Theo BBC-31 tháng 12 2015
Các nhà quan sát trông đợi và kỳ vọng gì về những chuyển biến chính trị - xã hội Việt Nam trong năm 2016?
Hôm 31/12, BBC Tiếng Việt đã phỏng vấn những người theo dõi sát thời cuộc Việt Nam trong năm qua và hỏi nhận định của họ về năm 2016.
Chính quyền không thể ‘cứ như xưa’
Từ Hà Nội, luật sư Ngô Ngọc Trai, Trưởng văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự cho biết: “Tôi trông đợi trong năm 2016, Việt Nam sẽ tiếp tục các bước cải cách tư pháp còn dở dang trong năm qua để đem lại những bước đột phá cho nền kinh tế đang bị kiềm hãm và giúp cải thiện đời sống người dân cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi doanh nghiệp tốt hơn. Muốn có điều này, chính quyền cần thay đổi nhận thức về hệ thống tư pháp”.
Từ góc độ của người hành nghề luật, ông nhấn mạnh: “Năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản sửa đổi nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trong năm tới để giảm thiểu những vụ án oan, những rầy rà cho người dân và doanh nghiệp. Tôi mong rằng năm 2016, hai Luật Thanh tra và Luật Tố cáo sẽ được cải thiện nhằm tạo điều kiện cho giới luật sư bảo vệ doanh nghiệp cũng như những người tố cáo nhũng nhiễu”.
Ông Trai nói thêm rằng trong năm 2016, giới luật sư “còn nhiều việc phải làm”. Điều quan trọng là luật sư cần thể hiện vai trò tiên phong trong việc đấu tranh để tạo những chuyển biến trong hệ thống pháp luật và tư pháp.
Về những vụ việc đấu tranh dân chủ như trường hợp của luật sư Nguyễn Văn Đài mới bị bắt giam trở lại gần đây, luật sư Trai nói: “Trong bối cảnh nhận thức của người dân ngày càng tốt hơn và mạng xã hội tác động tích cực đến dân trí, tôi tin rằng chính quyền không thể hành xử theo kiểu ‘cứ như xưa’ được nữa”
‘Không lạc quan cũng chẳng bi quan’
Từ TP. Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh cho hay: “Nói thật là tôi không lạc quan cũng chẳng bi quan về tình hình xã hội cũng như phong trào hoạt động nghiệp đoàn tại Việt Nam trong năm mới”.
Bà lý giải: “Những động thái của chính quyền trong việc câu lưu, bắt giam các nhà hoạt động dân chủ, nghiệp đoàn trước Đại hội Đảng 12 khiến ngay cả những người lạc quan cũng phải e ngại và nhận thấy chính quyền đang có sự mập mờ trong việc hành xử với những tiếng nói đối lập”.
Bà nói thêm: “Thách thức lớn nhất với những nhà hoạt động nghiệp đoàn trong năm 2016 là phải đoàn kết hơn nữa, bất chấp những ngăn trở từ phía chính quyền để đấu tranh cho quyền lập hội nhóm và nghiệp đoàn độc lập”.
Nhà hoạt động “hy vọng những người hoạt động nghiệp đoàn đang bị bắt giam như Đoàn Huy Chương và những trường hợp đấu tranh chống cưỡng chế đất đai như Nguyễn Mai Trung Tuấn sẽ sớm được trả tự do trong năm 2016. Chính quyền cũng phải thừa nhận rằng ngày càng có thêm nhiều người dân ủng hộ các hoạt động dân sự, nghiệp đoàn”.
‘Năm quyết định’
Từ Ottawa, Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định 2016 là năm mang tính ‘quyết định thời cuộc Việt Nam giống như năm 1986 mở đường cho ‘đổi mới’”.
“Có thể thấy, sự kiện quan trọng nhất năm 2016 của Việt Nam là kỳ Đại hội Đảng 12. Những người lạc quan thì mong đợi kỳ Đại hội này sẽ thiết lập chính phủ mới, quốc hội mới đáp ứng được những kỳ vọng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, luật sư nói.
Tuy vậy, ông cũng thừa nhận: “Rủi ro lớn nhất là phe cấp tiến thân phương Tây trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng không giành thắng lợi trong Đại hội do lực cản từ phía Trung Quốc. Điều này dẫn đến hệ lụy là sẽ làm chậm tiến trình TPP, khiến Việt Nam đánh mất nhiều cơ hội cải cách xã hội và đạt mức tăng trưởng kinh tế mới”.
Ông dự báo mọi chuyển biến của Việt Nam chỉ thật sự rõ ràng khi Đại hội Đảng 12 kết thúc và đem lại kết quả ‘khiến người dân cảm thấy an lòng là Đảng Cộng sản và nhà nước quyết định chọn con đường mới để đi thay vì tiếp tục núp bóng Trung Quốc’.
No comments:
Post a Comment