Nhóm phóng viên tường trình từ Việt NamTheo RFA-2015-08-12
Rau xanh bầy bán ở Lào Cai đa số nhập từ Trung Quốc-RFA
Rau xanh đối với người nông dân Tây Bắc là một loại nông sản chủ lực, nó quyết định kinh tế gia đình khấm khá hay thiếu thốn. Trên một nghĩa nào đó, có thể nói rằng rau xanh là sản phẩm cứu rỗi của rất nhiều gia đình nông dân, giúp người nông dân thoát nghèo. Tuy nhiên, vấn đề rau sạch cạnh tranh, thời tiết khắc nghiệt và yếu tố Trung Quốc vẫn là thử thách nan giải nhất của người nông dân. Hiện tại, sau trận mưa lũ trên toàn miền Bắc kéo dài gần nửa tháng, những cánh đồng rau của người nông dân bị mất trắng.
Nguy cơ rau Trung Quốc tràn lan
Một người nông dân tên Chiêu, sống ở Sapa, Lào Cai, buồn bã chia sẻ: “Có chứ, rau màu chết hết chứ. Mưa lũ, người còn chết chứ huống gì rau. Công nghệ cũng vậy chứ, mưa lũ, người còn trôi nữa chứ công nghệ gì được, người còn chết hàng loạt chứ đừng nói rau. Giáp phía Trung Quốc thì lái buôn nó điện thoại trước hết, nó nắm vùng nào có rau, tính toán hết.”
Theo ông Chiêu, sau trận mưa lũ vừa qua, hầu hết các vườn rau trên đất Bắc đều bị hư hỏng nặng, vườn rau nào may mắn lắm thì sót lại chừng 2% cây còn sống nhưng chỉ sống tượng trưng vậy thôi chứ rau ngấm nước thì không dùng được. Và với đà này thì rau Trung Quốc sẽ tràn lan thị trường miền Bắc.
Với người nông dân, chăm bón một vụ rau để thu hoạch là cả một vấn đề liên tục ngày đêm. Trường hợp trồng rau bình thường, không theo tiêu chuẩn rau sạch thì người nông dân miền Bắc kết hợp tưới phân tươi với bánh dầu ngâm và phân hóa học hòa tan. Mỗi tối phải bơm thuốc sâu, bơm thuốc kích thích sinh trưởng. Chi phí cho một vụ rau có thể chiếm gần hai phần ba tổng phí thu hoạch.
Với người nông dân, chăm bón một vụ rau để thu hoạch là cả một vấn đề liên tục ngày đêm. Trường hợp trồng rau bình thường, không theo tiêu chuẩn rau sạch thì người nông dân miền Bắc kết hợp tưới phân tươi với bánh dầu ngâm và phân hóa học hòa tan. Mỗi tối phải bơm thuốc sâu, bơm thuốc kích thích sinh trưởng. Chi phí cho một vụ rau có thể chiếm gần hai phần ba tổng phí thu hoạch.
Trường hợp trồng rau sạch thì chi phí một vụ rau đội lên rất cao nếu như tính cả công của người làm vườn. Muốn làm rau năm nay, trước đó một năm, người nông dân phải ủ phân cho hoai, sau đó phơi diệt khuẩn và xử lý vôi trắng để diệt ấu trùng trong phân. Đến khi trồng, đất cuốc xong phải được phơi nắng cho tơi, sau đó cho phân trộn với đất và gieo hạt.
Trồng rau sạch không tốn công tưới phân tươi, tưới bánh dầu hay chất hóa học mà chỉ tưới nước trong, toàn bộ phân đã được bón lót trong đất. Thỉnh thoảng, thời tiết thay đổi thì người nông dân phải che lưới và tưới một ít nước lá keo ngâm với bánh dầu. Nhìn chung qui trình trồng rau sạch hoàn toàn không có tác động của chất hóa học và tốn công gấp nhiều lần bởi người nông dân phải thường xuyên che chắn, bắt sâu.
Giữa rau sạch và rau trồng có chất hóa học thì rau trồng có chất hóa học bán thấp giá hơn rất nhiều so với rau sạch nhưng lại có tính phổ dụng, hàng tiêu thụ nhanh. Rau sạch chỉ có thể bán cho siêu thị và một số nơi đặt hàng theo yêu cầu, giá cao gấp hai, ba lần rau trồng có chất hóa học và mỗi vụ rau kéo dài cũng gấp đôi lần so với trồng bằng chất hóa học.
Nếu tính lợi nhuận, rau trồng bằng chất hóa học có lãi cao hơn nhiều và dễ cạnh tranh với rau Trung Quốc hơn. Bởi rau Trung Quốc cũng trồng bằng chất kích thích, sau một tuần có thể gieo và thu hoạch được rau. Trong khi đó, rau xanh của nông dân Việt Nam trồng kích thích hóa học phải kéo dài từ nửa tháng đến bốn mươi lăm ngày tùy vào chủng loại.
Nhưng sau trận mưa lũ kéo dài, toàn bộ các vườn rau sạch cũng như rau trồng bằng chất kích thích hóa học trên miền Bắc đều hư sạch. Và rau ở miền Bắc bị hỏng thì mối nguy rau xanh Trung Quốc tràn lan trên thị trường, thao túng thị trường rau miền Bắc trong thời gian dài là mối nguy trước mắt.
Ngay cả lúc rau miền Bắc được mùa nhất thì rau Trung Quốc vẫn tràn lan thị trường, đẩy nhiều gia đình nông dân từ chỗ trồng rau sạch phải chuyển sang trồng rau bằng chất kích thích để cạnh tranh và tồn tại. Sau trận mưa lũ, nếu như rau miền Nam chuyển ra miền Bắc không đủ số lượng và vẫn giữ giá thành cao, để rau Trung Quốc tràn lan thị trường thì chắc chắn các vườn rau sạch miền Bắc sẽ mất dấu, người nông dân buộc phải trồng rau bằng chất kích thích để tồn tại.
Nguy cơ vỡ nợ
Một người nông dân khác tên Hiền, ở Bắc Hà, Lào Cai, lo lắng: “Mùa này thì có rau cải, mồng tơi, rau muống, các loại rau ngắn ngày. Nước lũ thì nó phải bị ảnh hưởng, nó ngập úng, ngập hết!”
Theo ông Hiền, nguy cơ vỡ nợ của người nông dân các huyện Bắc Hà, Bát Xát là rất cao. Vì trước đây, người nông dân các huyện này trồng cây mận, đào lông và mơ, một số nơi trồng hoa anh túc. Những loại cây này cho thu nhập rất cao. Nhưng hai năm trở lại đây, người ta phá bỏ những cây anh túc, mơ và mận để trồng rau xanh. Và để có được những vườn rau sạch, người nông dân phải vay tiền nhà nước mua nông cụ, hạt giống, thuê công làm vườn, nuôi heo gà, trâu bò. Nhà nào làm nhiều thì nợ lên bảy tám chục triệu đồng, nhà nào đầu tư ít thì nợ vài ba chục triệu đồng.
Nhưng hai năm nay, hết thời tiết lạnh buốt, đóng băng lại chuyển sang lũ lụt, mưa dầm, các vườn rau tiếp tục lún vào nợ nần, tiền gốc và tiền lãi thi nhau đội lên. Trong khi đó vụ rau chủ lực của bà con nông dân chính là vụ rau tháng Tám đã bị phá sản hàng loạt.
Người nông dân các tỉnh Tây Bắc phải đợi đến tháng mười hoặc tháng mười một, khi thời tiết nắng ráo mới có thể trồng lại vụ rau xanh khác, kiếm tiền ăn Tết. Và mỗi vụ rau xanh bị thất bại là xem như phá sản bởi rau xanh hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Không ai dám hứa là thời tiết mùa sau sẽ tốt hơn, sẽ cho một vụ mùa bội thu.
Hiện tại, nguy cơ rau Trung Quốc tiếp tục đổ bộ sang Việt Nam và thời tiết khắc nghiệt đang đè bẹp người nông dân dưới gọng kiềm nợ nần chồng chất. Bà con nông dân nhiều nơi không còn lương thực dự trữ. Và nhiều gia đình nông dân chỉ còn biết trông đợi vào sự cứu trợ của nhà nước.
Hy vọng rằng sự trông đợi của bà con nông dân có lời hồi đáp và thời tiết bớt khắc nghiệt để người nông dân Tây Bắc vượt qua hoạn nạn, bớt khốn khổ!
Hy vọng rằng sự trông đợi của bà con nông dân có lời hồi đáp và thời tiết bớt khắc nghiệt để người nông dân Tây Bắc vượt qua hoạn nạn, bớt khốn khổ!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment