Wednesday, March 25, 2015

Vì sao VN tụt hậu so với Singapore?

Theo BBC-24 tháng 3 2015
Ông Lý Quang Diệu nhận được sự tôn kính của người dân Singapore
Việt Nam và Singapore có hoàn cảnh rất khác nhau dẫn đến hai nước có sự phát triển khác nhau và Việt Nam có rất nhiều điều để học hỏi từ mô hình phát triển của Singapore, một nhà nghiên cứu từ trong nước nói với BBC.
Tuy nhiên, học giả này cũng thừa nhận rằng sự tụt hậu của Việt Nam so với Singapore ‘phần lớn là do nguyên nhân chủ quan’.
Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, đất nước và cũng từng bị thực dân phương Tây đô hộ như Việt Nam, Singapore dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu, người vừa qua đời hôm 23/3, đã vươn lên một trong những nước giàu nhất châu Á chỉ sau ba thập niên.

‘Việt Nam khác Singapore’

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Vũ Minh Giang, một trong những nhà lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng nói Việt Nam và Singapore giống nhau về hoàn cảnh lịch sử ‘là không thỏa đáng’.
Ông Giang dẫn lời của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người mà ông đã từng có dịp tiếp xúc, nói rằng Việt Nam và Singapore có điểm tương đồng là ‘có nguồn lực con người’.
“Người Việt Nam có khả năng học tập rất nhanh,” ông thuật lại lời ông Lý.
“Singapore có địa kinh tế, địa chính trị thuận lợi với eo biển Malacca là nơi mà tất yếu tàu bè phải đi qua vàSingapore đã tranh thủ tối đa lợi thế trung chuyển giữa hai đại dương,” ông Giang nói.
“Singapore là một đất nước không rộng lớn, dân không đông lắm. Sự cất cánh và chuyển động của một quốc gia không quá lớn cũng có những thuận lợi hơn.”
“Singapore phát triển nhanh cũng liên quan rất chặt đến cá nhân ông Lý Quang Diệu, người có học vấn tốt, có ý chí cao, có quyết tâm mạnh mẽ để đưa nguyện vọng của nhân dân thành hiện thực,” ông nói thêm.
“Việt Nam có hoàn cảnh lịch sử phải trải qua thời kỳ đấu tranh giành độc lập, chiến tranh phía nam rồi phía bắc, phía tây nam,” ông nói. “Điều này đã đưa Việt Nam vào tình thế khó khăn trong nước và trên thế giới.”
Ông Lý Quang Diệu là người đứng sau sự thành công của Singapore
Tuy nhiên, ông Giang cũng thừa nhận là Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực nhưng do ‘đặc điểm kinh tế Việt Nam trong lịch sử là thiên về nông nghiệp’ nên không khai thác được lợi thế này như Singapore.
“Tư duy bao trùm lên xã hội Việt Nam là hướng nội nên người Việt không nhận thấy hết lợi thế về địa lý,” ông nói và phân tích rằng vị trí địa lý tốt của Việt Nam còn là nguyên do Việt Nam ‘bị tai họa’ và ‘bị hết nước này đến nước khác xâu xé’.

‘Tự làm chậm’

Ngoài ra, ông Giang cho rằng Việt Nam ‘không có được sức ép phải vươn lên như Singapore’ vì là một đất nước ‘có đủ điều kiện nội tại như đất đai, tài nguyên’.
“Thiếu nhi (Việt Nam) thường được học là tài nguyên đất nước ta nhiều lắm. Điều này tạo ra suy nghĩ trông chờ vào tài nguyên thiên nhiên,” ông giải thích. “Điều này không tạo ra sức ép đủ mạnh để năng lực người ta phát huy chứ không phải vấn đề là có người tài hay không có người tài.”
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Việt Nam tụt hậu là do ‘có những giai đoạn tự làm chậm’.
“Việt Nam có những lúc không nhận thức hết sự khó khăn, phức tạp của tình hình, có sự duy ý chí nên phải trả giá,” ông nói và thừa nhận đây là ‘nguyên nhân chủ quan từ phía lãnh đạo’.
Ông Giang cho rằng người Việt Nam nên học cách nghĩ, cách làm và ý chí của người Singapore.
Ông Vũ Minh Giang đã từng gặp cố Thủ tướng Lý Quang Diệu
“Việt Nam có sự nể trọng đối với Singapore và đặc biệt là đối với cá nhân cố Thủ tướng Lý Quang Diệu,” ông cho biết. “Rất nhiều quyết sách lớn của các lãnh đạo Việt Nam đều tìm đến sự tư vấn, gợi ý của ông Lý Quang Diệu.”
Theo ông Giang thì Việt Nam nên học ở Singapore việc chú trọng giáo dục, có chính sách để tạo sự minh bạch và quyết tâm trong quyết sách và ‘phải nghiên cứu và ý thức sâu sắc vị trí địa lý của mình’.

‘Hoàn cảnh đưa đẩy’

Về sự khác biệt giữa Việt Nam và Singapore (lúc còn chưa tách ra từ Malaysia) trong con đường giành độc lập từ các nước phương Tây, ông Giang cho rằng ở Việt Nam ‘hoàn cảnh đẩy tới’ phải đi theo con đường của Đảng Cộng sản.
Ông giải thích Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sau khi các phương cách đấu tranh giành độc lập đều thất bại trong khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của Đảng Cộng sản tìm thấy ở Luận cương của Lênin ‘có sự bênh vực các dân tộc thuộc địa’.
“Đảng Cộng sản thành lập cũng với mục tiêu trước hết là giành độc lập và họ cũng bằng tay không mà đòi yêu sách này nọ nhưng đã bị dìm trong bể máu,” ông nói thêm, “Điều đó đã đẩy người làm cách mạng vào con đường đấu tranh vũ trang.”
“Công cuộc giành độc lập còn dang dở sau Hiệp định Geneve cùng với ý đồ của các thế lực trên thế giới khiến Việt Nam bị cuốn vào thời Chiến tranh Lạnh và dẫn đến các cuộc chiến tranh khác,” ông nói.
“Hoàn cảnh như thế không diễn ra tại Singapore.”
“Người Anh họ trả độc lập cho Singapore và Malaysia vì họ nhìn thấy những người ở Malaysia lúc đó đại diện cho tư sản dân tộc, tức là đại diện cho phe đồng minh,” ông giải thích. “Khác với Việt Nam những người giành được chính quyền lại là Đảng Cộng sản nên người Pháp cho rằng là thuộc trận tuyến khác nhau của Chiến tranh Lạnh.

No comments:

Post a Comment