Trong cuộc biểu tình tại tỉnh Bình Thuận làm kẹt xe dài gần 50 cây số trên quốc lộ số 1, người dân đã dùng tới “bom xăng” ném vào đám “công an cơ động.”
Ðây chỉ là những chai đựng xăng, đốt lửa, không gây thương tích nếu không ném trúng người; mà chắc những người ném cũng không cố ý ném trúng ai cả. Nhưng hình ảnh lửa bùng cháy loang ra trên mặt đường vào lúc chập tối, giữa tiếng reo hò của hàng ngàn người dân Bình Thuận, sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn trong các cuộc biểu tình phản kháng sau này. Bởi vì dân Việt Nam đang chứng kiến phong trào phản kháng cường quyền đang biến chuyển mỗi ngày một quyết liệt hơn.
Người dân Việt đã hết sợ Ðảng Cộng Sản, hết sợ từ lâu rồi, cho nên dân oan mới dám tổ chức biểu tình phản kháng. Anh Ðoàn Văn Vươn đã bước qua một lằn ranh giới khi một thân một mình dám kháng cự cả tập đoàn cường quyền gian ác, dù anh chỉ có những vũ khí thô sơ nhất. Bây giờ đồng bào xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong, Bình Thuận đã tự biến thành một một ngàn, hai ngàn Ðoàn Văn Vươn.
Một thay đổi quan trọng khác là nguyên nhân gây ra phong trào phản kháng của người dân xã Vĩnh Tân. Ðồng bào không nổi lên vì bị cướp đất như ở Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, Văn Giang tỉnh Hưng Yên, phường Dương Nội quận Hà Ðộng, vân vân. Nỗi phẫn uất của dân Bình Thuận là không khí, không khí ô nhiễm mỗi ngày họ phải hít thở.
Cuộc biểu tình ở xã Vĩnh Tân có thể mở đầu một phong trào mới: Ðòi quyền được sống trong một môi trường lành mạnh, nước và không khí phải sạch sẽ! Ðáng lẽ ra phong trào này phải bắt đầu từ các thành phố, như Sài Gòn, như Hà Nội. Vì đó là nơi người dân phải sống nhiều nhất với bụi và rác, cống rãnh ngập lụt vào mùa mưa, rau xanh và trái cây nhiễm độc, chưa kể tai nạn xe cộ giết người không khác gì bệnh dịch. Nhưng có thể nói bà con xã Vĩnh Tân đã được người Hà Nội kích thích với những cuộc biểu tình chống chặt cây. Người Hà Nội mới chỉ thấy mất một ngàn gốc cây trong mấy ngày mà đã phải hành động. Dân xã Vĩnh Tân không lẽ cứ chịu hít khói độc, hít bụi than, sống giữa những đống chất phế thải của nhà máy phát điện do Trung Quốc thiết kế; đã kêu khóc mấy tháng trời mà không ai thèm đoái hoài! Những cuộc biểu tình ôn hòa của dân Hà Nội đã buộc chính quyền phải thay đổi chính sách. Người dân Vĩnh Tân thấy họ không thể cứ cúi đầu chịu nhục mãi.
Nhưng trong chuỗi dây chuyền các cuộc phản kháng của dân Việt Nam cuộc đình công vào cuối tháng ba tại Sài Gòn có ý nghĩa lớn hơn nữa. Cuộc đình công của 70,000 công nhân hãng Pou Yuen đánh dấu một biến chuyển quan trọng trong phong trào lao động ở nước ta, sẽ ảnh hưởng tới cả những phong trào nhân dân phản kháng thuộc những lãnh vực khác. Trong vụ này, người nắm quyền cao nhất là thủ tướng chính phủ phải chịu thua và lùi bước.
Cuộc đình công lớn nhất, đạt kết quả nhanh nhất ở Việt Nam từ trước đến nay diễn ra tại công ty Pou Yuen (Bửu Nguyên) vốn Ðài Loan. Nhưng điều đáng nói nhất là cuộc đình công này không nhắm những mục tiêu quen thuộc của phong trào công nhân, như lương bổng, điều kiện làm việc. Các công nhân Pou Yuen đứng đậy để đòi hỏi Ðảng Cộng Sản phải sửa một đạo luật mới được Quốc Hội thông qua vào năm ngoái. Và cuối cùng, Nguyễn Tấn Dũng đã chịu thua, hứa sẽ ra lệnh sai Quốc Hội bù nhìn sửa lại luật theo đòi hỏi của công nhân.
Các công nhân làm việc trong các cơ xưởng của người ngoại quốc đều phải đóng thuế bảo hiểm xã hội, giống như người đi là ở các nước Âu Mỹ đóng Social Security. Tiền đóng góp được đưa vào một quỹ để đầu tư sinh lời. Trước đây, khi các công nhân nghỉ việc, họ có quyền rút hết số tiền “để dành” này, không cần phải chờ tới lúc về hưu mới lãnh dần dần - giống như ở Canada hay ở Mỹ. Năm ngoái, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm luật mới, không cho phép các công nhân nghỉ việc được rút hết tiền ra, mà phải chờ tới lúc về hưu. Tất cả các công nhân đều thấy họ bị “bóc lột;” nhưng phải chờ tới 70,000 công nhân của Pou Yuen đứng ra phản kháng thì vấn đề mới được công khai nêu ra trước dư luận.
Anh chị em công nhân tại hãng Pou Yuen không đòi hỏi cho quyền lợi của riêng họ, mà cho tất cả các công nhân Việt Nam đang đóng thuế bảo hiểm xã hội.
Tại sao họ không chấp nhận một chế độ bảo hiểm cho giống như giới lao động ở các nước Âu Mỹ?
Thứ nhất, vì tiền mất giá với nạn lạm phát kinh khủng. Rút được tiền ra ngay chắc chắn tốt hơn là gửi cho cái quỹ của nhà nước, chờ năm, mười năm sau mới được rút, dù nó hứa sẽ sinh lợi. Thứ hai, quỹ bảo hiểm xã hội nằm trong tay Ðảng Cộng Sản thì gửi tiền cho nó giữ cũng giống như trao trứng cho ác. Cả cái Ðảng Cộng Sản là một đảng mafia. Ðảng mafia ở các nước khác chỉ khai thác các sòng bài, các lầu hồng hay buôn lậu. Ðảng Cộng Sản Việt Nam khai thác tất cả tài nguyên của đất nước. Trong đó ít người để ý tới tiền tiết kiệm của người dân trong các ngân hàng, tiền đóng vào các quỹ y tế, xã hội, hưu bổng của dân. Những thứ quỹ này là “món bở” lớn nhất, do Nguyễn Tấn Dũng nắm trong tay, toàn quyền sử dụng và chia chác.
Bình thường, người dân Việt Nam không để ý tới những thứ quỹ như vậy, vì không thấy chúng can dự trực tiếp tới đời sống hàng ngày của mình. Nhưng trong tay bọn tham quan thì đó là những kho vàng mà chúng là những kẻ được Ðảng Cộng Sản trao cho hết chìa khóa, ha hồ mở cửa chia chác với nhau. Năm ngoái, trong khi Quốc Hội bù nhìn thảo luận về dự luật bảo hiểm xã hội mới, nhiều đại biểu có lương tâm đã tố cáo ban quản trị quỹ đem tiền đầu tư vào những nơi khả nghi, nhiều rủi ro. Người dân có thể nổi cơn bất bình khi thấy một việc xây cây cầu hay một con đường bị rút ruột. Họ có thể tức giận khi thấy công ty Vinashin làm mất hàng tỷ Mỹ kim trong mấy năm, nợ như chúa Chổm phải lấy công quỹ trả. Mà tiền bạc chạy đi đâu không ai biết! Nhưng rất ít người nhìn thấy một đạo luật thay đổi quỹ bảo hiểm xã hội cũng có thể giúp bọn mafia kiếm hàng tỷ đô la, kiếm đều đều từ năm này sang năm khác! Vai chính trong truyện và phim God Father (Bố Già) đã nói về anh con rể luật sư, “Một tay sát thủ cầm súng không bằng một thằng sách cặp biết dùng luật.”
Nhưng anh chị em công nhân Pou Yuen đã nhìn ra, và đã phản kháng. Bố Già Nguyễn Tấn Dũng chịu thua. Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu đám nghị gật phải họp nhau sửa lại điều 60 trong đạo luật, cho phép người lao động có thể rút tiền ra một lần chứ không phải chờ đến lúc về hưu.
Ðiều đáng chú ý là anh chị em công nhân Pou Yuen không đòi hỏi những quyền lợi trước mắt, nhưng đã nhìn xa. Họ buộc nhà nước Cộng Sản phải thay đổi cả một đạo luật. Từ trước đến nay chưa một cuộc vận động nào ở nước Việt Nam đạt được một mục tiêu như vậy. Ðiều này có ý nghĩa chính trị rất lớn.
Cho nên Luật Sư Lê Thị Công nhân nhận xét, “Ðây là một bước tiến đáng mừng của người công nhân lao động. Họ đã nhận thức cao và thái độ ứng xử rất tích cực. Phải nói rằng họ đã bắt đầu quan tâm hơn đến những vấn đề chính trị. Chính trị là làm luật mà! Các công nhân biết xuống đường ngay khi có những thay đổi từ bên trên; chứ không đợi cho đến khi nó trực tiếp ảnh hưởng đối với cá nhân của từng người.”
Trong vụ đình công vừa qua, chúng ta còn thấy thái độ đồng tình của ban giám đốc và chủ nhân xí nghiệp Pou Yuen. Các công ty đặt hàng với Pou Yuen như Nike và Adidas cũng vậy. Họ đã chấp nhận cho 70,000 công nhân ngưng việc, biểu tình trong khuôn viên xí nghiệp suốt mấy ngày trước khi tràn ra đường. Giới tư bản, giới lao động, và tầng lớp quản lý chuyên nghiệp đều là nạn nhân của một đảng mafia, đều bị chúng nã tiền hối lộ, sách nhiễu, bóc lột như nhau! Ðây là lúc có thể cất lời kêu gọi mọi người cùng đoàn kết chống một kẻ thù chung, là đám cướp ngày!
Ðồng bào xã Vĩnh Tân, Bình Thuận chắc cũng đã theo dõi cuộc tranh đấu của công nhân hãng Pou Yuen. Thành công của anh chị em công nhân Pou Yuen cũng giống như kết quả mà dân Hà Nội đã dạt được khi ngăn cản kế hoạch “ăn cây” của băng đảng tay chân Nguyễn Phú Trọng. Mỗi cuộc phản kháng thành công sẽ kích thích cho mọi người ý thức về các quyền lợi của chính mình đã bị Ðảng Cộng Sản tước đoạt. Rất mừng thấy khí thế của dân Việt Nam đang lên, Ðảng Cộng Sản đang lùi từng bước một.
Theo Người Việt-04-17-2015 7:41:45 PM
Ngô Nhân Dụng
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment