Tuesday, May 26, 2015

TPP - Không phải là lá phiếu mà là cơ hội tranh đấu

Vũ Đông Hà (Danlambao) - TPP = Freedom for Tạ Phong Tần; TPP = Tự do cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, cho Bùi Hằng, Việt Khang, Trần Huỳnh Duy Thức...; TPP = Tự do cho những công dân Việt Nam bị bỏ tù vì hoạt động công đoàn, nhân quyền, dân sinh, tự do và dân chủ... Khai dụng những điều kiện để gia nhập TPP như là cơ hội tranh đấu đang là tiếng trống khởi hành cho bước 2 của chiến dịchWe Are One - Nhanquyen 2015.

TPP - Lợi nhuận và điều kiện ràng buộc

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) - TPP dự trù sẽ bao gồm 12 quốc gia, chiếm 1/3 tổng số giao dịch thương mại thế giới và 40% GDP toàn cầu. Với những thỏa thuận về tự do thương mại, giảm thiểu và đi đến xóa bỏ các loại thuế xuất nhập cảng giữa các thành viên quốc gia, TPP sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế ở mức hàng trăm tỷ đô la cho các thành viên trong thập niên trước mắt. Nếu gia nhập TPP, dự phóng vào năm 2025, tăng trưởng của Nhật và Singapore sẽ cộng thêm 2% so với không gia nhập. Hoa Kỳ hơn 4% và Malaysia sẽ được thêm 5%. Trong khi đó Việt Nam sẽ được thêm 10% tăng trưởng so với không là thành viên. Những con số này là những khúc nhạc rộn ràng đối với giới thương mại, tài phiệt, đại công ty. Con số 10% đang làm sáng mắt tập đoàn sâu và chuột ở Ba Đình. 

Đi kèm với những lợi nhuận kinh tế là những điều kiện đặt ra cho các thành viên, bao gồm những ràng buộc theo luật chơi của những nước dân chủ Tây phương ở nhiều lãnh vực như luật bảo vệ sản phẩm trí tuệ, luật lao động quốc tế trong đó có sự hoạt động của công đoàn độc lập, tiêu chuẩn của sản phẩm, mua bán vật liệu sản xuất từ các nước thành viên, công bằng trong doanh nghiệp và vấn đề tôn trọng nhân quyền.

TPP và quyền hạn của công dân Việt Nam:

Kể từ ngày 30 tháng 4, năm 1975, người dân Việt Nam chưa bao giờ được thực thi quyền bỏ phiếu theo đúng nghĩa của nó. Tất cả đều là trò chơi chính trị lừa bịp có tên gọi là "đảng cử dân (bắt buộc phải) bầu" của đảng cộng sản. Bất cứ ai không hoàn tất phần chơi dân bầu để làm "chính danh" những sắp xếp đã đâu vào đó của đảng thì sẽ có vấn đề với bộ máy công an còn đảng còn mình.

Do đó, và đương nhiên, đối với hiệp ước TPP, người dân Việt hoàn toàn không có quyền bỏ phiếu trực tiếp, hay được thể hiện ý nguyện từ lá phiếu đại diện của các thành viên Hạ viện, Thượng viện do chính mình bầu ra trong một cuộc bầu cử tự do, dân chủ như ở Hoa Kỳ. Việt Nam "chịu" vào hay không vào TPP hoàn toàn nằm trong quyền quyết định của bộ chính trị đảng CSVN và được "thông qua" bởi các đảng viên đang chiếm giữ những chiếc ghế quyền lực ở quốc hội bù nhìn. Ngược lại Việt Nam "được" trở thành thành viên của TPP hay không lại nằm trong tay chính phủ Hoa Kỳ.

Vậy người dân Việt Nam đứng ở đâu trong bàn cờ chính trị - thương mại này mà hệ quả tốt hay xấu của nó thì không ai khác mà chính hơn 90 triệu người dân Việt Nam trực tiếp chịu ảnh hưởng?

TPP và cơ hội tranh đấu:

Chúng ta chỉ có một chỗ đứng, một thái độ: tranh đấu để đòi hỏi những điều kiện về nhân quyền, quyền của người lao động, quyền hoạt động của công đoàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ sản phẩm, bình đẳng giữa công ty tư nhân và nhà nước... phải được thực thi TRƯỚC KHI Việt Nam được chấp nhận gia nhập, được tôn trọng và giám sát SAU KHI trở thành thành viên.

Làm thế nào để tranh đấu? 

Trước hết, cho dù không có quyền bỏ phiếu trực tiếp, hay gián tiếp qua đại diện, thì phải có tiếng nói được cất lên từ Việt Nam bởi người Việt Nam để chứng minh rằng người dân Việt thực sự đang muốn có nhân quyền, công đoàn độc lập và đồng ý rằng Việt Nam chỉ được gia nhập TPP nếu những điều kiện đặt ra được đáp ứng. Nguyện vọng đó chắc chắn không đến từ bộ máy độc tài, cũng không đến từ các tổ chức nối dài của đảng, và cũng không đến từ đại đa số người dân thầm lặng không dám lên tiếng. Chỉ còn lại là tiếng nói của các tổ chức, hội đoàn, cá nhân đang tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Sẽ rất phi lý nếu nhân quyền là điều kiện được đặt ra bởi Hoa Kỳ và chỉ có những chính khách Hoa Kỳ lên tiếng đòi hỏi... giùm cho người Việt Nam.

Tuy nhiên, nguyện vọng thì xuất phát từ người Việt, nhưng quyết định bỏ phiếu cho TPP nằm trong tay Hành Pháp lẫn Lập Pháp của Hoa Kỳ. Từ đó chúng ta thấy vai trò của người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ (lẫn người Việt đang mang quốc tịch Canada, Úc, hay Nhật vốn là 3 cường quốc bên cạnh Hoa Kỳ trong TPP). Cộng đồng người Việt tại Mỹ, Canada, Úc đã trở thành một sức mạnh chính trị, là thành phần "swing vote" - làm nghiên sự cân bằng - trong lực lượng bỏ phiếu và những đòi hỏi của cư dân Việt đã và đang được chính giới Hoa Kỳ lắng nghe và tìm cách thực thi.

Chúng ta cần sự khởi động, lên tiếng tranh đấu của thành phần lý tưởng trong nước và sự vận động của cộng đồng, tổ chức người Việt tại hải ngoại. Không có tiếng nói từ Việt Nam chúng ta không xác định được nhu cầu và khát vọng của hơn 90 triệu người Việt. Không có bàn tay của người Việt hải ngoại, chúng ta không gõ cửa được văn phòng các chính giới ngoại quốc.

Chưa bao giờ chúng ta có được cơ hội tranh đấu cụ thể như lúc này. Chưa bao giờ nhu cầu kết hợp trong và ngoài nước của người Việt lại rõ ràng và cần thiết như bây giờ. Chưa bao giờ mà chúng ta có thể trở thành một cùng nhau tranh đấu để kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo thống trị của Bắc Kinh bởi sự thần phục của thành phần nô lệ Bắc Kinh trong đảng CSVN, để giành lại nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam.



26.05.2015

No comments:

Post a Comment