(LĐ) - Số 183 LÊ TUYẾT - TRUNG THÀNH
Lợi dụng những lúc doanh nghiệp cần tuyển người gấp, các đối tượng cài người người vào Cty, nếu nhân sự Cty không tuyển thì sẽ bị đánh
Những người lao động nghèo khổ từ các tỉnh miền Bắc, miền Tây, miền Trung tới miền Đông Nam Bộ làm công nhân không chỉ kiếm tiền nuôi thân mà sau lưng họ còn có mẹ già, con thơ… nên khi gặp những tay côn đồ đòi tiền bảo kê, họ không còn cách nào khác là chấp nhận đóng tiền để mong được yên ổn làm việc.
“Tôi muốn đi tố cáo lắm chứ, nhưng tố cáo thằng này thì thằng khác nổi lên. Hoặc tố cáo nhưng lỡ mọi chuyện không được giải quyết rốt ráo, bọn chúng trả thù thì chúng tôi chỉ có đường bỏ trốn đi chỗ khác” – Anh N.V.L (quê Cà Mau, trú tại Tân Vĩnh, Tân Uyên, Bình Dương) chia sẻ.
Nộp tiền để được yên thân
“Tháng này, mày gửi cho tao bao nhiêu?”; “Tháng sau là tao thu gấp đôi số tiền tháng này”; “Tao đang cần tiền đi thăm con đang ở tù, mày không đưa thì coi chừng”;“Mày vừa nhận lương, tao đang đến nhà trọ để thăm mày, mày mà trốn là không yên đâu”… - những lời đòi hỏi ngang ngược của bọn côn đồ đối với công nhân.
“Nghe những lời đó, tôi tức lắm nhưng đành ngậm đắng nuốt cay nộp tiền cho chúng, chỉ mong yên thân để làm việc. Tôi bỏ xứ lên đây làm việc, hàng tháng còn gửi tiền về nuôi con nhỏ, mẹ già. Nhiều lúc tức muốn khóc bởi con mình thèm một cây kem 5.000 đồng cũng không dám ăn, vậy mà hàng tháng mình phải đóng cho bọn chúng 100.000 đến 200.000 đồng. Nhưng nếu mình không đóng, lỡ bọn chúng đánh đập, mình không làm việc được thì không chỉ mình chết mà con mình cũng đói luôn”, anh L trình bày.
Những công nhân yếu thế luôn là "đích ngắm" của các đối tượng côn đồ trấn lột tiền bạc |
Để bảo kê, trấn lột tiền công nhân, bọn côn đồ không từ một thủ đoạn, đối tượng nào cả. “Có đồng nghiệp của tôi bị ốm nằm ở nhà mà chúng cũng không trừ, đến gõ cửa đòi tiền. Hoặc chúng biết hôm nào mình nhận lương, chúng gọi điện “mời” đi nhậu. Mình tới là bọn chúng gọi món nhậu xả láng, uống bia mệt nghỉ rồi bắt mình trả tiền. Hoặc có khi chúng uống cà phê cũng kêu mình tới trả tiền, trả tiền cà phê xong phải cho bọn chúng tiền đi ăn nhậu” – anh S, quê Đồng Tháp, hiện trú tại phường Hòa Phú, TP mới Bình Dương, ấm ức kể.
Hỏi các anh “sao chịu nhiều ấm ức vậy mà không đi báo công an?”, thì chúng tôi nhận được những cái thở dài: “Mỗi tháng con mình nhịn đi một vài bữa cơm thịt, bố nó được yên thân, để đóng tiền, còn hơn cả nhà chịu đói. Với lại rất nhiều người bị bọn chúng trấn lột tiền đòi bảo kê, đâu riêng gì mình ai. Bọn chúng có tai mắt cả, mình hó hé là bị đánh ngay. Hỏi tại sao mà số điện thoại của giám đốc đến người lao công bọn nó đều biết hết? Tại sao mình ở đâu, đi đường nào về nhà bọn nó cũng biết? Tại sao khi nào mình lãnh lương, lương bao nhiêu tụi nó cũng biết? Những cái đó mà tụi nó còn nắm trong tay thì mình đi tố cáo có yên được không?” – anh S bức xúc.
Theo một số người làm công tác nhân sự ở các công ty, để có được thông tin về nơi ở, số điện thoại, mức lương, ngày giờ lãnh lương của người lao động, các đối tượng này sẽ cài cắm người vào các công ty làm việc, thu thập thông tin để đưa ra ngoài, hoặc đưa một số đối tượng như Nguyễn Văn Sẻn sẽ vào công ty để dằn mặt, các đàn anh, đàn chị bên ngoài hậu thuẫn, hành động.
Như trường hợp của Nguyễn Văn Sẻn, lợi dụng lúc công ty cần lao động để làm kịp đơn hàng, Sẻn được một đối tượng gửi vào Cty Vĩnh Hưng Đạt với lời đe dọa “không nhận là bị đánh”.
Cổng Cty Vĩnh Hưng Đạt bị các đối tượng đánh vỡ |
Thực tế trước đó, bộ phận nhân sự, quản đốc của công ty này đã nhiều lần bị đe dọa, bị đánh vì đã từ chối nhận người. Cũng có khi, các tay côn đồ này không gửi đàn em vào nhưng lại đi nhận hồ sơ của người lao động, mỗi hồ sơ chúng lấy vài triệu đồng, rồi gửi hồ sơ vào công ty, ép phòng nhân sự phải nhận người của bọn chúng gửi, nếu không sẽ bị đánh.
“Những công nhân làm “tay trong” cho bọn côn đồ có thể thuộc đường dây của chúng nhưng cũng có thể họ bị ép phải làm vậy. Tối ngày 1.7, khi Sẻn xông vào chém cổng công ty, máy chấm công, đánh công nhân, bảo vệ, chúng tôi đã tố cáo vụ việc lên công an phường Phú Tân, công an TP.Thủ Dầu Một và công an Bình Dương.
Sau đó, vào ngày công ty trả lương cho công nhân, các đơn vị này có đến mai phục nhưng Sẻn không xuất hiện. Có thể Sẻn và đồng bọn đã được báo tin” – anh H, làm việc ở Cty Vĩnh Hưng Đạt, nghi ngờ. Theo một số công nhân, mặc dù không xuất hiện trong buổi trả lương, nhưng Nguyễn Văn Sẻn sau đó vẫn gọi điện cho họ đe dọa, yêu cầu phải nộp tiền.
“Công ty, công nhân tự bảo vệ mình là chính”
Trở lại với những công nhân ở Cty Vĩnh Hưng Đạt. Những người đã tố cáo Nguyễn Văn Sẻn lên cơ quan công an vì không chịu nổi những hàng động ngang ngược, thách thức pháp luật của Sẻn, đang nơm nớp lo sợ “mỗi lần đi làm về phải nhìn trước ngó sau, rủ nhau đi đông chứ không dám đi đơn lẻ”.
“Nhưng những việc làm đó chỉ giúp chúng tôi vững tâm hơn một chút bởi mình thì tay không, trong khi Sẻn có hẳn một cái mã tấu chém sắt như chém chuối, lại không biết xung quanh hắn còn bao nhiêu người nữa” – anh L, công nhân Cty Vĩnh Hưng Đạt, nói.
Để đối phó với những tay côn đồ như Sẻn, công nhân bàn với nhau, nếu trên đường về mà thấy bọn chúng tập trung thì nhắn tin cho nhau biết để đi đường khác. “Nhưng nói là nói vậy chứ vẫn lo, vì bọn chúng biết chúng tôi ở đâu, số điện thoại bao nhiêu, nếu mình tránh nó trên đường thì nó tìm đến tận nhà trọ. Nếu lỡ điện thoại hết pin như trường hợp của anh Hoàng Anh thì chỉ có nước chịu trận rồi đi tìm việc khác” – anh B, (đang thuê trọ trên ở Hội Nghĩa, Tân Uyên, Bình Dương) nói.
Dù ấm ức vì bị trấn lột nhưng đa số công nhân không dám tố cáo vì sợ hậu quả nặng nề hơn |
Đem vụ việc này làm việc với Chủ tịch UBND phường Phú Tân (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) và công an phường, chúng tôi nhận được câu trả lời hơi thất vọng, khi cả chủ tịch UBND phường Phú Tân Mai Thanh Nga và trung tá Bùi Văn Mai – Phó công an phường cho rằng: "Địa bàn quá rộng nên trước mắt là doanh nghiệp phải tự bảo vệ tài sản của mình là chính!" Cuối cùng thì công nhân cũng là người chịu thiệt.
Theo lời trung tá Bùi Văn Mai, các doanh nghiệp nên xây mô hình thanh niên tự quản, đội xung kích tự quản trong công ty để cùng với lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp bảo vệ tài sản của mình.
“Đối với việc bảo vệ người lao động tránh các đối tượng thì công an phường muốn làm thì làm cũng không hết, trên địa bàn phường có đến 3 khu công nghiệp, nên công an phường chỉ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngày trả lương nếu doanh nghiệp có yêu cầu”. Riêng về trường hợp của Cty Vĩnh Hưng Đạt, ông Mai cho biết thêm, khi nhận được đơn tố cáo của doanh nghiệp, công an phường đã xuống đơn vị làm việc, riêng đối tượng Sẻn thì đã có xác minh, nhưng Sẻn không có ở nơi tạm trú (Nhà trọ N.K.L, KP Tân Long, phường Tân Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Và xét thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm băng nhóm, nên công an phường Phú Tân đã đề xuất công an TP.Thủ Dầu Một, Ban chỉ huy công an phường xem xét chuyển toàn bộ hồ sơ về đội Điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an TP.Thủ Dầu Một thụ lý theo thẩm quyền. Chúng tôi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thủ Dầu, đơn vị này cho biết đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc.
Liên quan đến hiện tượng các đối tượng côn đồ trấn lột, đòi bảo kê công nhân, ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho rằng, việc này gây nên những nguy hiểm và bất an cho người lao động. Trong cuộc họp giao ban đầu tuần với các cơ quan ban ngành và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, LĐLĐ tỉnh sẽ có ý kiến về hiện tượng này, đặc biệt là trường hợp Cty Vĩnh Hưng Đạt, để vụ việc sớm được giải quyết, người lao động an tâm làm việc.
No comments:
Post a Comment