Wednesday, March 25, 2015

Nhân quyền vẫn là mảng ‘gai góc’

Theo BBC-5 giờ trước


Đại sứ Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và đại sứ Mỹ (ngoài cùng bên phải) thảo luận
Đại sứ Hoa Kỳ và Việt Nam nói về hợp tác trong nhiều lĩnh vực cũng như về trở ngại chính để đạt được tối đa tiềm năng giữa hai nước.
Tại cuộc thảo luận ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington DC hôm 24/3, Đại sứ hai nước nói về tiềm năng hợp tác song phương trong bối cảnh Hà Nội và Wasington đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Trong phần hỏi đáp giao lưu với khách mời, một số chủ đề được nêu ra bao gồm hợp tác an ninh quốc phòng, môi trường, kinh tế và nhân quyền.
Tuy nhiên chủ đề gây tranh cãi về việc Nga dùng Vịnh Cam Ranh dường như gây chú ‎ ý trước tiên.
Một phóng viên của Reuters đặt câu hỏi cho Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh rằng Hà Nội phản ứng ra sao với quan ngại của Hoa Kỳ trước việc truyền thông đăng tải mới đây về việc Cam Ranh được dùng để tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ của Nga.
Phóng viên này này hỏi rằng việc này có vẫn đang tiếp diễn hay không và điều này có hệ lụy ra sao với khả năng Hoa Kỳ dỡ bỏ thêm lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
"Điều đầu tiên tôi muốn đề cập là chúng tôi có chính sách độc lập trong quan hệ ngoại giao, chúng tôi sẽ không để quan hệ của mình với bất kỳ nước nào gây hại đến bên thứ ba hay nước thứ ba.
“Việt Nam mở cửa cho tất cả các nước sử dụng dịch vụ hậu cần ở cảng Cam Ranh, và điều đó nên được hiểu là không gây hại đến bất kỳ nước nào. Việt Nam và Hoa Kỳ đã thảo luận vấn đề này và có sự hiểu nhau rõ ràng”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Đại sứ Vinh cũng nói thêm rằng “Chúng tôi không có thông tin nào về việc này [tiếp nhiên liệu cho phi cơ ném bom của Nga]”.
Trả lời câu hỏi này, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius nói rằng “Hoa Kỳ tôn trọng những thỏa thuận của Việt Nam với các nước và chúng tôi không ở vị trí để bảo Việt Nam cách họ tạo dựng quan hệ với nước nào và như thế nào. Chúng tôi vui mừng thấy Việt Nam có quan hệ tốt với các nước khác.”
Tuy nhiên ông Osius nói rằng “Nga đã đưa Việt Nam vào thế khó xử bằng việc sử dụng thỏa thuận hai bên có với nhau để triển khai các hoạt động có tính khiêu khích.”

Bán vũ khí

Về câu hỏi liên quan tới lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, Đại sứ Vinh nói:
“Chắc chắn Việt Nam muốn Hoa Kỳ bỏ cấm bán vũ khí hoàn toàn. Đó cũng là biểu tượng chính trị nữa vì năm nay kỷ niệm 20 năm bình thường hóa nên mọi thứ nên được bình thường, bao gồm cả việc này."


“Ngoài thủ tục mua bán thì cũng phải nói đến nhu cầu của hai phía chúng tôi cần gì và phía Mỹ có thể cung cấp gì.”
Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius nói rằng “Hoa Kỳ cung cấp tàu tuần tra biển có tốc độ cao cho Việt Nam có cơ hội bán và chuyển giao công nghệ nhưng chưa có hợp đồng nào cả vì cần có thời gian.
Ông Osius nói rằng “nếu câu hỏi có tính giả định là bao giờ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm thì câu trả lời phụ thuộc vào chủ đề đã được nêu tại buổi thảo luận hôm nay là nhân quyền”.
Nhân quyền là chủ đề mà ông gọi là “hóc búa nhất.”

Nhân quyền

Chủ đề nhân quyền được đưa ra khi luật gia Cù Huy Hà Vũ đặt câu hỏi cho Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Ông Vũ nói “Chính phủ Việt Nam không thể tiếp tục nói rằng họ đã làm tất cả cho chính sách về nhân quyền và Việt Nam và dựa vào các chuẩn mực nhân quyền quốc tế."
“Câu hỏi của tôi cho ông Phạm Quang Vinh là trong tương lai gần chính phủ Việt Nam có thể ngưng trấn áp giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam và ngăn cản giới bất đồng và các tù nhân lương tâm liên lạc với các nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ hay không?”
Đại sứ Vinh trả lời: "Việt Nam đã tham gia vào các công ước quốc tế chính, và chúng tôi bác bỏ việc nói rằng có tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Chúng tôi đang có các cuộc đối thoại với Hoa Kỳ và trao đổi hữu ích và có bất đồng nhưng có sự hiểu nhau thông qua đối thoại và tham vấn."
"Chúng tôi có luật pháp và bảo đảm rằng ai cũng bình đẳng trước pháp luật,” ông Vinh nói.
Trong khi đó Đại sứ Osius nói rằng “Tôi không nghĩ rằng quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam đạt được tiềm năng tối đa cho tới khi có những tiến bộ đáng kể và có thể chứng minh được về nhân quyền."
“Trong lúc này có nỗ lực chung của hai phía. Phía Việt Nam là sửa đổi bộ luật hình sự cho phù hợp với hiến pháp để có sự nhất quán."


“Đối thoại để xem các điều khoản có thể được thay đổi ra sao vì không phải điều nào trong bộ luật hình sự cũng phù hợp với hiến pháp và chúng tôi làm như vậy thông qua đối thoại và tham vấn với cố vấn pháp lý của Hoa Kỳ đóng tại Hà Nội với Bộ Tư pháp Việt Nam."
“Và tôi hy vọng rằng sẽ là điều tốt đẹp nếu trong quá trình sửa đổi đó, Việt Nam ngưng việc bắt người thông qua việc áp dụng các điều luật gây tranh cãi."
“Tôi không biết liệu chúng tôi và Việt Nam có đi tới đồng thuận về điều đó hay không nhưng chúng tôi có đối thoại hữu ích nên hãy kiên nhẫn và chúng ta sẽ có tiến bộ về vấn đề này."
“Tôi không nghĩ là chủ đề nhân quyền dễ giải quyết chút nào. Có một số tiến bộ là rất tuyệt, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta đồng thuận với nhau về tất cả các vấn đề.”
Tại sự kiện này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason đã hỏi Đại sứ Mỹ về l‎ý do khiến Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ông Osius nói ông tin tưởng là có thể hoàn tất đàm phán TPP trong năm nay và nếu thông qua được đàm phán thì đó có thể xem là giải quyết cơ bản khúc mắc trong khái niệm về quy chế kinh tế thị trường.
Đại sứ hai nước cũng đã cập nhật khán giả và đại biểu tham gia sự kiện này về một loạt các lĩnh vực như hợp tác an ninh biển và quốc phòng, môi trường, giáo dục, y tế, hạt nhân dân sự.
Đại sứ Vinh nhấn mạnh về mục tiêu tăng “gấp đôi” mậu dịch song phương trong khi Đại sứ Osius nói ông đặt nhiều hy vọng có thể mở đường bay trực tiếp giữa hai nước trong năm nay.

No comments:

Post a Comment