Tuesday, November 17, 2015

Lao động từ Algeria 'ăn đói, mặc rách' về nước

Theo Vnexpress.net-Thứ ba, 17/11/2015 | 19:45
Bước xuống sân bay, nhiều công nhân còn mặc nguyên áo rách, người "giàu nhất" chỉ còn 95.000 đồng.

Chiều 17/11, 13 người thuộc số lao động trong vụ việc bị chủ Trung Quốc hành hung ở Algeria về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội). Gương mặt mệt mỏi sau chặng bay dài, các công nhân vẫn lộ vẻ vui mừng. Ra khỏi khu làm thủ tục, trong vòng tay của người thân, nhiều lao đồngthốt lên: "Sống rồi".

lao-dong-tu-algeria-an-doi-mac-rach-ve-nuoc
Anh Cẩn với 95.000 đồng và chiếc áo lao động rách khi về tới sân bay Nội Bài. Ảnh: Phương Hòa.

Anh Nguyễn Hữu Cẩn (44 tuổi), quê Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ "Tôi mừng lắm. Mừng vì không phải tiền to túi đầy về quê mà mừng về an toàn trở về sau nhiều ngày sống trong lo sợ". Anh Cẩn nằm trong số 38 lao động ở thành phố Khenchela được về nước đầu tiên. Xuống sân bay, anh vẫn còn mặc nguyên chiếc áo xanh công nhân bị đinh móc rách một đường dài ở thân áo. Chiếc áo là đồ hộ lao động do Công ty SIMCO Sông Đà phát cách đây 5 tháng khi ra nước ngoài.

Nhóm công nhân rời Algeria vào chiều 15/11, quá cảnh ở Dubai, qua Bangkok (Thái Lan) rồi mới về sân bay Nội Bài. Theo phản ánh của anh Cẩn và các công nhân, họ tự làm các thủ tục lên máy bay và không còn tiền trong người khi về nước. Người của công ty SIMCO Sông Đà đã về trên chuyến bay trước đó.

"Chúng tôi xuống sân bay Bangkok vào chiều tối 16/11, do bị lỡ chuyến nên vạ vật gần một ngày đêm. Nằm chán lại ngồi, ngồi chán lại nằm cho đến 12h trưa nay, lên máy bay mới ăn tạm chút gì đó. Phận làm thuê sao mà khổ nhục thế", anh Cẩn ngao ngán nói và cho hay "sợ đi xuất khẩu lao động lắm rồi, lần này về ở nhà nghỉ ngơi một thời gian rồi kiếm công việc gần nhà để làm".

Sang Algeria từ tháng 7, anh Cẩn làm thợ mộc, công việc khá vất vả và bị chủ lao động chèn ép. Để đi xuất khẩu, gia đình anh phải vay 47 triệu đồng làm chi phí. Mang theo giấc mộng đổi đời, khi về trong người anh chỉ có 95.000 đồng do những bạn đồng hương còn ở lại, cho để uống nước dọc đường. Nói rồi, anh chìa số tiền trên ra đếm như sợ người chứng kiến không tin.

lao-dong-tu-algeria-an-doi-mac-rach-ve-nuoc-1
Ông Trì trắng tay sau ba lần đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Phương Hòa.

Đôi mắt thâm quầng, ông Nguyễn Ngọc Trì (45 tuổi) ôm lấy đứa cháu hơn 2 tuổi hít hà vì nhớ. Ở bên cạnh, anh con rể đi đón bố vợ cũng nửa mừng nửa tủi khi thấy ông bình an về nước. Trước khi đi Algeria, ông Trì từng hai lần đi xuất khẩu lao động ở Libi và Dubai nhưng không tích lũy được gì.

Đi gần nửa năm, ông gửi về cho gia đình được 4,5 triệu đồng. Bế tắc trước số nợ hàng chục triệu đồng vay mượn nhưng ông tạm gạt đi, không muốn nghĩ đến. "Dù no dù đói nhưng về được là mừng rồi. Chấp nhận thôi. Còn nhìn thấy con cháu là hạnh phúc rồi", ông chia sẻ.

Vui mừng khi về tới Việt Nam, nhưng các công nhân cũng lo lắng cho người ở lại. Theo lịch, 39 lao động còn lại sẽ được chia làm hai nhóm, về nước vào ngày 18 và 20/11."Anh em bên đó đang rất lo lắng, sợ không được về đúng hạn", lao động Nguyễn Khắc Đức (48 tuổi) cho hay.

Hiện 13 lao động trên được Công ty SIMCO Sông Đà hỗ trợ mỗi người triệu đồng để về quê và nhận giấy hẹn đầu tháng 12 đến thanh lý hợp đồng.

lao-dong-tu-algeria-an-doi-mac-rach-ve-nuoc-2
Nhóm công nhân đầu tiên ở Algeria về nước vào chiều 17/11. Ảnh: Phương Hòa.

13 công nhân trên nằm trong số lao động Việt Nam do Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà đưa sang làm việc tại Algeria theo hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô. Theo hợp đồng, công nhân được trả lương theo công nhật nhưng nhà thầu tự ý đổi sang lương khoán, công nhân không đồng ý, phản đối nên bị hành hung vào ngày 16/9.

Sau khi vụ việc xảy ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã làm việc với hai bên để tìm hiểu rõ sự việc. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan làm việc với cơ quan chức năng ở Algeria, yêu cầu giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Sau hơn một tháng làm việc, hai bên thống nhất giải quyết cho 52 lao động về nước (50 công nhân, một đốc công, một phiên dịch). Còn lại 5 lao động có nguyện vọng tiếp tục làm việc được ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới.

Phương Hòa

No comments:

Post a Comment