Theo BBC-6 giờ trước
Một chuyên gia lâu năm về chính trị Việt Nam nhận định có tám lý do để gọi chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là mang tính lịch sử.
Viết trên trang The Diplomat, giáo sư người Úc Carl Thayer nói việc Tổng thống Obama tiếp ông Trọng trong Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng chứng tỏ Mỹ trên thực tế công nhận vai trò của Đảng Cộng sản trong nhà nước một đảng ở Việt Nam, và tầm quan trọng của chức vụ tổng bí thư trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Nếu Tổng thống Obama thăm Hà Nội trước khi mãn nhiệm, điều này sẽ càng chứng tỏ Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam. Chuyến thăm Mỹ của ông Trọng cũng đặt tiền lệ cho những chuyến thăm sau này của người nắm chức lãnh đạo Đảng Cộng sản.
Lý do thứ hai, tuyên bố chung hai phía nói “cả hai nước khẳng định tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ sâu sắc, lâu bền và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế, và hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Theo ông Carl Thayer, các nhân vật “bảo thủ về ý thức hệ” tại Việt Nam lâu nay vẫn nghi ngờ Mỹ định lật đổ chế độ tại Việt Nam. Nhưng sau khi ông Trọng được Obama đón tiếp, và Mỹ khẳng định tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam, điều này “chứng tỏ cái nhìn thế giới lạc hậu của các nhân vật bảo thủ ý thức hệ của Việt Nam”.
Thứ ba, hai nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 bằng việc tăng cường các chuyến thăm cao cấp, tạo cơ chế thi hành hợp tác trong chín lĩnh vực đã đề ra năm 2013. Hôm 7/7, Việt Nam và Mỹ đã ký 4 thỏa thuận, bao gồm việc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hỗ trợ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hợp tác giải quyết các mối đe dọa đại dịch và hỗ trợ kỹ thuật cho vấn đề an toàn hàng không.
PetroVietnam và Murphy Oil cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chung, Đại học Harvard được nhận quyền thiết lập trường Fulbright ở Việt Nam và Việt Nam nhận chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner đầu tiên.
Thứ tư, hai bên cam kết hợp tác với các quốc gia khác để hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thực thi cải tổ cần thiết để đạt được thỏa thuận.
Thứ năm, hai bên cam kết cùng hợp tác để đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở cả song phương và đa phương, thông qua các tổ chức khu vực như APEC, ASEAN, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng và hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Thứ sáu, hai bên đã đặt ra cơ sở để giải quyết vấn đề căng thẳng trên Biển Đông. Tuyên bố chung giữa hai nước nhắc lại lập trường hai bên, rằng tranh chấp hàng hải cần phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và hòa bình.
Tuy vậy, lãnh đạo hai nước cũng nói: “Cả hai nước đều quan ngại về những diễn biến mới đây ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, và đe doạ phá hoại hoà bình, an ninh và ổn định. Hai bên công nhận sự cấp bách của việc duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không bên trên vùng biển được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không bị cản trở, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế các hành động làm tăng căng thẳng; bảo đảm rằng mọi hành động và hoạt động được tiến hành tuân thủ luật pháp quốc tế; và bác bỏ sự cưỡng ép, đe doạ, và sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực.”
Theo giáo sư Carl Thayer, điều này chứng tỏ “sự trùng hợp lợi ích chiến lược đáng kể liên quan Biển Đông”.
Thứ bảy, ông Obama và ông Trọng đồng ý tăng cường mối quan hệ hợp tác về an ninh và quốc tế trên phương diện an ninh hàng hải, nhận thức về an ninh hàng hải, thương mại quốc phòng và trao đổi công nghệ quốc phòng.
Việt Nam chưa nói rõ quan tâm đến vũ khí và công nghệ nào của Mỹ một khi lệnh cấm bán vũ khí của Mỹ chưa được dỡ bỏ hoàn toàn. Tuy vậy, Mỹ khẳng định sẽ chỉ tập trung nâng cao an ninh hàng hải cho Việt Nam và năng lực của lực lượng Cảnh sát biển.
Thứ tám, hai nhà lãnh đạo cũng công nhận những khó khăn và thách thức trong mối quan hệ song phương, gồm nhân quyền và công nhận là nền kinh tế thị trường, và cam kết đối thoại tích cực, thẳng thắn trên cơ sở xây dựng để giảm bớt sự khác biệt và xây dựng lòng tin.
No comments:
Post a Comment