Thursday, November 19, 2015

Có ‘hiểu nhầm’ về ‘tích hợp lịch sử’?

Theo BBC-7 giờ trước Chia sẻ

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionDư luận đang tranh cãi gay gắt chuyện đề án tích hợp môn lịch sử có nguy cơ 'khai tử' môn học này
Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích dư luận đang ‘hiểu nhầm’ về dự thảo ‘tích hợp môn lịch sử’ và thật ra phương pháp mới giúp ‘tăng giá trị’ cho môn học này.
Hôm 19/11, trao đổi với BBC, Giáo sư Đinh Quang Báo, thường trực Ban chỉ đạo Đề án đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015, cho biết ông ủng hộ dự thảo ‘tích hợp môn lịch sử’ của Bộ Giáo dục.
“Tích hợp các môn học là xu hướng của giáo dục hiện đại, được áp dụng thành công tại các nước. Phương thức này làm cho môn lịch sử ‘tăng giá trị’ hơn và tuân theo logic đào tạo công dân Việt Nam có kiến thức sâu hơn.
Cũng cần nói rõ là bên cạnh việc tích hợp lịch sử vào các môn học khác như giáo dục công dân, dự thảo mới còn có môn lịch sử độc lập dành cho những học sinh muốn đào sâu kiến thức về lịch sử từ năm lớp 10 trong chương trình Trung học Phổ thông”, ông Báo cho biết.
Cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tiết lộ rằng nếu được thông qua, dự thảo ‘tích hợp môn lịch sử’ sẽ được áp dụng từ năm học 2018-2019.

‘Hiểu nhầm’

Cùng ngày, lên tiếng trên website VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Ban Soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nói: “Đang có sự hiểu nhầm giữa dư luận xã hội và chủ ý của Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự hiểu nhầm này có thể do cách trình bày, cách viết của Ban soạn thảo chưa rõ ràng”.
“Ban soạn thảo xin khẳng định, chương trình giáo dục phổ thông mới coi trọng tất cả các môn học trong nhà trường, đặc biệt là môn lịch sử.
Việc đổi mới môn lịch sử xuất phát từ yêu cầu nhằm khắc phục tình trạng học sinh đang ‘thờ ơ’ với môn học này. Vì thế cần đổi mới một cách toàn diện: chương trình, sách giáo khoa và đặc biệt cách dạy học, cách kiểm tra đánh giá kết quả học tập.
Ban soạn thảo cho rằng, việc hình thành một năng lực chung hay một phẩm chất nào đó là kết quả tổng hợp của nhiều môn học chứ không phải chỉ có 1 môn. Trên quan điểm đó, giáo dục lịch sử sẽ không thể chỉ ‘khoán trắng’ cho mình môn học này, dù lịch sử đóng vai trò cốt lõi”, website này dẫn lời ông Thống.
Image copyrightReuters
Image captionCó ý kiến trên mạng xã hội cho rằng môn lịch sử đang được dạy trong trường học là “sử chế độ” chứ không phải “sử dân tộc”
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 18/11, Giáo sư sử học Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói: “Tôi cho rằng đề án tích hợp môn lịch sử trong trường phổ thông là phản khoa học, phản dân tộc. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang khai thác môn lịch sử theo tư tưởng bành trướng thì lẽ ra Việt Nam càng phải đẩy mạnh môn học này để giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau”.
Giáo sư cũng bình luận rằng những người trong ban soạn thảo sách giáo khoa sử theo dự án tích hợp “có trình độ thấp kém và không có tầm, cũng như không phải là những nhà sử học”.
Ông cho biết ông và các nhà sử học khác đang kiên quyết phản đối đề án tích hợp môn lịch sử và bảo lưu quan điểm “lịch sử phải là môn khoa học độc lập như vốn có và phải được đối xử bình đẳng như các môn khác trong trường học“.
Bộ trưởng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, Ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa phổ thông đang lắng nghe ý kiến người dân, sau đó sẽ báo cáo lại các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

No comments:

Post a Comment