(Ảnh: Internet)
Một trong những điều các doanh nghiệp FDI e ngại nhất khi đầu tư tại Việt Nam, đó là thủ tục hành chính rườm rà, khó khăn, để giải quyết thì phải tốn chi phí bôi trơn không hề nhỏ.
Qua khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp FDI trả chi phí không chính thức (còn gọi là chi phí bôi trơn) để giải quyết các việc là 58,2%.
Hầu như tất cả các hoạt động đều cần phí bôi trơn mới giải quyết được việc, khoảng 17,2% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức để có được giấy phép đầu tư. 31,4% doanh nghiệp đã phải trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan nhà nước, thủ tục xuất nhập khẩu là 66,2%.
Đặc biệt chi phí bôi trơn để giành hợp đồng trong năm 2014 cao gấp 3 lần so với năm 2013.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận bất an trong môi trường đầu tư Việt Nam, tham nhũng đang có xu hướng tăng, làm gì cũng bị nhũng nhiễu.
Ông Edmund Malesky, GS.TS Kinh tế, Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI 2014 cho VOV biết: “Chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ nằm ở các khoản chi bôi trơn trực tiếp, mà còn gồm cả hiệu quả bị mất đi khi các nhà thầu không đủ năng lực được lựa chọn thay vì những nhà thầu có năng lực nhưng không hối lộ.”
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt – Mỹ, chia sẻ với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam: “Doanh nghiệp Mỹ ngại làm ăn kiểu quan hệ ở Việt Nam bởi nếu phải trả “phí bôi trơn”, chính họ cũng sẽ gặp rắc rồi khi gửi báo cáo kiểm toán về Mỹ.”
Đa số các doanh nghiệp đều cho rằng chi phí không chính thức này khá tốn kém, nhưng lại giúp giải quyết được công việc. Nếu như không có khoản chi này thì không sao giải quyết được việc, mà những việc này đa phần là các quy định thủ tục hành chính rườm rà.
Ngân hàng Thế giới, Bộ phát triển quốc tế vương quốc Anh (DFID) và Thanh tra Chính phủ đã công bố báo cáo Tham nhũng: “Hầu hết các doanh nghiệp đều tin rằng tham nhũng bôi trơn là thực tiễn thông thường và đã trở thành luật chơi ở Việt Nam. Doanh nghiệp bị cuốn vào vòng xoắn ốc đi xuống – họ hối lộ vì sợ rằng nhiều doanh nghiệp cũng đang làm điều đó để có được dịch vụ như mong muốn, và đồng thời cũng bởi vì các cán bộ nhà nước cũng đang chờ đợi điều đó”.
Vốn FDI có vai trò mạnh mẽ nhằm tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết được việc làm cho một lượng lớn người lao động.
Để giúp các doanh nghiệp FDI ổn định hoạt động tại Việt Nam cần phải có chính sách đủ mạnh để đẩy lùi nạn tham nhũng trong các cán bộ công chức. Với hiện trạng tham nhũng đã thành “tự nhiên” như ở Việt Nam hiện nay, một chính sách “đủ mạnh” cần phải giải quyết tham nhũng từ trên xuống dưới, bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất trở xuống, và cơ quan chống tham nhũng cần là cơ quan độc lập như cách mà Singapore đã từng làm.
Ngọn Hải Đăng
No comments:
Post a Comment