Sunday, December 6, 2015

Dân Miến Ðiện tự do và hạnh phúc

Theo Người Việt-12-04-2015 7:18:37 PM 
Ngô Nhân Dụng
Thứ Ba vừa rồi, ngày 1 tháng Mười Hai năm 2015, Tổng Thống Thein Sein nước Miến Ðiện (Myanmar) đã gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng đối lập. Hai người bàn chuyện chuyển giao quyền hành sau khi đảng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ (NLD) thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Không riêng gì dân Miến Ðiện vui mừng, cả thế giới cũng muốn chia vui với họ.

Trong cuốn Ðường Thành Công của Huân Tước Baden Powell, nhà sáng lập phong trào Hướng Ðạo ca ngợi dân tộc Miến Ðiện (Burma) hết lời. Trong chương mở đầu cuốn Rovering to Success in năm 1922, ông viết: “Miến Ðiện là dân tộc hạnh phúc nhất.” Nhận xét đó bây giờ còn đúng hay không?
Tháng Ba năm 2015, viện Gallup công bố kết quả một cuộc nghiên cứu dư luận dân Miến Ðiện về hạnh phúc, với một câu hỏi thu hẹp: Sau những cởi mở chính trị, người dân Miến được tự do, họ có hài lòng hay không? Kết quả là cứ 10 người thì 8 người nói họ cảm thấy sung sướng hơn vì được tự do lựa chọn làm gì trong đời sống của mình. Chế độ độc tài được nới lỏng từ năm 2012, mỗi năm Gallup đều phỏng vấn dân Miến, và tỷ lệ hài lòng đã gia tăng đáng kể: Năm 2012 là 65%, năm sau là 73%, và năm nay lên tới 79%. Viện nghiên cứu cũng hỏi có ai cảm thấy không vui mừng trước sự thay đổi chính trị này hay không, kết quả cho thấy số người không hài lòng đã giảm trong ba năm kể trên: từ 29% năm 2012 xuống chỉ còn 19% trong năm nay.
Cuộc phỏng vấn của Gallup cũng hỏi về công ăn việc làm. Hơn một nửa (53%) người dân Miến nói rằng bây giờ tìm việc làm rất dễ dàng, so với những tỷ số 32% năm 2012 và 42% năm 2013. Lòng tin tưởng vào tương lai kinh tế của dân Miến cao hơn các nước láng giềng. Chỉ có 45% dân Singapore lạc quan như họ, và người Việt Nam còn bi quan hơn nữa, chỉ có 42% nghĩ dễ kiếm được việc làm.

Những gì đã thay đổi trong ba năm qua? Cho tới năm 2011, chế độ quân phiệt ở Myanmar vẫn cấm không cho dân được tự do hội họp, tự do phát biểu, vẫn cầm tù lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi. Nước Miến Ðiện bị cô lập vì bị cả thế giới cấm vận, chỉ liên hệ mật thiết với chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc, trong việc bán rừng, bán mỏ và xây dựng đập thủy điện! Nhưng Tổng Thống Thein Sein đã gặp bà Suu Kyi để cho biết quyết định thay đổi toàn diện. Báo chí được tự do, các đảng chính trị được hoạt động, doanh thương dễ dàng hơn, bà Suu Kyi với các đảng viên Liên Minh NLD ra ứng cử trong một cuộc bầu cử phân bộ, và họ toàn thắng. Số người dùng mạng thông tin Internet đã tăng lên từ 3% năm 2012 tới 31% hiện nay, vẫn còn thấp theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng đã tiến rất nhanh.

Baden Powell cũng ngợi khen cả tính buông xả, không màng của cải vật chất trong đời sống người Miến: “Họ đặc biệt không ham kiếm tiền, đến nỗi có người coi họ là lười biếng.” Cái tính “không tham” này nay vẫn còn. Một cuộc nghiên cứu khác của CAF (Charities Aid Foundation) về “Chỉ số Bố thí” cho thấy đến năm 2015 người Miến vẫn không màng tiền bạc! Chỉ số “World Giving Index” mới được lập ra từ sáu năm nay, ghi nhận tính vị tha của dân chúng các quốc gia biểu lộ trong ba lãnh vực được đo lường và quan sát: Tặng tiền bạc cho người yếu kém, giúp đỡ những người không quen biết, và số người tham gia các công tác thiện nguyện. Trong bảng “Chỉ số Bố thí 2015,” có 145 quốc gia được xếp hạng, bao gồm 96% tổng số loài người. Nhiều người có thể ngạc nhiên: Nước đứng hàng đầu về tính vị tha và hành động bố thí tiền bạc hay công sức là Miến Ðiện! Nước hạng nhì là Hoa Kỳ, sau đó theo thứ tự là New Zealand, Canada rồi Australia. Nước Anh, nơi CAF đặt trụ sở, đứng hàng thứ sáu, sau năm nước cựu thuộc địa của mình!

Dân các nước giầu không nhất thiết hay bố thí; vì trong số 20 nước giầu nhất thế giới (G-20) chỉ có năm nước đứng trong số 20 quốc gia bố thí nhiều nhất. Nếu quý vị tò mò muốn biết, xin kể thêm, Việt Nam đứng hàng thứ 79, dưới trung bình một chút; nhưng vẫn khá hơn dân lục địa Trung Quốc: Họ đứng hàng 144, nghĩa là áp chót, so với Ðài Loan, hàng thứ 35! Các nước Cộng Sản cũ thường đứng hạng rất thấp: Hungary 124, Nga hàng thứ 129, Cộng Hòa Tiệp, 130.

Trong việc tặng dữ tiền của, dân những nước nghèo cũng dẫn đầu: Dân Miến Ðiện hạng nhất, 92% dân số làm việc bố thí, hạng nhì là Thái Lan, 87%. Những nước đông dân thì số người bố thí cũng nhiều: Ấn Ðộ đứng đầu, 194 triệu người, nhưng Trung Quốc chỉ có 92 triệu đi bố thí; thua cả Mỹ (164 triệu), Indonesia (121 triệu), và chỉ gấp đôi Thái Lan (48 triệu) mặc dù dân số lớn gấp 19 lần. Dân Miến Ðiện rộng rãi chia sẻ tài vật với đồng loại mặc dù kinh tế nước họ vẫn rất thấp, sau nửa thế kỷ sống dưới chế độ độc tài. Hơn một nửa số dân (54%) nói năm ngoái nhiều lúc không đủ tiền mua thực phẩm và 49% thiếu thốn về nhà ở.

Người Miến Ðiện hạnh phúc, nhất thế giới như Baden Powell khen, có lẽ chính nhờ đức vị tha, thương người, lo giúp đỡ người khác. Nhưng chế độ chính trị chắc chắn ảnh hưởng tới tâm lý này. Cuộc nghiên cứu của Gallup cho thấy năm nay 2015 dân Myanmar hài lòng với cuộc sống hơn các năm trước chính vì họ được sống tự do hơn. Họ có thể cũng cảm thấy yêu đời hơn khi nhìn lên những người đang nắm quyền hành mà cảm thấy có thể kính trọng được, chứ không như người dân những nước chỉ cảm thấy thù ghét và khinh bỉ bọn người đóng vai lãnh đạo. Chế độ độc tài ở Miến Ðiện đã tự nguyện thay đổi, dù biết họ sẽ mất quyền bính. Cách ăn ở của giới lãnh đạo quân phiệt cho thấy họ vẫn là những người có tư cách, biết đạo lý, chứ không phải chỉ là những kẻ tham quyền cố vị chỉ bám lấy địa vị để bòn rút, ăn hối lộ, chiếm của công làm của riêng.
Giới lãnh đạo Miến Ðiện cũng được các nước chung quanh kính mộ. Tại phiên họp mười nước ASEAN ở Kuala Lumpur, trong lễ bế mạc thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak cũng lên tiếng cảm ơn Tổng Thống Thein Sein đã đưa nước ông tiến vào đường dân chủ hóa, xây dựng một “nước Myanmar dân chủ mới.”
Giới lãnh đạo quân phiệt Miến Ðiện đã chấp nhận trả lại cho dân quyền sống tự do, quyền quyết định về tương lai xứ sở, sau khi họ thấy chính sách độc tài đã đưa quốc gia đến cảnh nghèo nàn, lạc hậu và càng ngày càng lệ thuộc vào nước láng giềng Trung Cộng. Hành động chuyển hướng đầu tiên của họ là chấm dứt một dự án thủy điện trị giá ba tỷ Mỹ kim do Trung Cộng bảo trợ, sau khi dân chúng biểu tình phản đối. Những quân nhân này bảo vệ được quốc thể và danh dự của chính mình, vì họ vẫn giữ được nền nếp đạo lý cổ truyền của dân tộc họ, không tin theo một chủ nghĩa mơ hồ viển vông nhập cảng từ nước ngoài.

Trong cuộc gặp gỡ ngày 1 Tháng Mười Hai vừa qua, sau khi đảng của ông Thein Sein bị dân gạt bỏ, ông đã chúc mừng bà Aung San Suu Kyi thắng lớn, Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ chiếm 80% các ghế đại biểu Quốc Hội ngoài số dành riêng cho quân đội. Ðáp lại, Suu Kyi công khai cảm ơn ông Thein Sein đã sẵn sàng buông bỏ quyền bính, tổ chức bầu cử tự do vào năm 2012 và năm nay, nhờ thế nước Myanmar có thể dấn bước trên đường dân chủ hóa. Hai người đồng ý chính quyền cũ và mới phải hợp tác với nhau để việc chuyển giao quyền hành được tốt đẹp, vì lợi ích của dân Myanmar. Ít thấy một cuộc cách mạng thay đổi chế độ nào diễn ra trong không khí tương kính, lành mạnh và tôn trọng danh dự của nhau như vậy. Ngay sau khi gặp ông Thein Sein, bà Suu Kyi còn đến gặp Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội. Tướng Hlaing đưa ra bản thông cáo nói rằng hai người đã nhất tâm cộng tác với nhau để bảo vệ trật tự, đoàn kết, tinh thần thượng tôn pháp luật, cùng nhau lo phát triển kinh tế. Con đường dân chủ hóa còn dài, vì bản Hiến Pháp vẫn cần được thay đổi để tách quân đội ra khỏi guồng máy chính quyền. Nhưng với những người lãnh đạo biết đạo lý và tôn trọng lẫn nhau thì dân Miến Ðiện sẽ đạt được mục đích sống dân chủ, tự do, và hạnh phúc.

Trong bài ca ngợi dân tộc Miến Ðiện, Baden Powell đã trích dẫn lời nhà văn Fielding Hall, trước đây một thế kỷ đã viết trong cuốn “Linh hồn một dân tộc” (Soul of a People) về dân Miến Ðiện như sau: “Dù mỗi cá nhân người Miến Ðiện có thể thành công hay thất bại, nhưng dân Miến Ðiện vẫn là dân tộc vĩ đại nhất trên thế giới, vì họ là dân tộc hạnh phúc nhất.”

Người Việt Nam nào cũng phải tự hỏi: Tại sao nước mình không được như họ?

No comments:

Post a Comment