Anh Vũ, thông tín viên RFA 2015-11-24
Các bé ở Làng thiếu niên Thủ Đức. Các bé ở Làng thiếu niên Thủ Đức. courtesy kenh14.vn
Việc mua bán con nuôi ở một số cơ sở bảo trợ xã hội, với chức năng chăm sóc các cháu có hoàn cảnh khó khăn là điều từng xảy ra ở Việt Nam.
Sau những vụ tai tiếng như vụ Chùa Bồ Đề ở Hà Nội, việc quản lý ở các trung tâm bảo trợ xã hội được chấn chỉnh đến đâu?
Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH cho biết, ở VN hiện có khoảng 176.000 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, đa số đang sống trong các cơ sở nuôi dưỡng của Nhà nước, các tổ chức từ thiện - xã hội, các tổ chức tôn giáo, hoặc tư nhân.
Quy định về con nuôi không rõ ràng hay không trách nhiệm
Bà Mai ở Làng Thiếu niên Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết suy nghĩ của bà trong việc nuôi dạy các cháu trẻ mồ côi:
“Chăm sóc các nhỏ cũng mệt lắm vì chúng quậy, song mình phải kiên trì, tại vì mình nghĩ mấy đứa con ấy nó mồ côi, nên mình càng thương chúng nó nhiều hơn. Cuộc đời của chúng nó đã thiệt thòi quá nhiều, nên giờ mình phải bù đắp cho chúng nó.”
Tuy nhiên, cũng có một số cá nhân và tổ chức đã lợi dụng việc chuyển nhượng những đứa bé này dưới danh nghĩa cho, nhận con nuôi để thu lợi bất chính.
Điển hình như vụ mua bán trẻ em ở Chùa Bồ Đề, Gia lâm. Báo Người Lao động cho biết, ngày 9/9/2015, Tòa án nhân dân quận Long Biên, Hà Nội đã xét xử vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, và Tòa đã tuyên án 2 bị can Phạm Thị Nguyệt 48 tháng tù, và Nguyễn Thị Thanh Trang (người quản lý nhà mở tại chùa Bồ Đề) 42 tháng tù vì tội mua bán trẻ em.
Việc một số các cơ sở bảo trợ xã hội mua lại những đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn, từ các cơ sở khám chữa bệnh của tư nhân là điều có thật và sau đó họ dùng vào mục đích gì thì không khó có câu trả lời. TS. Xã hội học Đỗ Khải Huyền khẳng định:
“Ở các trung tâm bảo trợ họ đều có nói rằng có các em sinh ra ngoài ý muốn được bán vào các Chùa, song tôi không muốn tin vào các điều ấy. Nhưng mà vì có rất nhiều các thông tin khẳng định rằng có việc đó, tại các phòng khám tư nhân họ đã thừa nhận đã từng bán những đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn vào các ngôi Chùa này.”
Đó là những việc làm trái pháp luật, cơ sở bảo trợ xã hội chỉ có vai trò chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chứ không được phép nhận nuôi con nuôi. PGS.TS. Nguyễn Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật nhận định:
Cha mẹ nuôi phải là một cá nhân, một cặp vợ chồng, chứ nhà Chùa không thể là cha mẹ nuôi được. Như vậy những đứa trẻ được nuôi ở Chùa Bồ đề chỉ là quan hệ chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chứ không phải là quan hệ nuôi con nuôiPGS.TS. Nguyễn Minh
“Nuôi con nuôi đúng luật nghĩa là, một bên làm cha, làm mẹ và một bên là đứa trẻ là con nuôi. Chùa thì không thể nuôi con nuôi và không thể đăng ký nuôi con nuôi theo luật được. Bởi vì cha mẹ nuôi phải là một cá nhân, một cặp vợ chồng, chứ nhà Chùa không thể là cha mẹ nuôi được. Như vậy những đứa trẻ được nuôi ở Chùa Bồ đề chỉ là quan hệ chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chứ không phải là quan hệ nuôi con nuôi. ”
Tình trạng các cơ sở bảo trợ xã hội lạm dụng chính sách xã hội hóa việc chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đa số là theo lối tự phát, đã khiến nhà nước hiện nay không kiểm soát được. PGS.TS. Nguyễn Minh nhận xét:
Cũng có không ít các cơ sở ngoài công lập họ cứ hoạt động tự phát, nên việc chăm sóc nuôi dưỡng không được quản lý chặt chẽ. Họ đưa trẻ ra ngoài cơ sở nuôi dưỡng cũng không có ai quản lý hoặc ngay cả trong lúc chăm sóc nuôi dưỡng cũng không đảm bảo. Theo tôi nghĩ, đó là mặt trái của vấn đề xã hội hóaPGS.TS. Nguyễn Minh
“Cũng có không ít các cơ sở ngoài công lập họ cứ hoạt động tự phát, nên việc chăm sóc nuôi dưỡng không được quản lý chặt chẽ. Họ đưa trẻ ra ngoài cơ sở nuôi dưỡng cũng không có ai quản lý hoặc ngay cả trong lúc chăm sóc nuôi dưỡng cũng không đảm bảo. Theo tôi nghĩ, đó là mặt trái của vấn đề xã hội hóa.”
Tình trạng lợi dụng danh nghĩa con nuôi
Tình trạng lợi dụng danh nghĩa việc cho nhận con nuôi để trục lợi còn phổ biến, lỗi này phải thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Và việc điều tra, xử lý các trường hợp trẻ bị mất tích một cách bí ẩn trong các cơ sở bảo trợ xã hội đến nay vẫn không được coi trọng. TS. Đỗ Khải Huyền khẳng định:
“Trẻ em bị bỏ rơi tức là không xác định được cha mẹ của mình, nhưng nhà Chùa lại cho rằng cha mẹ các cháu đón về là điều cực kỳ bất hợp lý. Do vậy tôi không hiểu rằng việc quản lý các trẻ em ở các cơ sở này về mặt nhà nước là do ai quản lý và giám sát thế nào mà để xảy ra các bất cập như vậy?Và sự biến mất của rất nhiều các em bé khác, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời.”
Nói về vai trò quản lý của nhà nước trong vấn đề này, ông Nam một cán bộ phụ trách vấn đề con nuôi, thuộc Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư Pháp thừa nhận :
“Quy định về việc nhận con nuôi chúng ta đã có các quy định rõ ràng, văn bản pháp luật chúng ta không thiếu. Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội tọa lạc ở đâu thì do UBND Phường, Xã khu vực ấy quản lý. Song luật có quy định như vậy mà vẫn xảy ra các tình trạng nói trên, trước hết là do những người làm trong các cơ sở nói trên vẫn chưa nhận thức đủ. Và các UBND Phường, Xã khu vực ấy lẽ ra phải có trách nhiệm quản lý, thì họ lại lơ là và buông lỏng quản lý.”
Trả lời câu hỏi, nguyên nhân do đâu dẫn đến việc mua bán trẻ mồ côi dưới danh nghĩa cho, nhận con nuôi không giảm? Ông Nguyễn Minh cho rằng tình trạng buông lỏng quản lý ở cấp Phường, Xã đã khiến việc lợi dụng danh nghĩa nuôi con nuôi để trục lợi. Và thực trạng này có xu hướng gia tăng. Ông Nguyễn Minh tiếp lời:
“Cái không được đó là việc làm tự phát, do anh không đủ điều kiện nên anh không quản lý được. Hơn nữa anh chăm sóc các bé trong khi anh không có nguồn lực thì anh phải đi xin xã hội. Đó là cái không nên, vì do anh không quản lý được một cách hợp pháp. Từ đó chính quyền địa phương cũng không quản lý được, do anh nhận bé vào mà không quản lý được, cho các bé ra cũng không quản lý được. Đó là một cái sơ hở lớn. Chứ còn các cơ sở ngoài công lập là hợp pháp, chăm sóc nuôi dạy các cháu đúng quy định của luật pháp thì hoàn toàn phù hợp.”
Việc xã hội hóa các cơ sở bảo trợ xã hội, dưới danh nghĩa chăm sóc các cháu có hoàn cảnh khó khăn là một việc làm nhân đạo, thể hiện đạo lý của dân tộc VN và cần được khuyến khích. Tuy vậy, nếu việc quản lý của nhà nước thiếu chặt chẽ, sẽ dẫn đến tình trạng một số người xấu lợi dụng nhằm buôn bán trẻ em để trục lợi.
No comments:
Post a Comment