Saturday, April 18, 2015

Những người không được cấp quy chế tị nạn ở Thái Lan hiện ra sao?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-04-18  
 
Chị Thu Trâm và các thành viên Khối 8406 đang tị nạn tại Bangkok-Hình do chị Trâm cung cấp

Trong số những người chạy trốn qua Thái Lan để xin hưởng quy chế tỵ nạn chính trị của Cao ủy Liên Hiệp Quốc, đã có không ít người đã không được chấp nhận. Vì vậy, họ đã phải sống một cuộc đời vô tổ quốc trên xứ người mà không có chút hy vọng gì về tương lai. Cuộc sống của họ hiện tại như thế nào, với các khó khăn gì?

900 người tị nạn Việt Nam trên đất Thái

Từ sau năm 1975 cho đến nay, Thái Lan vẫn luôn là điểm đến của những người tỵ nạn Việt Nam vì lý do chính trị hay kinh tế… với hy vọng sẽ được hưởng quy chế tỵ nạn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc, để đi định cư ở một nước thứ 3.

Theo báo Người Việt, hiện nay có hơn 900 người tị nạn Việt Nam trên đất Thái Lan. Họ là những người đấu tranh dân chủ, những người thiểu số theo đạo Tin Lành bị đàn áp, những người dân bị cướp đất cướp nhà, bị đánh đập bỏ tù phải bỏ xứ ra đi.

"Tôi bỏ Việt Nam ra đi là năm 1981.  Sau đó tôi sống ở Campuchia được 15 năm.  Tôi đến Thái Lan được 7 năm rồi.  Tôi đi bán những chiếc kẹp tóc, loại kẹp tóc cho con nít, được khoảng 100 hay 120 Baht một ngày. "-Một người tỵ nạn ở Thái

Tuy vậy, vẫn còn một số không nhỏ những  người tị nạn đang sống vất vưởng ở Thái Lan, vì không được Cao ủy Liên Hiệp Quốc chấp nhận cấp cho họ quy chế tỵ nạn.

Những người này do cư trú bất hợp pháp, không có giấy tờ tùy thân nên không có việc làm, và họ luôn có thể bị cảnh sát Thái Lan bắt bỏ tù bất cứ lúc nào. Con cái của họ thì không được đi học. Ðời sống người tị nạn hiện nay vô cùng bấp bênh và khốn khổ.

Bà Hoàng Phương, một người bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị đàn áp truy bức, cùng đường đã phải chạy sang Thái Lan để xin hưởng quy chế tỵ nạn, song bị Cao Ủy Liên Hiệp Quốc từ chối cho chúng tôi biết hoàn cảnh của bà. Bà nói:

“Tôi là một trong số những người bất đồng chính kiến cho nên cũng bị họ (nhà nước) trù dập, mất việc và bị đuổi đi linh tinh, cho nên khó khăn quá, không những thế còn bị họ cho người đánh đập, đe dọa. Qua tới đây, thì cũng như nhiều người khác tôi cũng làm đơn xin quy chế tỵ nạn. Nhưng do không có kinh nghiệm và không có sự tư vấn của Luật sư về việc làm đơn như thế nào. Cộng với việc Cao ủy (tỵ nạn) có quá đông người tỵ nạn, thứ 2 là do sự thay đổi như thế nào đó thành ra tôi đã bị trượt quy chế đầu tiên. ”


Gia đình chị Vương Thị Viếng (thứ 3 từ trái)tại Hội Thánh Tin Lành, Thái Lan.(tháng 4/2012)

Một người tỵ nạn ở Thái Lan xin được dấu tên, đã cho RFA hay tình cảnh của gia đình ông ở Bangkok, sau khi không được Cao ủy Liên Hiệp Quốc chấp nhận cho tỵ nạn nhân đạo. Ông cho biết:

“Tôi bỏ Việt Nam ra đi là năm 1981.  Sau đó tôi sống ở Campuchia được 15 năm.  Tôi đến Thái Lan được 7 năm rồi.  Tôi đi bán những chiếc kẹp tóc, loại kẹp tóc cho con nít, được khoảng 100 hay 120 Baht một ngày.  Đi bán từ 4 giờ sáng mà cho tới 5 giờ chiều mới về được tới nhà. Tôi ở đây chỉ có hai vợ chồng già thôi.  Vợ tôi năm nay cũng 60 tuổi rồi.  Bây giờ bà ấy bị rớt Cao ủy (tỵ nạn)  thì bà ấy như là mất trí, con người cứ như là mất hồn, không dám ra khỏi nhà.  Nhiều khi 2, 3 tháng cũng không dám ra khỏi phòng nữa.  Người bà ấy xanh xao, không biết làm sao mà nói. Hôm nay đang chuẩn bị dời nhà đi, bà ấy khóc với tôi biết là bao nhiêu, kêu tôi ở lại.”

Gặp nhiều khó khăn

Trả lời câu hỏi về cuộc sống hiện tại và những khó khăn mà họ đang phải đối mặt ra sao?

Chị Ba, từng là một thuyền nhân của trại tỵ nạn Sikhiu (Thái Lan), đã bị cưỡng bách hồi hương năm 1996, trở về Việt Nam nhưng do bị đàn áp cưỡng bức của chính quyền đã không sống nổi. Một lần nữa đã phải trốn qua Thái Lan cùng gia đình vào năm 2011, song cũng bị Cao ủy Liên Hiệp Quốc từ chối hiện đang sống bất hợp pháp ở Thái Lan, nói với chúng tôi:

“Tôi thì có nghề may, mỗi tháng thu nhập khoảng 6.000 baht và tôi chỉ cầu mong được như thế thôi để trụ lại đây chứ không đòi hỏi gì hơn. Chỉ có trở ngại duy nhất là về an ninh, về giấy tờ. Tuy rằng cảnh sát ở đây họ không quan tâm nhiều tới những người phụ nữ lớn tuổi như tôi, nhưng mà mình vẫn luôn lo sợ, bởi vì mình sống bất hợp pháp.”

"Cũng chưa biết tương lai của mình ra sao, chỉ biết rằng mình phải cố gắng né tránh sự va chạm của mình đối với chính quyền Thái để mình tồn tại được trên đất Thái này thôi. "-Chị Ba

Vấn việc làm là khó khăn lớn nhất đối với người tỵ nạn, song vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại khá lớn, bà Hoàng Phương khẳng định:

“Riêng với tôi là một phụ nữ, sức khỏe yếu, bệnh tât cho nên cũng đã đi tìm việc làm nhiều lần, cũng có nơi họ nhận nhưng sau họ phát hiện ra mình là người tỵ nạn nên họ lại từ chối, hơn nữa là phụ nữ không làm được việc nặng. Thành ra cho đến bây giờ vẫn chưa xin được việc gì cả. Cũng có nơi họ đã nhận vào làm, song tiếng Thái của mình ít quá nên họ lại thôi, họ không nhận mình nữa. Đó rất khó khăn, chỉ có một số anh em tỵ nạn là nam giới có sức khỏe thì đi làm chui những công việc như phu xây dựng gì đó. Từ ngày tôi ở đây, chưa bao giờ gặp họ hỏi giấy tờ gì cả, kể cả tôi mua vé xe bus để đi để tìm thuốc ở tỉnh khác cũng không sao cả, cũng không có ai hỏi..”

Khi được hỏi, ông bà nghĩ gì về tương lai trước mắt của mình?

Đã bỏ nước ra đi thì không mong ngày trở về, nếu trên đất nước Việt Nam vẫn còn tồn tại chế độ cộng sản. Chị Ba nói:

“Cũng chưa biết tương lai của mình ra sao, chỉ biết rằng mình phải cố gắng né tránh sự va chạm của mình đối với chính quyền Thái để mình tồn tại được trên đất Thái này thôi. Còn việc trở lại về VN thì tôi không có nghĩ, bởi vì ở VN bọn nó rành tôi quá rồi cho nên tôi không có dám mong ngày trở về. Ngoại trừ là cộng sản VN nó tự giải thể.”

Trong tâm trạng ngậm ngùi của một người vô tổ quốc và không biết tương lai của mình ra sao. Người đàn ông tỵ nạn ở Thái đề nghị dấu danh tính nói trên cho biết:

“Chúng tôi hiện giờ quá khó khăn.  Cho nên cái cơ cực của chúng tôi đã quá già dặn.  Chúng tôi không biết phải làm sao, vì những người như chúng tôi bây giờ là những người vô tổ quốc.  Bây giờ chúng tôi không biết là tổ quốc chúng tôi nằm ở đâu. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ không biết sống chết ra sao nữa.  Cho nên tôi cứ ngậm ngùi hoài.  Bây giờ trở về nước cũng không được, mà ở lại đây cũng không xong.  Bây giờ tôi không biết sẽ ra sao cái cuộc sống của tôi hiện nay.”

Là một người tỵ nạn bị rớt quy chế của Cao ủy Liên Hiệp Quốc, hiện đang sống bất hợp pháp tại Thái Lan, chị Ba đã thổ lộ tâm tư của mình đối với những ai đang có ý định sang Thái Lan để tìm quy chế tỵ nạn cho mình. Chị nói với chúng tôi:

“Nếu mà anh đi qua đây vì một cái lý do không ổn định thì tốt nhất chịu khó ở lại quê nhà đi, vì nó vẫn  ổn hơn. Ngoại trừ những người đấu tranh có tiếng tăm trên mạng, nếu họ muốn qua thì họ có thể. Nhưng với những người không có đủ chứng cớ thì tôi thành thật khuyên: “Đường vào Cao ủy rất là khó khăn”.”

Mỗi một con người đều cần phải có cho mình một tổ quốc để cho mình sinh sống và che chở đối với mình. Tuy vậy, hiện nay ở Thái Lan đã và đang có rất nhiều người con đất Việt đang phải sống trong hoàn cảnh vô tổ quốc và họ không có được tư cách của một công dân hợp pháp, những người đó cần được pháp luật che chở và bảo vệ.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/anh-vu-041815-04172015231946.html/vav041815.mp3

No comments:

Post a Comment