Thursday, July 16, 2015

Suy thoái kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-07-16  
Các thùng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc tràn qua các cửa khẩu biên giới
Các thùng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc tràn qua các cửa khẩu biên giới-AFP

Kinh tế Việt Nam lâu nay lệ thuộc lớn vào Trung Quốc. Nay tình hình tài chính không mấy sáng sủa tại Hoa Lục với thị trường chứng khoán đỏ sàn và tăng trưởng chậm lại đang có những tác động thế nào đối với Việt Nam?
Quan ngại thêm thâm thủng
Hãng tin Bloomberg vào ngày 13 tháng 7 vừa qua đưa ra nhận định tình trạng kinh tế chậm lại của Trung Quốc như hiện nay có thể làm tăng thêm thâm thủng thương mại của Việt Nam.
Mạng này trích dẫn phát biểu của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên, rằng tình hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc đang gây tác động xấu cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, khi mà nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể tăng lên bởi các nhà sản xuất tại Hoa Lục có thể phải giảm giá để bán tống hàng hóa ra nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng tình trạng Trung Quốc bán hàng giá rẻ sang Việt Nam không phải đến nay mới có mà lâu nay rồi:
“ Việc Trung Quốc bán ồ ạt hàng với giá rẻ sang Việt Nam là việc đã có từ lâu. Người tiêu dùng Việt Nam nhiều khi ngỡ ngàng tại sao họ lại có thể bán rẻ đến như vậy!
Chuyện đó cũng không phải là chuyện khó hiểu cho lắm vì sức sản xuất của Trung Quốc là quá so với thị trường trong nước của họ. Bây giờ kinh tế các nước khó khăn thì xuất khẩu của họ cũng giảm xuống. Xuất khẩu giảm xuống thì hàng sản xuất ra rồi, thừa mứa ở trong kho không biết làm thế nào thì họ tống sang các nước chung quanh là chuyện thường xảy ra. Tất nhiên khi xảy ra như thế thì có ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước (Việt Nam) có những mặt hàng tương tự, có những mặt hàng thay thế. Đây là hiện tượng mà Việt Nam đã gặp phải lâu rồi, chứ không phải chỉ bây giờ!”
Chúng tôi nêu câu hỏi với ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May- Thêu Đan thành phố Hồ Chí Minh về quan ngại mà ông Nguyễn Đức Kiên nêu ra với hãng tin Bloomberg, thì được ông này cho biết ý kiến như sau:
Bây giờ kinh tế các nước khó khăn thì xuất khẩu của họ cũng giảm xuống. Xuất khẩu giảm xuống thì hàng sản xuất ra rồi, thừa mứa ở trong kho không biết làm thế nào thì họ tống sang các nước chung quanh là chuyện thường xảy ra
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
“ Đó là việc mà mình cũng nên tính đến bởi vì có khả năng họ sẽ có rất nhiều giải pháp để cứu vãn cho họ; chứ không phải làm gì để làm ‘rối’ cho mình. Điều đó dĩ nhiên mình không dám khẳng định nhưng trước hết bản thân họ phải tự cứu họ. Tự cứu họ có nghĩa có khả năng họ sẽ bán đổ, bán tháo một số sản phẩm. Trong đó có những sản phẩm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam đối với những nước khác. Như vậy điều mà ông đặt ra hoàn toàn đúng! Tuy nhiên, những sản phẩm mà thứ nhất mang tính tiêu chuẩn như máy móc thiết bị hay những loại nguyên liệu mang tính chất chuẩn sẽ có tác động. Còn những sản phẩm đặt hàng theo mùa, trong đó đặc biệt về lĩnh vực dệt may tôi không nghĩ sẽ bị ảnh hưởng một cách nặng nề. Còn nếu họ bán những thứ trong ngành dệt may mang tính chất chuẩn như nguyên liệu đầu vào, sợi, các loại hóa chất để nhuộm… thì trước hết cũng có phần nào có lợi tức mình mua được nguồn với giá rẻ. Nhưng điều này cũng cần phải cảnh báo những đơn vị nhập khẩu của mình không nên vì mua được nguồn rẻ mà chào giá bán rẻ hơn để lại hậu quả về sau này.”
Các nhà buôn sỉ đang trả giá các thùng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc.Trái cây từ miền Nam Trung Quốc đang được bán gần như khắp mọi nơi ở Việt Nam
Các nhà buôn sỉ đang trả giá các thùng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc.Trái cây từ miền Nam Trung Quốc đang được bán gần như khắp mọi nơi ở Việt Nam

Cơ hội
Hãng Bloomberg trích dẫn phát biểu của một người thuộc Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông Tô Hoài Nam rằng một khi Trung Quốc giảm giá bán các loại nguyên vật liệu thì những ngành như may mặc, đóng giày của Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất.
Về vấn đề cơ hội đối với các ngành sản xuất trong nước như ngành dệt may, giày dép thì ông Diệp Thành Kiệt có ý kiến:
“ Thực ra cơ hội để mở rộng sản xuất đến giờ phút này mà nói thì đối với một số ngành như dệt may và da giày thi tôi nghĩ không phải đến khi Trung Quốc gặp những sự cố như thế này mới có cơ hội. Hiện nay chúng ta đang có rất nhiều cơ hội. Nhưng bài toán của những ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt ngành da giày hay dệt may thì vấn đề không phải là có thêm cơ hội mà là khả năng đáp ứng những cơ hội đó. Tôi cho rằng nếu có việc đó xảy ra thì chỉ có tác động cộng thêm; chứ không gây nên sự đột biến tức tạo ra cơ hội đột biến. Có thể trong nhất thời thì mình sẽ có lợi nhưng điều đó không bền vững, và nó cũng không làm suy suyển hay ảnh hưởng đến cơ hội lâu dài.
Lâu nay nhiều người cho rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc là điều rõ ràng, không thể nào chối bỏ được; tuy nhiên nay thực thế cho thấy đằng sau những con số gây kinh ngạc lâu nay là những mối nguy tiềm ẩn đáng sợ
Ví dụ hiện nay cơ hội cho các ngành của Việt Nam mở rộng ra thị trường các nơi, chúng ta chủ yếu dựa vào những hiệp định thương mại tự do chúng ta đã ký hay chuẩn bị ký với các nước lớn hay các khối nước lớn như vừa rồi ký với Liên minh Á- Âu gồm Nga, Belarus, Armeni… và đang ở giai đoạn cuối đàm phán FTA với Châu Âu, và khả năng FTA với 11 nước tức TPP trong vòng 1-2 năm nữa.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nói đến vấn đề cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước mà lâu nay cũng được đặt ra:
“ Ở Việt Nam người ta hay nói đến những sáo ngữ như cơ hội, biến thách thức thành cơ hội. Nhưng theo tôi nghĩ Nhà nước phải tạo ra môi trường, tạo ra khuyến khích, chính sách thế nào để các doanh nghiệp phải vì lợi nhuận, vì động cơ riêng của họ mà chớp lấy cơ hội, biến thách thức thành cơ hội. Vai trò của Nhà nước là ở chỗ đó, còn doanh nghiệp mới là chính; nhưng nhiều khi Nhà nước không tạo ra được những khuyến khích, chính sách như vậy vì không nghiên cứu kỹ, không biết hoạt động của các doanh nghiệp; cho nên có thể chính sách nêu ra lại trở nên biến cơ hội thành thách thức, như nhiều người hay nói như vậy!”
Sẵn sàng đối phó
Trước tình hình hiện nay của Trung Quốc, tác giả Michael Auslin trên tờ Wall Street Journal lên tiếng nhắc nhở đây là lúc nên ngưng nói đến sự trỗi dậy của Trung Quốc mà phải bắt đầu nghĩ đến kế hoạch ứng phó với mọi bất ngờ xảy ra.
Lâu nay nhiều người cho rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc là điều rõ ràng, không thể nào chối bỏ được; tuy nhiên nay thực thế cho thấy đằng sau những con số gây kinh ngạc lâu nay là những mối nguy tiềm ẩn đáng sợ.
Theo tác giả Michael Auslin thì cái nhìn đối với Trung Quốc đang chuyển đổi. Nước lớn này bị xem là nguồn gây ra bao lo ngại cho thế giới cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. Trung Quốc không còn là cỗ máy tăng trưởng kinh tế hay là nước đóng vai trò giúp giữ nguyên trạng ở những nơi có tranh chấp.
Tác giả Michael Auslin đưa ra kết luận rằng thị trường chứng khoán Thượng Hải rồi cũng có thể được ổn định; những tranh chấp tại khu vực Biển Đông cũng có thể giảm xuống trong một thời điểm nào đó.
Vấn đề đặt ra hiện nay là tương lai Châu Á sẽ được định hình thế nào bởi một Trung Quốc đang suy vi chứ không phải một Trung Quốc đang trỗi dậy.

No comments:

Post a Comment