Theo daikynguyenvn-24/12/2015
Công nhân tại mỏ than Hà Tu-Quảng Ninh tháng 12/2015 (Ảnh tư liệu/Đại Kỷ Nguyên)
Chỉ còn vài ngày nữa, Luật BHXH sửa đổi sẽ có hiệu lực (1/1/2016). Bộ luật mới có nhiều điểm thay đổi quan trọng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến người lao động, bao gồm trên cả cơ chế thu, chi.
Người nước ngoài cũng phải đóng BHXH
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nhóm đối tượng này bao gồm: người lao động có thời hạn hợp đồng từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Như vậy, so với Luật BHXH hiện hành, nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHXH đã tăng từ 6 lên 9 nhóm.
Tăng thời gian thu
Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, khi NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu và có 25 năm đóng BHXH thì sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%. Tỉ lệ giảm trừ khi nghỉ hưu trước tuổi là 1%/năm.
Thế nhưng, theo Luật BHXH 2014, để đạt được mức tối đa 75%, lao động nữ phải đóng BHXH đủ 30 năm và 35 năm đối với nam, đồng thời mức giảm trừ khi nghỉ hưu trước tuổi tăng lên 2%/năm.
Theo quy định cũ, nam đóng BHXH 15 năm thì mức lương hưu bằng 45% mức lương trung bình làm căn cứ đóng lương hưu. Nhưng từ 2018, để hưởng mức 45% thì thời gian tham gia BHXH phải đủ 16 năm, tăng dần đến 2022 thì nam giới phải tham gia 20 năm để hưởng mức 45%.
Với lao động nữ thì giữ nguyên là 15 năm đóng BHXH như hiện tại.
Tăng mức thu
Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, lấy mức tiền lương gồm lương và phụ cấp làm căn cứ tính đóng BHXH, thay vì chỉ dựa trên lương như trước.
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, bảng lương làm căn cứ đóng BHXH bao gồm cả lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Đối với người thuộc cơ quan Nhà nước tham gia BHXH từ 1/1/2016, lương hưu, trợ cấp một lần được lấy theo bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu, thay vì bình quân 5 năm cuối như trước.
Điều chỉnh chi đối với chế độ thai sản, trợ cấp ốm đau
Đối với lao động nữ, mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Đối với lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con được nghỉ 5 -14 ngày tùy trường hợp. Trong trường hợp chỉ có người chồng tham gia BHXH thì khi vợ sinh con vẫn được nhận trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở. Đây là điểm mới trong quy định cũ không có.
Ngoài ra, Luật BHXH mới bổ sung thêm chế độ thai sản đối với người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ.
Mức trợ cấp ốm đau được điều chỉnh tăng so với trước đó. Cụ thể, mức trợ cấp bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 24 ngày thay vì chia 26 ngày như hiện hành.
Mức hỗ trợ ốm đau dài ngày (từ ngày thứ 181 trở đi – tức trên 6 tháng) tăng lên mức 50%so với 45% hiện tại.
Sửa đổi quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày. Cụ thể, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau là 30% lương tối thiểu chung/ngày.
Trong quy định hiện hành, mức hưởng là 25% lương tối thiểu chung/ngày (nếu nghỉ tại nhà) và 40% lương tối thiểu chung/ngày (nếu nghỉ tập trung).
Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) vừa được thông qua đã lần đầu tiên đưa nhóm tội danh vi phạm BHXH, BHYT, BHTN [1] vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với các hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, mức xử phạt hành chính tối đa là từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, xử phạt hình sự tối đa từ 5 năm đến 10 năm tù.
Ngoài ra, bộ luật cũng mở rộng đối tượng hình sự sang pháp nhân thay vì chỉ cá nhân như trước.
|
Phan A
No comments:
Post a Comment