Dân trí Người dân cho rằng Dự án xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 (Hà Nội) uốn lượn rất bất thường, đặc biệt tại khu vực ga C6, nên đã thuê chuyên gia nước ngoài “phản biện” lại Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
TS. Wessels (Đức) trình bày về bất hợp lý của ga C6.
Cuộc đối thoại diễn ra hôm qua (17/4) tại trụ sở Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội khi TS. Wessels (người Đức) - đại diện cho các hộ dân sinh sống tại cụm dân cư Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) - đưa ra những quan điểm phản biện lại cách đặt vấn đề của đại diện các sở ngành TP Hà Nội về dự án này.
Dự án xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 do Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư bắt đầu được triển khai từ năm 2007. Sau nhiều giai đoạn nghiên cứu khả thi, lập quy hoạch, năm 2013 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch mặt bằng tuyến và công bố tới các quận huyện liên quan và người dân được biết.
Theo quy hoạch này, dự án có tổng chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó có 8,9 km đi dưới ngầm và 2,6 km đi trên cao. Điểm đầu của dự án đặt tại khu đô thị Ciputra - Nam Thăng Long (quận Nam Từ Liêm) và điểm cuối tại nút giao phố Hàng Bài - Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Toàn tuyến có 10 ga gồm 3 ga trên cao và 7 ga đi ngầm được đánh số từ C1- C10. Trong số 4 ga cần thu hồi nhà của người dân thì ga C6 (còn gọi là ga Bách Thảo vì gần công viên Bách Thảo) có diện tích đất cần thu hồi khoảng 6.000 m2, ảnh hưởng tới 51 hộ gia đình.
Bà Bùi Thu Huyền (đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng tại ga Bách Thảo) cho biết suốt năm 2014 người dân tại đây phản ứng với ban quản lý về việc quy hoạch và thiết kế ga có nhiều vấn đề bất hợp lý. Trong khi các ga trên toàn tuyến được bố trí theo khoảng cách trung bình 1 km thì ga C6 lại quá gần với ga C7 và quá xa với ga C5.
“Điều khiến cho các hộ dân bức xúc nhất là vị trí đặt nhà ga C6 đã khiến tuyến tàu điện ngầm này hình thành một một đường cong uốn lượn rất bất thường. Theo quy hoạch thì đường hầm của ga C6 phải uốn cong từ ga C5 (đang nằm trên đường Hoàng Hoa Thám) để lượn xuống phố Thụy Khuê (ga C6) rồi lại uốn cong tiếp để lượn về ga C7 trên đường Hoàng Hoa Thám. Về nguyên tắc kinh tế, xây dựng thì thiết kế cong như vậy dù đi ngầm dưới đất cũng sẽ tốn kém hơn là đường thẳng”- bà Huyền đặt vấn đề.
Để thuyết phục hơn, các hộ dân sinh sống tại đây đã bỏ tiền túi để thuê một số chuyên gia về đường sắt đô thị, trong đó có TS. Wessels - chuyên gia thiết kế, tư vấn về công trình giao thông đô thị và đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tàu điện ngầm ở Thái Lan, Hồng Kông và Nam Mỹ.
Theo TS. Wessels cho rằng có thể di dời ga C6 về đường Hoàng Hoa Thám để đảm bảo tuyến đường tàu điện ngầm sẽ đi thẳng và khoảng cách giữa các ga có sự cân đối. Nếu vẫn giữ vị trí như hiện nay thì cần thay đổi thiết kế theo cấu hình xếp chồng (ga nằm sâu hơn) để giảm thiểu thu hồi nhà đất của người dân.
“Nếu cứ để như hiện nay thì khoảng cách giữa hai ga C6 và C7 quá gần nhau, chỉ có 730m, không đảm bảo hiệu quả kinh tế và khả năng khai thác sau này. Hơn nữa điều kiện địa chất tại khu vực đường Thụy Khuê (gần Hồ Tây) kém hơn rất nhiều so với đường Hoàng Hoa Thám nên chắc chắn sẽ làm tăng không nhỏ chi phí xây dựng”- ông Wessels phân tích.
Sơ đồ dự án xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 (ảnh chụp lại).
Tại sao không đi thẳng qua công viên Bách Thảo?
Ông Lưu Xuân Hùng - Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội - cho rằng nếu đi thẳng sẽ ảnh hưởng đến cơ quan quốc phòng. “Phương án như hiện nay đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng”- ông Hùng cho biết.
Trong văn vản trả lời thư kiến nghị các hộ dân ngày 22/10/2014, ông Lưu Xuân Hùng cũng cho biết nếu di dời nhà ga C6 lên đường Hoàng Hoa Thám để hướng tuyến theo đường thẳng sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề: Trái với hàng loạt quyết định đã được UBND TP Hà Nội và các hộ dân phê duyệt; tuyến đường đi ngầm phía dưới công viên Bách Thảo, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ,… có thể sẽ phát sinh các vấn đề tiềm ẩn về ảnh hưởng môi trường, sinh thái của của khu Bách Thảo, các di sản văn hóa, các công trình ngầm bí mật cần phải có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Hơn nữa, nếu thay đổi phương án thiết kế sẽ làm thời gian thực hiện dự án tăng lên, đồng nghĩa với việc tăng chi phí xây dựng, phải thay đổi nhiều quyết định của UBND TP Hà Nội.
Trong khi đó, tư vấn Nhật Bản của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng phương án mà TS. Wessels đưa ra không phù hợp. Nếu làm ga C6 theo cấu hình xếp chồng với ga nằm sâu hơn, diện tích thu hồi đất ít hơn, thì chi phí có thể dịch chuyển từ 494 tỷ đồng (phương án hiện tại) lên tới 1.300 tỷ đồng (phương án xếp chồng).
Sau khi nghe phản ứng không đồng tình của TS. Wessels, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền về những phản ánh này.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Bùi Thu Huyền cho rằng giải thích của ban quản lý dự án không thuyết phục. “Việc họ cho rằng dự án nếu đi theo đường thẳng sẽ ảnh hưởng đến các công trình ngầm là thiếu rõ ràng, minh bạch. Họ chưa cho chúng tôi xem ý kiến của những cơ quan xác nhận về việc này”- bà Huyền nói.
Không những vậy, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ga C6 còn cho biết quy hoạch mặt bằng của tuyến ngầm được duyệt từ ngày tháng 3/2013 theo Quyết định số 2297/QĐ-UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên 1 năm sau thì người dân mới biết về việc này khi vào tháng 2/2014, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội mới phối hợp với UBND quận Tây Hồ, UBND phường Thụy Khê (quận Tây Hồ) tổ chức các buổi hội thảo tham vấn ý kiến người dân. “Tại những cuộc hội thảo này các hộ dân bị ảnh hưởng không được mời tham gia đầy đủ”- bà Huyền bức xúc.
Thứ Bẩy, 18/04/2015 - 20:42
Thế Kha
No comments:
Post a Comment