Thursday, November 19, 2015

Thực hư môn sử bị 'xóa sổ'?

Theo BBC-5 giờ trước 

Image copyrighteiu.edu.vn
Image captionGiáo dục và đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu của Việt Nam.
Giới sử học cần phải chủ động thay đổi trước vì nếu tiếp tục dạy như cũ thì 'thà đừng dạy còn hơn', đó là ý kiến của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, thành viên Hội đồng lý luận Trung ương trao đổi với Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC về môn sử trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam.
Trách nhiệm 'lớn hơn' đối với môn lịch sử hiện nay trong nhà trường là của 'những người biên soạn sách giáo khoa' và trách nhiệm này còn lớn hơn nữa 'chính là giới sử học', theo ý kiến tại tọa đàm của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam.
Truyền thông và diễn đàn chất vấn ở Quốc hội Việt Nam những ngày gần đây nóng lên vì một chủ đề có liên quan tới điều được cho là ‘số phận’ của môn lịch sử trong nhà trường ở Việt Nam, mà đặc biệt tới môn sử sẽ được dạy và học ra sao ở cấp trung học phổ thông.
Liệu có đúng là môn sử có thể sẽ bị ‘xóa sổ’, thậm chí có người nói là ‘khai tử’ hay không ở đây, hay là môn lịch sử đang được tổ chức lại, mà như cách gọi là ‘tích hợp’ để dạy và học tốt hơn, hiệu quả hơn trong nhà trường, có lợi hơn cho học sinh và xã hội?
Trao đổi tại Bàn tròn Thứ Năm hôm 19/11/2015 từ Sài Gòn, Giáo sư Trần Ngọc Thêm bình luận về cuộc tranh luận đang diễn ra ở Việt Nam.
Ông nói: "Trước hết đối với giới sử học và các giáo viên, các thầy cô dạy sử, tôi nghĩ là phải chủ động thay đổi trước... Nếu mà tiếp tục dạy sử như hiện nay thì thà đừng dạy còn hơn. Nhưng mà nếu đừng dạy thì vô cùng nguy hiểm bởi vì nó sẽ đứt đoạn.
"Nếu như nghỉ dạy một thời gian, để chuẩn bị, chuẩn bị tốt, rồi sau đó tiếp tục dạy, thì như thế có những thế hệ sẽ không được đào tạo sử đến nơi đến chốn.
"Hoặc là nếu bớt hẳn chương trình dành cho môn sử đi, dù như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nói rằng là số giờ dạy sử vẫn là nhiều đấy, nhưng tôi thì tôi nghĩ rằng nó cần phải được dạy ngang với môn văn, môn tiếng Việt.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm
Image captionGiáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng những 'hình tượng' được 'sáng tác' như Lê Văn Tám là 'điều rất tổn thương' với thế hệ của chính ông.
"Tôi rất đồng ý với Giáo sư Phan Huy Lê rằng có ba môn ở Việt Nam luôn luôn có truyền thống coi trọng, đó là Quốc ngữ, Quốc văn và Quốc sử, chứ địa là không có, không có Quốc địa rồi."

'Điều rất tổn thương'

Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói tiếp:
"Ba môn đó tôi đồng ý là phải dạy đến nơi, đến chốn, nhưng mà phải dạy theo cách khác, chắc chắn là phải theo cách khác... Nội dung giảng dạy phải tôn trọng sử học, chứ không thể có chuyện là Lê Văn Tám...
"Bởi vì Giáo sư Phan Huy Lê đã được sự ủy nhiệm của nhà sử học, Bộ trưởng Trần Huy Liệu đã công bố chuyện rằng là hình tượng Lê Văn Tám là hình tượng do ông sáng tác ra.
"Thế thì không thể để một giai đoạn mấy chục năm là học sinh, cả bản thân chúng tôi cũng được học Lê Văn Tám, và như thế thế hệ chúng tôi đã bị đánh lừa.
"Chúng ta có thể nhân danh cuộc chiến đối với kẻ xâm lược là đế quốc Pháp để mà làm chuyện nọ, chuyện kia, nhưng mà không được nhân danh đó để đánh lừa cả một thế hệ.
"Tôi cho điều đó là điều rất tổn thương đối với chúng tôi và không thể để sự tổn thương này tiếp tục được nữa...", Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nói với BBC.

Trách nhiệm của ai?

Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm về cuộc tranh luận đang diễn ra về môn lịch sử ở nhà trường Việt Nam.
Ông nói: "Tôi cho rằng những ý kiến mà dư luận đã đưa lên, hoặc là những ý kiến ngay trong buổi tọa đàm của chúng ta hôm nay, nói về việc dạy sử ở Việt Nam, thì tôi nghĩ rằng đúng như thế thật.
"Thế nhưng trách nhiệm là của ai? Tôi nghĩ rằng trách nhiệm trước hết là của các thầy, các cô trực tiếp đứng lớp. Nhưng mà trách nhiệm lớn hơn các thầy các cô là của những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa.
"Nhưng mà lại lớn hơn trách nhiệm của những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa nữa chính là của giới sử học.
"Bởi vì... người ta than phiền là vì sao mà chúng ta (Việt Nam) chỉ dạy có lịch sử chiến tranh, mà không có lịch sử văn hóa, lịch sử kinh tế, thế thì là vì tại anh không có thành tựu nghiên cứu thì lấy đâu ra mà dạy?
"Thứ hai người ta chê là tại sao sử của mình cứ viết một chiều, một chiều tôi phải xin nói cái đấy không phải là lỗi của người viết sách giáo khoa."
GS. Nguyễn Minh Thuyết
Image captionGiáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng người viết sách giáo khoa phải viết theo 'chính sử của nhà nước'.
"Người viết sách giáo khoa người ta phải viết theo chính sử của nhà nước, cho nên bây giờ tôi nghĩ chính các vị ở giới sử học ấy là phải có một sự đổi mới thật là mạnh mẽ thì như vậy ta mới mong dạy môn sử tốt được.
"Điểm thứ hai là dạy sử phải gắn với thực tế, thí dụ như là cho học sinh đi tham quan bảo tàng, tham quan những địa điểm lịch sử, ví dụ ở Hà Nội có thể đến thăm Gò Đống Đa, địa điểm lịch sử.
"Các địa phương khác, địa phương nào cũng có những địa điểm lịch sử, cho học sinh gặp những nhân vật lịch sử, những người mà đã trải qua những giai đoạn lịch sử, hoặc là mời họ đến trường nói chuyện, thì tôi thấy tất cả những cách làm đó nó sẽ làm cho môn sử sinh động hơn nhiều.
"Và tôi cũng chia sẻ với Giáo sư Trần Ngọc Thêm là giới văn nghệ sỹ cũng không thể đứng ngoài chuyện ấy được.
"Nếu chúng ta có nhiều phim hay, nhiều thơ hay, nhiều truyện hay, nhiều nhạc hay về các giai đoạn lịch sử thì chắc chắn là trẻ em mà người lớn cũng sẽ hiểu sử hơn," Giáo sư Thuyết nói.

Vẫn rất cần thiết

Từ Sơn Tây, một phụ huynh đồng thời là nhà giáo, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói với BBC dù được 'tích hợp' hay là không trong chương trình giảng dạy trung học phổ thông tổng quát, thì môn lịch sử vẫn là một học rất cần thiết trong nhà trường.
Bà Thanh Nhàn nói:
"Tôi cũng nghe đồng nghiệp trao đổi về việc dạy tích hợp môn lịch sử và cũng như là một số môn học khác ở trong nhà trường.
"Bởi vì tích hợp là rất nhiều môn chứ không phải chỉ là môn lịch sử và chúng tôi cũng nói với nhau nhiều về chuyện này.
"Với riêng bản thân tôi, tôi nghĩ rằng cho dù là tích hợp hay là không tích hợp, thì môn lịch sử vẫn là môn học rất cần thiết cho nhà trường.
"Bởi vì rõ ràng là con người có tổ, có tông, có nguồn, có gốc, và môn lịch sử không chỉ dạy cho học sinh, trang bị cho học sinh kiến thức, mà nó còn góp phần hình thành nhân cách, rồi cả tinh thần yêu nước, rồi cả chuyện yêu truyền thống của cả dân tộc mình.
"Cũng như là cần hiểu biết về nền văn minh của dân tộc, cũng như là nền văn minh của cả nhân loại, và từ đó thì nó có thể có được tinh thần tự tôn dân tộc, cũng như là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Image captionCô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ Sơn Tây cho rằng môn lịch sử dù được giảng dạy 'tích hợp' hay không vẫn luôn quan trọng và cần thiết trong nhà trường.
"Tôi nghĩ rằng môn lịch sử là rất cần thiết trong nhà trường, còn nếu để dạy tích hợp, thì có thể đấy cũng là một cách giảm tải tốt cho học sinh.
"Giảm tải tốt, bởi vì học sinh sẽ bớt đi cái áp lực của bộ môn.
"Tuy nhiên tôi cũng nghĩ rằng Bộ Giáo dục sẽ cần phải xây dựng chương trình và đổi mới cách dạy sao đó để môn sử đạt được hiệu quả cần thiết nhất của nó trong trường học," nhà giáo Thanh Nhàn, từ Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội, nói với Bàn tròn của BBC.

Truyền thông quan tâm

Trao đổi với Bàn tròn Thứ Năm từ Bangkok, phóng viên Ben Ngô của BBC Việt ngữ tường thuật góc nhìn và quan tâm của truyền thông, báo chí với cuộc tranh luận về môn lịch sử ở trường học Việt Nam.
Anh Ben Ngô nói: "Theo tôi thấy một số tờ báo lớn ở Sài Gòn cũng như Hà Nội chủ yếu họ đề cập đến chuyện yêu nước với môn lịch sử.
"Nhưng mà thực ra tôi thấy trong vấn đề này nó có ba chuyện.
"Thứ nhất là bối cảnh, thời điểm diễn ra dự án tích hợp môn lịch sử này, trong lúc ông Tập (Cận Bình) mới thăm Việt Nam xong, rồi trong lúc Biển Đông tiếp tục căng thẳng, thì cái chuyện đề án tích hợp môn lịch sử có thể khiến công luận người ta hoài nghi cái lộ trình gì đó.
"Ngoài ra tôi cảm thấy một vấn đề mà nhiều nhà báo họ có nói trên mạng xã hội thôi chứ họ không nói trên mặt báo ở trong nước (Việt Nam) là chuyện môn lịch sử ở trong nhà trường lâu nay thì... hình như là chỉ dạy về lịch sử của chế độ thôi, là gần như bỏ qua quá trình lịch sử dân tộc trước hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
"Ngoài ra, tôi thấy một nhà báo đặt vấn đề cũng đáng quan tâm là ông ấy nói có những nhân vật trong sách giáo khoa lịch sử như là Lê Văn Tám, Bế Văn Đàn, thì nhân vật đó là hư cấu hay là thực?
Ben Ngô, phóng viên BBC Việt ngữ, Bangkok
Image captionPhóng viên BBC Việt ngữ từ Bangkok, Ben Ngô, tường thuật quan tâm của truyền thông Việt Nam với cuộc tranh luận về dạy sử.
"Bao giờ công bố sự thật về những nhân vật lịch sử mà người ta không biết chắc là hư cấu hay là có thực trong lịch sử.
"Những vấn đề đó người ta ít đọc được trên những tờ báo trong nước mà chỉ có thể thấy trên mạng xã hội thôi," phóng viên Ben Ngô nói với Tọa đàm.

Tích hợp và thích hợp

Từ Đại học Maine Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia chia sẻ với BBC góc nhìn của ông về việc dạy học môn sử trong các nhà trường ở Mỹ và so sánh với Việt Nam.
Ông nói: "Trước hết là nước Mỹ có 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang ở nước Mỹ họ chọn cách dạy và họ chọn những sách giáo khoa các môn học sử và các môn khoa học xã hội.
"Ở Mỹ, tất cả các bang đều tích hợp, họ tích hợp từ lớp 6 cho đến lớp 12. Nhưng vấn đề không phải là vấn đề tích hợp, mà vấn đề dạy có thích hợp hay là không.
"Những bang nghèo, ví dụ như bang Maine của chúng tôi, thì không có đủ tiền để tiếp tục tập huấn và dạy cho các giáo viên, cho nên thường thường ở nhiều chỗ giáo viên không đồng đều.
"Thành ra chúng tôi ở Đại học bang Maine, chúng tôi tự lập ra những chương trình đi từ trường này cho đến trường kia, giúp tập huấn lại cho các giáo viên để cho họ có thể hiểu vấn đề phân tích lịch sử, phân tích xã hội như thế nào.
"Bởi vì vấn đề lịch sử nó không chỉ là lịch sử, không chỉ là sự kiện thế này, thế kia, mà lịch sử là học vấn đề phát triển của đất nước, phát triển của loài người và phải giúp cho người ta hiểu những mô hình phát triển nó như thế nào.
"Các thời đại như thế nào, các thời kỳ như thế nào, thì những vấn đề này giáo viên lúc ban đầu họ không được huấn luyện tốt, thành ra bây giờ vẫn tiếp tục làm.
"Thành ra nếu bây giờ so sánh bang của tôi với bang California là bang rất là giàu, thì nhất định là bang California họ dạy rất là giỏi. Trong khi chúng tôi, khi các em lên đại học, ở Đại học vẫn bắt buộc học ở khoa sử, thì chúng tôi phải dạy lại hết, là bởi vì họ dạy sai ở dưới trung học và tiểu học.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Image captionGiáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam 'phân luồng quá sớm'.
"Thành ra cái vấn đề nó không phải chỉ là vấn đề ở Việt Nam, nhưng mà nếu nói vấn đề ở Việt Nam, tôi xin nói thêm như thế này: Việt Nam phân luồng quá sớm... rồi bây giờ nói rằng các em không đi vào khoa học tự nhiên, thì nên học thứ khác, thì nó vô lý.
"Bởi vì làm như vậy các giới trẻ lớn lên, nó có sự hiểu biết về lịch sử gián đoạn và khác nhau, ở Mỹ không như vậy. Ở Mỹ, tất cả mọi người học cùng và nếu mà chưa hiểu hết, thì lên đại học sẽ tiếp tục dạy thêm.
"Bao giờ môn lịch sử và tất cả các môn khác nó cũng đi với nhau, nó tích hợp, tích hợp tùy cách tích hợp, tuy nhiên nó có thích hợp hay là không, lên trên Đại học phải chọn bao nhiêu là lớp sử, được chọn bao nhiêu lớp khoa học xã hội khác, nhưng thường thường các giáo sư họ làm những lớp thích hợp và ở dưới bắt buộc tất cả mọi em đều học giống như nhau, để cho có một nền tảng giống như nhau," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC.

No comments:

Post a Comment