Theo Người Việt-06-27-2015 6:09:08 PM
Bùi Bảo Trúc
Võ Phiến ở một bài viết trong cuốn Tùy Bút I có khẳng định rằng người Việt Nam hay chửi tục và hay nói tục. Cuốn sách ấy xuất hiện từ trước năm 1975. Vẫn theo Võ Phiến, một linh mục người Pháp cũng trình một luận án ở đại học Sorbonne về chuyện chửi bới của người Việt. Và như vậy, chuyện chửi thề tục tĩu là chuyện đã có từ lâu rồi, chẳng phải đến bây giờ người Việt mới chửi thề, văng tục.
Phải nói như thế kẻo sẽ có người nói rằng người viết lại sắp sửa qui kết rằng chỉ có những người Cộng Sản mới ăn nói như thế chứ còn “Ngụy” thì bao giờ cũng tốt, cũng đẹp... không chửi thề bao giờ.
Không, người Việt ai cũng chửi thề. Người ít, người nhiều mà thôi. Người ta chửi thề, văng tục là để giảm bớt những phẫn nộ, những bất mãn, những áp lực trong đời sống, mong ước những điều không hay xảy ra cho đối phương, cho kẻ thù mà không cần phải dùng bạo động hay vũ lực mà xã hội và luật pháp không cho phép. Có những câu chửi chỉ thấy trong văn hóa thờ cúng tổ tiên trong khi không hề thấy trong những văn hóa khác.
Nhưng nhiều người đồng ý rằng làn sóng người từ miền Bắc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tạo một cú “shock” lớn khi đông đảo những thành phần ấy đem kiểu ăn nói thô tục, chửi thề độc địa ấy vào miền Nam, không một chút hạn chế, không một chút kiêng nể gì hết. Người lớn đã đành, luôn cả tuổi trẻ, và cả thầy cô giáo cũng chửi thề văng tục một cách rất “vô tư” cùng khắp mọi nơi...
Tình trạng này ở khắp nước chỉ mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn. Báo chí trong nước trong tuần qua đã để ra rất nhiều trang để nói về chuyện chửi thề và nói tục của người Việt, đặc biệt là ở Hà Nội. Các tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động... đều đăng tải những bài báo mà bình thường có thể bị coi là bầy ra những hình ảnh tiêu cực cho chế độ và nhà nước. Một giới chức giữ chức giám đốc trung tâm phát huy và bảo tồn văn hóa dân tộc có nói với một tờ báo rằng ông ta đã đi rất nhiều nơi trong nước và nhận ra rằng không một nơi nào nói tục và chửi thề nhiều bằng Hà Nội.
Như vậy, chuyện chửi thề là chuyện lan rộng và rất nghiêm trọng đến nỗi ngay trước mặt cả các cán bộ cao cấp của nhà nước người dân vẫn văng tục và chửi thề một cách thoải mái (thì ông giám đốc này mới nghe được). Ở thủ đô, chốn nghìn năm văn vật, nhân vật này nhận định thêm rằng không một nơi nào qua mặt được Hà Nội về trò chửi thề.
Những bài báo đọc được đều lên tiếng báo động về tệ nạn chửi thề và văng tục của người Hà Nội. Nhưng có thêm một chi tiết khác mà những tờ báo này cũng như những phát biểu này đều ghi nhận là thành phần chửi thề và văng tục nhiều nhất ở Hà Nội là phụ nữ chứ không phải là nam giới. Một bài báo ghi lại nhận xét của một du khách nước ngoài rằng phụ nữ Hà Nội xinh đẹp nhưng ăn nói thô tục, chửi thề dữ quá.
Cách đây mấy tháng đã có nhiều ý kiến kêu gọi làm sạch sẽ lời ăn tiếng nói của các cán bộ nhà nước, tránh chửi bới, ăn nói xỏ xiên, dùng tiếng lóng, nói năng xách mé... nhưng cũng không đi tới đâu vì nhà nước vẫn tiếp tục lối ứng xử kinh hoàng trong khi tiếp xúc với người dân. Chuyện nói tục càng ngày càng trầm trọng thêm.
Và bây giờ, thủ đô Hà Nội đang phải nghĩ tới việc phạt những người chửi tục ở những nơi công cộng. Người ta đề nghị treo những bảng cấm trên xe buýt, trong các trường học kêu gọi dân chúng giữ mồm giữ miệng, tránh dùng những thứ ngôn từ thô tục nếu không muốn bị phạt.
Nhưng chắc chắn những răn đe đó rồi cũng chẳng đi tới đâu hết vì mấy thế hệ qua đã quá quen với lối ăn nói vô giáo dục đó mất rồi. Những thành phần vô học lớn lên từ cống rãnh thì phải ăn nói như thế chứ. Thanh lịch làm gì có nơi những thứ ấy.
Phan Văn Khải, người từng giữ chức thủ tướng, theo Lê Nhân, một người rất gần gũi với đương sự, cùng học lớp chính trị do Hoàng Minh Chính dậy, kể lại là Khải có biệt danh là Khải Đờ Mờ vì hễ mở miệng ra là phải có hai tiếng xúc phạm tới thân mẫu của mình. Có một lúc, Khải được tặng một giấy khen vì bỏ được những tiếng chửi thề cố hữu mỗi khi mở mồm. Nhưng rồi tính nào vẫn tật ấy. Tại buổi lễ khai giảng khóa chính trị Mác Lê cao cấp, có Lê Đức Thọ chủ tọa, Phan Văn Khải được chỉ định điều khiển lễ chào cờ. Trước đông đủ quan khách lớn bé, Khải đã hô lớn câu này (yêu cầu đăng nguyên văn, đừng viết tắt vì đây là lời của Phan Văn Khải) bằng giọng Củ Chi Nam Bộ, “Đù má nghiêm! Chào cờ, chào!”
Chuyện chào cờ là chuyện nghiêm trọng, trong một khung cảnh trang nghiêm mà (Khải) vẫn phải lôi thân mẫu ra... một cái thì làm sao bỏ được cách ăn nói đã quá quen mồm quen miệng như thế.
Vì thế, chuyện thay đổi lối ăn nói của người Hà Nội chắc rồi cũng chẳng đi tới đâu. Người Hà Nội đã bị làm hư mất rồi. Chửi thề, văng tục đã trở thành một chuyện không thể thiếu được. Nó là một thứ phản xạ, người Hà Nội sẽ không nói được nếu không có những câu chửi , những tiếng tục tĩu, như con chó của Pavlov, nghe tiếng chuông thì tiết ra nước miếng. Bún mắng, phở chửi, ốc lắm mồm vẫn đông nghẹt khách. Họ đến để nghe chửi, nghe những lời ăn tiếng nói thô tục. Những lời ăn tiếng nói đó đã thành một phần không thể thiếu được trong đời sống của họ. Ăn mà không nghe tiếng chửi bới mất dạy thì ăn không được.
Chao ơi, “Không thơm cũng thể hoa nhài/dẫu không thanh lịch cũng người Trường An.” Người Trường An đi đâu hết rồi? Nay chỉ còn bọn đười ươi đang làm xấu Hà Nội.
Vì vậy, trò chửi thề, ăn nói thô tục sẽ không bao giờ hết nơi người Hà Nội khi vẫn còn bọn đười ươi, những thứ như Phan Văn Khải và những con tương cận còn ngồi một đống ở Hà Nội.
No comments:
Post a Comment