31.12.2015
Việt Nam sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn xử lý các trang tin ‘xấu độc’ bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước trước thềm Đại hội đảng vào tháng giêng tới đây.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn hôm nay tuyên bố đã chỉ đạo các ban ngành hữu quan đấu tranh chống lại thông tin ‘xuyên tạc’ nói xấu chính sách và quan điểm của nhà nước.
Khuyến cáo được đưa ra trong lúc xuất hiện ngày càng nhiều các trang mạng rò rỉ tin tức nội bộ đảng, phản ánh những tiêu cực-tham nhũng của các thành viên trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam giữa bối cảnh leo thang đấu đá phe nhóm vì lợi ích và quyền lực. Một trong những trang phổ biến trong số này là Chân dung Quyền lực, trang blog xuất hiện cuối năm ngoái trước thời điểm Hội nghị Trung ương 10 bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo đảng và chuẩn bị nhân sự cho Ðại hội khóa 12 đầu năm 2016 với các thông tin nhạy cảm mà giới phân tích cho rằng chỉ người ‘bên trong’ mới có được.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam từng làm việc trong quân đội và khối đảng, nhận định:
“Kỳ này, ông Trương Minh Tuấn trả lời tôi thấy có vẻ như là chính quyền đang bất lực trước các trang mạng xã hội. Có làm điều gì đó cũng khó vì nó đang đi sâu vào trong nội bộ, đây là một cuộc tranh đấu nội bộ rất kinh khủng.”
Thứ trưởng Thông tin Truyền thông cho hay giới hữu trách sẽ áp dụng nhiều biện pháp và phương tiện kỹ thuật để ngăn chặn các trang tin chia rẽ nội bộ, đồng thời khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những thông tin đó.
Ông kêu gọi đấu tranh ‘quyết liệt hơn’ với các thông tin ‘xấu’ không chỉ trước Đại hội đảng toàn quốc mà cả trong kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Ông Tuấn nói trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thông tin với Bộ Công an để tiếp tục có biện pháp mạnh vừa bảo đảm tự do internet tại Việt Nam, vừa tuân thủ pháp luật.
Tác động của khuyến cáo này đối với hoạt động của các trang tin phơi bày ‘chân dung quyền lực’ như thế nào?
Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cho rằng:
“Tôi không nghĩ lời khuyến cáo đó có bất kỳ tác dụng nào. Họ không dám xử lý đâu. Tôi cho rằng họ không dám xử lý cho dù có điều tra ra được những đầu mối vì những đầu mối đó có liên quan đến chính phủ, nội bộ.”
Vẫn theo nhà quan sát Phạm Chí Dũng, những đe dọa của nhà nước về việc siết chặt tự do internet và kiểm soát thông tin ‘xấu độc’ sẽ mang lại hiệu ứng ngược. Ông Dũng cho rằng các thông tin bất lợi cho nhà nước sẽ không giảm mà còn tăng lên, bởi vì :
“Cường độ các thông tin nội bộ tỷ lệ thuận với cường độ gia tăng xung đột nội bộ. Từ đây đến Đại hội đảng 12, liều lượng gia tăng xung đột nội bộ sẽ càng tăng lên, tăng lên tới phút chót.”
Tiến sĩ Dũng nói với đà gia tăng mâu thuẫn nội bộ cùng sự phát triển không ngừng của internet, những thông tin mà giới cầm quyền không muốn dân chúng tiếp cận đã thật sự vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà nước Việt Nam.
Nhưng các bản án về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ sẽ tiếp tục nhân lên, nhất là sau vụ bắt giữ luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, theo dự đoán của ký giả độc lập từng bị bắt hồi năm 2012 vì các bài viết chống tham nhũng Phạm Chí Dũng.
Bàn tán về các đề tài chính trị hay phê phán nhà nước là điều cấm kỵ tại Việt Nam, với hàng loạt các blogger, giới hoạt động, và các nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù khiến thành tích nhân quyền của Hà Nội bị quốc tế chê trách.
Gần phân nửa dân số 90 triệu người tại Việt Nam sử dụng internet, 2/3 trong số này là người trẻ dưới 30 tuổi.
Các chiến dịch tăng cường kiểm soát thông tin và trấn áp những tiếng nói không theo ‘lề đảng’ vẫn thường diễn ra trước những Đại hội đảng và các kỳ bầu chọn nhân sự mới cho bộ máy lãnh đạo Việt Nam.
No comments:
Post a Comment