Theo ông Hùng, ngành y tế Việt Nam chỉ quan tâm đến đầu tư, chưa quan tâm đến hiệu quả; chú trọng đến điều trị, chưa quan tâm đến dự phòng. Đặc biệt, ngành y tế Việt Nam chỉ quan tâm chú trọng đến đầu tư công nghệ cao, hiện đại trong việc khám chữa bệnh mà quên đi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Khái niệm chăm sóc sức khỏe lâu nay của ngành y tế còn manh mún, chỉ tập trung  vào việc phòng ngừa những bệnh lây nhiễm; còn những bệnh mạn tính, không lây như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường… chưa được chú trọng.
Cũng theo ông Hùng, lâu nay ngành y tế kêu gọi xã hội hóa nhưng thực chất vận động chỉ thu tiền người dân, chứ chưa vận động để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trong khi đó, đề cập đến những nghiên cứu y học của các nhà khoa học trong ứng dụng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thứ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long cho rằng, số lượng các công trình nghiên cứu về y học vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực như so với Thái Lan hay Singapore. 
Trong thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã có các công trình nghiên cứu về tế bào gốc, các dịch bệnh mới nổi nhưng vẫn còn bỏ trống ở rất nhiều lĩnh vực về y sinh học, mô hình bệnh tật, an toàn thực phẩm, kinh tế y tế…
Thậm chí, ngay cả trong lĩnh vực được xem  là thế  mạnh như vắc xin  vẫn còn tình trạng mỗi nơi nghiên cứu một kiểu, kết quả các công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu ban đầu. 
“Các nhà khoa học phải bắt tay với nhau chặt chẽ để có được những nghiên cứu về vắc xin bài bản hơn. Các cơ quan nghiên cứu cần có sự phối hợp với nhau để phát huy tối đa kết quả nghiên cứu để đem lại kết quả tốt”, ông Long đề nghị
 

06:15 28-06-2015

Hồ Quang