Thursday, December 31, 2015

'Đảng họp cả năm không xong nhân sự'

TS. Đoàn Xuân Lộc Gửi cho BBC từ Anh quốc 

9 giờ trước 

Image copyrightGetty
Image captionTBT Nguyễn Phú Trọng nêu ra các tiêu chuẩn 'phi thực tế'
Tám tháng trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri Hà Nội rằng công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng Cộng sản 12 ‘rất khó khăn, phức tạp’.
Khi gặp cử tri cách đây chỉ ba tuần, ông lại nói công tác nhân sự cấp cao cho khóa 12 ‘cũng còn rất nhiều khó khăn phải tháo gỡ’.

Cả năm không xong ‘nhân sự’

Đến tận tháng 12, những ‘khó khăn’ ấy vẫn chưa được hoàn toàn ‘tháo gỡ’ tại khi hội nghị 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa mới kết thúc hôm 21 vừa qua.
Kéo dài đến tám ngày – tương đương với thời gian của đại hội 12 (từ ngày 21 đến 28/01/2016) – hội nghị này vẫn chưa giải quyết xong trường hợp ủy viên Bộ Chính trị (BCT) và Ban Bí thư khóa 11 quá tuổi tái cử để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Như VietnamNet hôm 21/12 tường thuật, kết thúc hội nghị này BCH đã giao BCT ‘tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt’ và ‘trình hội nghị Trung ương 14 xem xét, quyết định’.
Vậy chuyện nhân sự cấp cao còn kéo sang cả năm 2016 và cần thêm một hội nghị BCH Trung ương nữa trước đại hội 12 để quyết định.
Trong năm 2015, BCH Trung ương đã có đến bốn hội nghị và nhân sự luôn là trọng tâm của những hội nghị này.
Vì sao vấn đề nhân sự lại khó khăn, phức tạp, kéo dài?

Chia rẽ cấp cao nhất

Đầu tiên là vì khác biệt, đối nghịch về đường hướng – hay thậm chí chia rẽ, tranh giành quyền lực – trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng xảy ra nhưng những năm vừa qua bộc lộ ngoài nhiều nhất.
Tại hội nghị 6 năm 2012 Ban chấp hành Trung ương bác đề nghị của Bộ Chính trị muốn kỷ luật người mà Chủ tịch Trương Tấn Sang gọi là ‘đồng chí X’ mà dư luận cho là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Điều này cho thấy có sự bất đồng, chia rẽ không chỉ giữa Bộ Chính trị với Ban chấp hành Trung ương mà còn giữa một số nhân vật trong Bộ Chính trị với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Chia rẽ, đấu tranh, giằng co giữa các cá nhân, phe nhóm trong giới lãnh đạo là lý do gây bất đồng về nhân sự cấp cao – đặc biệt về việc ai là trường hợp quá tuổi quy định được tái đắc cử để đảm nhiệm ví trị lãnh đạo chủ chốt, gồm chức Tổng Bí thư tại đại hội 12.
Có nhiều lý do dẫn đến sự chia rẽ, tranh giành quyền lực ấy.
Một trong những lý do đó là trong giới lãnh đạo hiện tại không có ai hoàn toàn vượt trội và nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm của nhiều thành phần, phe phái trong Đảng.

Image copyrightGetty
Image captionĐã qua nhiều vòng hội nghị mà Đảng vẫn chưa nhìn thấy giải pháp về nhân sự
Hơn nữa, xem ra hai xu hướng, thế lực trái ngược, đối nghịch trong Đảng Cộng sản – một bên thân phương Tây, muốn cải cách, cởi mở và một bên nghiêng về Trung Quốc, luôn bảo thủ – đang cạnh tranh ngang ngửa.
Nếu trước đây những người bảo thủ, giáo điều, luôn kiên định chủ nghĩa xã hội thường chiếm số đông, ưu thế trong Đảng, thì bây giờ có thể giờ họ không còn đủ đông, đủ mạnh để giành thế thắng.

Tiêu chuẩn phi thực tế

Phát biểu bế mạc hội nghị 11, ông Nguyễn Phú Trọng đã nêu một loạt tiêu chuẩn để được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa 12.
Trong các tiêu chuẩn đó có lối sống trong sáng, có phẩm chất đạo đức, trí tuệ, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
Họ cũng phải không có những khuyết điểm như ham mê quyền lực, tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, có lối sống thiếu gương mẫu, không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ.
Đọc thoáng qua chắc có người có cảm giác các ủy viên trong Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị luôn liêm khiết, trong sáng, gương mẫu, cởi mở, thức thời, nhạy bén, dám từ bỏ quyền lợi cá nhân, hết lòng phụng vụ đất nước và nhân dân.
Nhưng đọc kỹ bài phát biểu của ông Trọng, ai cũng có thể hiểu trong Ban chấp hành Trung ương có không ít kẻ ‘tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi’, ‘xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm’.
Vì nếu không có những thành phần đó, chắc ông Trọng không cần nêu ra những tiêu chuẩn ấy.
Hơn nữa, như ông Trọng mô tả, vấn đề nhân sự liên quan đến con người. Và theo cảm nghiệm của ông, là con người ‘ai cũng nghĩ mình giỏi hơn người khác, ai cũng nghĩ mình thiệt hơn người khác’.
Vì vậy, thử hỏi trong quan chức Việt Nam mấy ai hội đủ những tiêu chuẩn đó để được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị?
Trong những ủy viên Bộ Chính trị quá tuổi đang được xem xét tái cử, để nắm giữ các vị trí chủ chốt – đặc biệt chức Tổng Bí thư – ai là người vừa không bảo thủ, trì trệ, vừa không tham nhũng, không phe cánh và lợi ích nhóm và đặc biệt không ham mê quyền lực?
Phi lý và phi thực tế nhất trong những tiêu chuẩn ông Trọng nêu là ‘không ham mê quyền lực’.
Các đảng phái chính trị được thành lập hay các cá nhân tham gia chính trị trước hết chỉ vì muốn có quyền lực. Các đảng viên tranh nhau nắm quyền lãnh đạo đảng mình hay các đảng tranh giành nhau để nắm quyền lãnh đạo đất nước cũng vì tham vọng đó.
Image copyrightAFP
Image captionĐảng CS muốn tìm ra các lãnh đạo 'không ham mê quyền lực'
Điều này càng đúng với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể nói, tiến hành ‘cướp’ hay ‘giành chính quyền’ và tìm mọi cách để nắm quyền sau khi ‘giành’ được chính quyền – như không chấp nhận đối lập, không tổ chức bầu cử tự do, đa đảng hoặc buộc quân đội phải bảo vệ mình – tất cả đều vì ‘ham mê quyền lực’.
Hiện tại trong Đảng đang có sự cạnh tranh, thậm chí tranh giành nhau để nắm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt hay vẫn muốn được tái cử dù quá tuổi quy định cũng chỉ vì ‘ham muốn quyền lực’.
Cá nhân, phe phái, đảng phái nào cũng ‘ham muốn quyền lực’ vì quyền lực luôn gắn liền với quyền lợi.
Có quyền lực chắc chắn sẽ có quyền lợi và vì độc đảng, quyền lực càng nhiều, quyền lợi càng lớn; chức quyền càng cao, càng dễ tham nhũng và không chỉ bản thân mà ‘vợ, chồng, con, người thân’ cũng có thể ‘lợi dụng chức quyền để trục lợi’.
Vì nhiều tiêu chuẩn được ông Trọng nêu ra quá cao siêu, xa vời và trái ngược với những gì đang xảy ra trong Đảng, chuyện dựa vào những tiêu chuẩn đó để bầu chọn nhân sự là một điều rất khó, thậm chí là chuyện không tưởng.

Thiếu công khai dân chủ

Nguyên nhân chính yếu khiến công tác nhân sự của Đảng Cộng sản trước các kỳ đại hội và đại hội 12 này nói riêng ‘khó khăn, phức tạp’ là việc bầu chọn lãnh đạo không dân chủ.
So với trước đây, giờ Đảng có minh bạch hơn trong việc cho đảng viên và người dân biết về các chủ đề liên quan đến nhận sự được thảo luận trong các hội nghị Trung ương hay về cơ chế, tiêu chuẩn lựa chọn lãnh đạo.
Nhưng bầu chọn nhân sự cao cấp vẫn là chuyện bí mật và người dân cùng đa số đảng viên không có tiếng nói gì.
Image copyright
Image captionNgười dân Việt Nam không được có ý kiến gì về chọn lựa nhân sự cao cấp trong Đảng Cộng sản
Ngay cả đến giờ danh sách ứng viên được chọn bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa 12 – hay ai là trường hợp quá tuổi đang được xem xét tái cử - vẫn không được tiết lộ.
Bầu chọn nhân sự cấp cao hoàn toàn nằm trong tay một nhóm nhỏ và việc bầu chọn đó lại diễn ra không minh bạch, thiếu dân chủ, thiếu cạnh tranh lành mạnh, chuyện nhân sự cấp cao khó khăn, phức tạp không có gì là khó hiểu.
Nếu để những ai trong Đảng muốn nắm giữ bốn ví trị cao nhất được công khai tranh cử và các đảng viên tham dự Đại hội, hoặc xa hơn nữa, tất cả các đảng viên – bầu chọn lãnh đạo, chuyện nhân sự không có gì là khó khăn, phức tạp.
Chưa nói đến chuyện tổ chức bầu cử tự do, đa đảng, nếu làm được vậy Đảng Cộng sản không phải mất nhiều thời gian hội họp, ngân sách nhà nước không phải tốn kém, và Việt Nam cũng có được những lãnh đạo có tài, có tâm hơn.
Nếu làm được như vậy, cũng không cần vô số tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định (về tuổi tác) làm gì.
Ai có phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tầm nhìn, có sức khỏe, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung hay ai tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, bảo thủ, trì trệ, chắc chắn các đại biểu tham dự đại hội hay đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam biết rõ.
Trong số các lãnh đạo hiện tại, ông Nguyễn Phú Trọng là người tiếp xúc cử tri nhiều nhất. Ông cũng là người thường trích dẫn những câu nói trong dân gian, thậm chí cả Truyện Kiều để nói về vấn đề nhân sự.
Nhưng không biết ông có thực sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng, bức xúc của cử tri hay có thời gian đọc những bài viết, bản tin về nhân sự Đảng CS và bình luận của người dân về bài viết, bản tin ấy trên báo chí Việt Nam?
Trong các bình luận về bài viết ‘Tổng Bí thư: Công tác nhân sự đang làm bài bản nhưng còn rất khó khăn’ trên Dân Trí ngày 08/12/2015, có bình luận ‘Dựa vào Dân là HẾT KHÓ KHĂN’.
Trong phản hồi về bài ‘Thông qua danh sách ứng cử ủy viên Bộ Chính trị’ trên Vietnamnet ngày 21/12/2015, có người bình luận: ‘Sợ nhất là những người GIÁO ĐIỀU, BẢO THỦ. Đất nước mãi tụt hậu vì những người như vậy’.
Một người khác viết: ‘Đọc hết lời của TBT nhưng suy nghĩ mãi vẫn không hiểu được “Dân chủ XHCN” là như thế nào, nó khác dân chủ tư bản ở chỗ nào …’.
Đây cũng hai bình luận được nhiều người thích nhất.
Nếu ông Trọng và nhiều lãnh đạo là người ‘chịu nghiên cứu học hỏi’, không ‘bảo thủ, trì trệ’ thì chắc chắn họ sẽ biết tiếp thu những ý kiến, nguyện vọng đó của người dân và tiến hành những thay đổi thích hợp trong vấn đề nhân sự và đường lối lãnh đạo nói chung.
Còn vẫn cứ ‘bảo thù, trì trệ’, không chịu thay đổi, chuyện bầu chọn lãnh đạo của Đảng Cộng sản sẽ còn mãi mãi ‘khó khăn, phức tạp’.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc từ Anh Quốc. Quý vị có ý kiến phản biện lại bài này hoặc đóng góp quan điểm về Đại hội Đảng 12 xin chia sẻ với BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

No comments:

Post a Comment