Tuesday, May 26, 2015

Con đường nước Việt của bác Huỳnh

Nguyễn Anh Tuấn
Theo RFA-2015-05-25
Ông Huỳnh, bà Liên và bà Trâm (từ trái sang) ở sân bay Manila trước khi sang Mỹ, tháng 12/2013
Ông Huỳnh, bà Liên và bà Trâm (từ trái sang) ở sân bay Manila trước khi sang Mỹ, tháng 12/2013- Files photos

Hôm nay là tròn 6 năm ngày Trần Huỳnh Duy Thức bị giam cầm. Kể từ ngày đó, cha anh, ông Trần Văn Huỳnh, chưa bao giờ nguôi việc đi tìm công lý cho anh. Cuối năm 2013, đầu 2014, ông đã có một chuyến đi dài 3 tháng, gần một vòng trái đất, từ Manila sang California và Washington DC, từ Geneva sang Melbourne, Sydney và Canberra để vận động quốc tế gây sức ép với chính quyền Hà Nội sớm trả tự do cho anh Thức và các tù nhân lương tâm khác. Vài chuyện trong chuyến đi đó, nên được kể ra, cho dịp kỷ niệm này.

Hơn mọi chứng cứ

Cuối năm 2013, người ta thấy một người đàn ông Việt Nam chừng 75 tuổi chậm rãi từng bước chân trong phòng lãnh sự của sứ quán Hoa Kỳ ở Manila, Philippines.

Ông đến đây với hi vọng xin được visa sang Mỹ để vận động quốc tế đòi tự do cho con trai ông, người đang thụ án tù chỉ vì viết ra những trăn trở với hiện tình và tương lai đất nước.

“Sao ông không xin visa ở Việt Nam, mà lại sang đây?”, nhân viên lãnh sự người Mỹ, giọng lạnh lùng, hỏi.

“Bởi nếu lấy visa từ Việt Nam, công an sẽ không để tôi đi.”, người đàn ông đáp.

“Nhưng làm sao chúng tôi tin được là sau khi sang Mỹ ông sẽ trở về? Làm sao chắc chắn được ông sẽ không ở lại đất nước của chúng tôi?”, nhân viên lãnh sự tiếp tục hỏi, vẫn với một giọng phớt tỉnh.

Người đàn ông sững lại vài giây, hồ như lòng ông đang tràn ngập niềm thất vọng, vì ông đào đâu ra bây giờ những giấy tờ nhà đất, công ty hay tài khoản ngân hàng làm chứng cứ cho việc ông sẽ quay lại Việt Nam, như yêu cầu của đa số những trường hợp xin visa đi Mỹ.

Rớm vài giọt nước mắt. Hai bàn tay nắm chặt. Thoáng một nụ cười đắng ngắt trên môi, ông đáp với giọng run run: “Thưa ông, tôi ở lại nước Mỹ của ông làm gì kia chứ khi con trai tôi đang thụ án 16 năm trong tù? Không phải 1 năm, 2 năm, mà là… 16 năm tù, thưa ông. Tôi phải về lại Việt Nam để làm mọi điều có thể, giúp nó sớm được ra tù chứ.”

Không gian bỗng nhiên lắng lại và đến lượt nhân viên sứ quán là người phải lặng đi chốc lát. Có vẻ như áy náy với những câu hỏi đầy thực dụng trước đó theo thói quen nghề nghiệp, và nhận ra niềm nghi hoặc của mình quá nhỏ bé trước tấm lòng của một người cha đang đi đòi công lí cho con trai, người nhân viên lãnh sự bỗng thay đổi thái độ. Ân cần, từ tốn, ông gửi lời chúc may mắn và báo rằng visa sẽ được cấp trong một vài ngày tới, với một giọng trầm ấm lạ thường.

Người đàn ông này Việt Nam này không ai khác chính là Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Việt Nam, đã ở trong tù tính đến nay là 6 năm cho bản án kéo dài 16 năm.

Bước chân không đơn độc

Khởi từ Manila, bước chân của ông Huỳnh tiếp tục rong ruổi từ miền Tây sang miền Đông nước Mỹ.

Bước chân ấy đã ngã không biết bao lần khi ngập trong tuyết trắng những ngày đông giá ở Washington DC, nhưng rồi lại đứng dậy bước tiếp.

Bước chân ấy cũng đã đi qua ngày hè nóng bức của Melbourne, Sydney và Canberra, đến từng văn phòng dân biểu, nơi có những chính khách lắng nghe những lời trình bày oan khuất của ông.

Ông Huỳnh phát biểu trong một cuộc gặp gỡ cộng đồng ở Sydney, tháng 2/2014

Bước chân ấy cũng đi qua Liên Hiệp Quốc, kiếm tìm những hi vọng dù là mong manh nhất từ những thiết chế quốc tế vẫn còn đoái hoài đến những giá trị “tự do, công bình, bác ái”.

Ông Huỳnh và bà Trâm trao đổi với đại diện Ân xá Quốc tế tại Geneva, tháng 1/2014

Bước chân ấy không đơn độc. Song hành với nó qua hàng vạn cây số là bước chân của cô Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của hai tù nhân lương tâm Đinh Nhật Uy và Đinh Nguyên Kha lúc bấy giờ - một người phụ nữ mà, dù biết trước sắp có một chuyến đi  dài nửa vòng trái đất, nhưng chỉ dám rời khỏi nhà với chiếc giỏ xách đi chợ thường ngày và hai bộ quần áo gấp vội vì sợ bị công an khu vực đang theo dõi nghi ngờ.

Đi cùng họ còn là bước chân của cô Trâm, mẹ của luật sư Lê Quốc Quân, một tù nhân lương tâm khác, dù không biết một từ tiếng Anh nào, vẫn miệt mài gõ cửa từng văn phòng chính khách, từng tòa soạn báo, từng “ông tây bà đầm” (như cách gọi của cô), nói những câu lặp đi lặp lại về vụ án của con mình với một nỗi niềm ‘còn nước còn tát’.

Hòa vào bước chân ấy còn là hàng trăm, hàng ngàn bước chân khác, của thân nhân, bằng hữu và những người quý chuộng các tù nhân lương tâm, ngang dọc Việt Nam, qua các nhà tù từ Nam ra Bắc, trải các phiên tòa Hà Nội, Sài Gòn, Long An, Đồng Tháp, Nghệ An để thể hiện niềm tin tưởng rằng các tù nhân lương tâm chẳng có tội  tình gì, ngoài việc đã và đang biểu thị chút lương tri còn sót lại của dân tộc, sau cả trăm năm dâu bể xáo thịt nồi da.


Một con đường khác cho nước Việt

Trần Huỳnh Duy Thức, trước khi bị bắt giam và bỏ tù, từng viết một quyển sách lấy tên Con đường nước Việt, bàn về những con đường canh tân kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa để đưa nước Việt đi lên.

Nhưng bên cạnh đó, còn có một con đường mang tên Việt Nam khác, khởi đi từ hơn 150 gia đình tù nhân lương tâm, in dấu bước chân của những bậc làm cha làm mẹ - những người mang trong mình một cảm thức công lý ban sơ dựa trên tình thương và lòng tin vào con cái. Không ai khác, chính họ, trên hành trình tìm kiếm công lý cho con, đang bảo chứng cho những giá trị không được phép chết trong xã hội chúng ta: “lòng tin”, “tình thương” và “trách nhiệm”.

Con đường đó đã đưa một nhà giáo già vốn chỉ quẩn quanh với trường lớp như bác Huỳnh vượt qua những giới hạn của tuổi tác, bệnh tật đi gần một vòng trái đất để cất tiếng nói vực dậy công lí.

Con đường đó cũng đã đưa một bà mẹ quê như cô Liên, bước ra từ ngọn rơm gốc rạ chốn thôn dã xa xôi, để trở thành một người bảo vệ nhân quyền bén nhạy với thời cuộc, chẳng những tìm kiếm lẽ công bằng cho con mình mà còn cho nhiều người khác.

Và cũng chính nó đã giúp một người mẹ nông phu khác là cô Trâm có được một lòng dũng cảm lớn lao, bước ra khỏi đất nước của mình, vượt qua rào cản ngôn ngữ, lên tiếng thay cho con mình và những người khác đang phải lặng câm sau song sắt nhà tù.

Cuối con đường đó sẽ là một nước Việt thực sự thịnh vượng, tự do, dân chủ và tôn trọng phẩm giá làm người.

Nước Việt, với những người con yêu dám đi tù vì nó, xứng đáng có được một hình hài như vậy.

Nguyễn Anh Tuấn

No comments:

Post a Comment