Thursday, July 16, 2015

Quan hệ thương mại Việt – Trung tiếp tục gắn kết

Thái Thịnh (VNTB)-07-16-2015

Quan hệ thương mại Việt – Trung tiếp tục gắn kết
Công nhân chở tinh bột nhập khẩu từ Việt Nam tại tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Xinhua

Việt – Trung đang đạt được bước tiến mới trong quan hệ kinh tế, bằng chứng là sự tăng trưởng liên tục kim ngạch thương mại song phương trong 6 tháng đầu năm 2015, Tân Hoa Xã cho biết.

Thống kê từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) vào hôm thứ 2 này, cho thấy rằng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2015, lên đến 32,1 tỉ USD.

Nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao nhất với 24,4 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, Tổng cục Thống kê cho biết.

Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), trong năm tháng đầu tiên của năm 2015, nhập khẩu mặt hàng từ Trung Quốc, chẳng hạn như phân bón, các loại rau và trái cây,… tăng dao động từ 6,3% đến 16,9%.

Về xuất khẩu, trong sáu tháng đầu năm ước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng trong xuất khẩu nông sản, bao gồm các loại rau và trái cây (+ 23,98%), cao su (+ 24,01%), sắn (+ 46,28%), so với cùng kỳ một năm trước đó.

Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và hai bên đang tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại song phương, quan hệ kinh tế hai nước. Trước đó, trong Thông cáo chung Việt – Trung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4 vừa qua, hai bên đã đạt được một đồng thuận về triển khai thực hiện “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế – thương mại Việt – Trung giai đoạn 2012 – 2016”, thúc đẩy thực hiện Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm và các thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại mà hai bên đã ký kết.

Hai bên cũng nhất trí, “Thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng, bền vững; phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Việt Nam; hai bên tích cực nghiên cứu việc đàm phán, ký kết Hiệp định sửa đổi về thương mại biên giới Việt – Trung.”

Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp trong nước mở rộng nhập khẩu hàng hoá Việt Nam: ” Phía Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư phát triển và sẵn sàng tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam đến Trung Quốc khai thác mở rộng thị trường. Phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cần thiết cho các doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam,” Thông cáo cho biết.

Trung Quốc hiện xếp thứ chín trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, với 1.141 dự án trị giá 8,13 tỉ USD, theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

Kết nối tuyến giao thông là một trong những yếu tố thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương hai nước đi vào thuận lợi.

Hai quốc gia đồng ý thảo luận và nhanh chóng quyết định một kế hoạch tổng thể nhằm xây dựng một khu vực hợp tác kinh tế xuyên biên giới và thúc đẩy các dự án kết nối hạ tầng. Việt – Trung cũng đồng ý thành lập Nhóm công tác về hợp tác cơ sở hạ tầng. Vào cuối năm 2014, Việt Nam đã khánh thành đường cao tốc dài nhất và hiện đại nhất của mình, với tổng chiều dài 245 km, nối liền Hà Nội của Việt Nam đến tỉnh Lào Cai, vùng giáp biên giới Trung Quốc.

Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai là một phần của Hành lang giao thông Côn Minh-Việt Nam và thuộc chương trình hợp tác Tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS) kết nối Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.

Trong tháng 5 năm 2015, hai làn xe đầu tiên của phân khúc cuối cùng của đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai từ Lào Cai đến cửa khẩu quốc tế Kim Thành đã hoàn tất. Giúp kết nối đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai-Hà Khẩu đến cao tốc Côn Minh của Trung Quốc.

Ngoài ra, việc xây dựng 63.8km đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, mà là một phần của 152km đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), đã được bắt đầu vào đầu tháng 7 năm 2015.

Trong cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh sự tham gia Kế hoạch Con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Việt Nam.

Nguyễn Văn Các, một nhân viên trong một công ty logistics Việt Nam cho hay, hiện có rất nhiều doanh nghiệp có đối tác là Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ với kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai quốc gia được tốt hơn, vì nó tạo điều kiện tăng cường trao đổi thương mại, và doanh nghiệp hai nước sẽ được hưởng lợi từ điều đó.

“Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng. Nó sẽ có lợi cho cả hai nếu hai nước bắt tay với nhau. Tôi hy vọng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác với nhau trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm thương mại, đầu tư, du lịch và văn hóa,” Nguyễn Hương Thảo, một nhân viên văn phòng 28 tuổi, nói với Tân Hoa xã tại Hà Nội hôm thứ 4


No comments:

Post a Comment