Hồ 1400 tỷ ở tỉnh Sơn La vừa được thông qua gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong công chúng. Tìm hiểu về góc độ văn hóa, liệu rằng việc xây dựng tượng đài trong bối cảnh hiện tại có còn phù hợp?
Hòa Ái có cuộc trao đổi ngắn với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Lý luận và Ứng dụng thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, xoay quanh vấn đề vừa nêu. Mời quý thính gải cùng nghe.
Hòa Ái: Xin chào Giáo sư Trần Ngọc Thêm. Thưa Giáo sư, trước hết, câu hỏi của Hòa Ái về nét văn hóa đúc tượng, xây tượng đài của người Việt bắt đầu xuất hiện từ khi nào trong lịch sử VN?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Nền văn hóa VN, theo như cách định danh và phân loại của tôi thì thuộc loại nền văn hóa âm tính. Khu vực ĐNA là khu vực trồng lúa nước nên văn hóa rất âm tính, thiên về tinh thần hơn thiên về vật chất, thiên về văn hóa nghe, nói hơn là văn hóa nhìn. Vì vậy, trong lịch sử VN văn chương rất phát triển còn hội họa thì ngược lại. Đối với phương Tây thì hội họa, tượng đài, kiến trúc rất phát triển. Ở VN thì tượng đài rất gần đây thôi, đặc biệt từ khi người Pháp đến thì mới bắt đầu có xây dựng một số tượng đài chổ này, chổ kia, chổ khác. Thời kỳ xã hội chủ nghĩa thì ảnh hưởng theo Liên Xô cũng có thêm một số tượng đài nữa. Và trong giai đoạn cuối, giai đoạn sau của thời kỳ đổi mới thì việc xây dựng tượng đài bắt đầu ồ ạt. Văn hóa VN có một đặc điểm khác, tức là tính cộng đồng, rất hay theo nhau, thấy chổ này làm điều gì hay thì chổ khác làm theo. Trong lịch sử VN có rất nhiều những phong trào như vậy. Giai đoạn hiện nay khi phong trào phần nhiều phát triển tới mức độ cao thì lại chuyển sang làm hỏng, tiêu cực.
Việc đồng thời xây dựng kinh tế thì xây dựng văn hóa, xây dựng cái này cái khác là cần thiết. Tất nhiên tượng đài cũng cần nhưng có mức độ thôi, nghĩa là quy hoạch như thế nào chứ không phải xây dựng tràn lan. Hiện nay có vẻ như tràn lan rồi. Số lượng quá nhiềuGiáo sư Trần Ngọc Thêm
Hòa Ái: Theo như nhận xét của Giáo sư là do phong trào xây tượng đài hiện đang phát triển với mức độ cao đã gây ra chiều hướng tiêu cực. Có phải vì tính chất tiêu cực ngày mỗi một trầm trọng hơn đến nỗi cả đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Sơn La và thêm 14 tượng đài nữa ở các địa phương khác cho đến năm 2030 cũng bị dư luận trong nước phản đối?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Tượng đài chỉ đơn thuần là một hình tượng thôi. Và đối với đại đa số người VN thì Bác Hồ là một hình tượng như vậy. Chúng ta có thể nhớ lại ở ngay miền Nam trong hoàn cảnh còn đang chiến tranh ở những vùng của chính quyền VNCH quản lý, trong những vùng của người Mỹ thì sau khi Bác Hồ mất nhiều nơi người ta tự giác, tự nguyện làm những đề thờ Bác Hồ và người ta hy sinh xương máu để bảo vệ những đền thờ này. Đây là một ví dụ để cho thấy thôi. Như vậy, hiện nay trong số các tượng đài thì hình tượng Bác Hồ có không phải là ít. Vả lại xây dựng tượng đài không nhất thiết quy mô phải thật to, phải cao bao nhiêu mét, nặng bao nhiêu tấn…thì mới là tượng đài. Tượng đài có thể to, có thể nhỏ nhưng căn bản phải phù hợp với không gian, phải có hình tượng độc đáo, hình tượng đẹp với mức kinh phí hạn chế hơn nhưng vẫn có thể đạt được hiệu quả.
Hòa Ái: Nhiều ý kiến của dân chúng cho rằng VN đang trong bối cảnh gánh nặng nợ công, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đời sống an sinh xã hội của người dân còn ở mức thấp...Cho nên Nhà nước không cần thiết xây dựng dựng các tượng đài như hiện nay. Xét về góc độ văn hóa, ý kiến của Giáo sư như thế nào?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Tôi nghĩ không hẳn hoàn toàn như vậy. Là thế này, cùng với việc xây dựng kinh tế thì văn hóa cũng phải được phát triển và văn hóa có nhiều khía cạnh. Văn hóa là nền tảng, mục tiêu của kinh tế. Bởi vì làm kinh tế cuối cùng để nâng hạnh phúc đời sống cho con người. Thế thì đời sống tinh thần cũng được xây dựng chứ không phải cứ còn khó khăn thì cứ tập trung lo xong kinh tế, mọi thứ khác cứ để đó thì không phải. Cho nên việc đồng thời xây dựng kinh tế thì xây dựng văn hóa, xây dựng cái này cái khác là cần thiết. Tất nhiên tượng đài cũng cần nhưng có mức độ thôi, nghĩa là quy hoạch như thế nào chứ không phải xây dựng tràn lan. Hiện nay có vẻ như tràn lan rồi. Số lượng quá nhiều. Hơn nữa vì không có văn hóa xây dựng tượng đài cho nên cũng không có kinh nghiệm về mọi mặt, từ thiết kế ý tưởng, xây dựng biểu tượng cho đến kỷ thuật…Cho nên trong thời gian qua, nhiều tượng đài sau khi xây xong bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải hạn chế, cần phải có chừng mực hơn, có kế hoạch hơn chứ như hiện nay là quá nhiều và như vậy không phải là tốt. Và tôi cho rằng sự phản ứng của dân chúng là có lý.
Trong xây dựng văn hóa thì tôi cho rằng đầu tiên phải xây dựng con người chứ không phải tượng đàiGiáo sư Trần Ngọc Thêm
Hòa Ái: Hòa Ái cũng ghi nhận nguyện vọng của phần lớn dân chúng mong rằng Chính phủ phải quan tâm nhiều hơn nữa và tập trung cải thiện đời sống an dân thì hiển nhiên trong lòng họ sẽ luôn sừng sững những tượng đài các vị lãnh đạo vì nước thương dân chứ không cần phải có những tượng đài hoành tráng như hiện nay. Giáo sư nghĩ sao về quan điểm này?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Điều đó thì đúng bởi vì mọi thứ tượng đài nào cũng không vững chắc cho bằng tượng đài trong lòng của người dân. Khi người dân có niềm tin, người ta yêu quý thì đã là có tượng đài rồi.
Hòa Ái: Giáo sư có chia sẻ rằng song song với việc xây dựng kinh tế thì cũng phải phát triển văn hóa. Trong giai đoạn hiện tại theo Giáo sư, VN cần chú trọng phát triển văn hóa như thế nào?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Trong xây dựng văn hóa thì tôi cho rằng đầu tiên phải xây dựng con người chứ không phải tượng đài. Con người hiện nay có rất nhiều những mặt xấu của văn hóa truyền thống trong môi trường mới là môi trường đô thị, môi trường công nghiệp trong hòan cảnh toàn cầu hóa, kinh tế thị trường như thế này, có nhiều thói hư tật xấu bộc lộ ra. Cần phải tập trung vào xây dựng điều đó, phải có những con người hoàn thiện để đáp ứng những yêu cầu của giai đoạn toàn cầu hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa và đô thị hóa thì mới có thể làm tất cả mọi việc khác được.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn thời gian của Giáo sư dành cho đài ACTD.
No comments:
Post a Comment